Theo Hoang Nhan
Investing.com - VN Index giữ nguyên kịch bản giao dịch và ghi nhận phiên đi ngang thứ 5 liên tiếp. Đây không phải là một động thái tốt do bên thắng thế vào cuối phiên luôn là bên bán. Lần gần đây nhất VN-Index gặp nhiều khó khăn đến vậy để vượt qua ngưỡng kháng cự vùng số tròn trăm là vào giai đoạn giữa tháng 1/2021, khi thị trường thất bại trong việc vượt qua ngưỡng 1,200 điểm trong 4 phiên và theo sau đó là phiên giảm điểm mạnh nhất mọi thời đại ngày 19/1. Đây là một viễn cảnh hầu như không ai muốn thấy nhưng vẫn là một bài học để các nhà đầu tư chuẩn bị trước mọi tình huống.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/10, VN-Index tăng 2.83 điểm (0.2%) lên 1,395.53 điểm. Toàn sàn có 193 mã tăng, 245 mã giảm và 38 mã đứng giá. HNX tăng 0.04 điểm (0.01%) lên 384.88 điểm. Toàn sàn có 122 mã tăng, 103 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCOM-Index giảm 0,07 điểm (-0.07%) xuống 99.37 điểm. Toàn sàn có 162 mã tăng, 153 mã giảm và 78 mã đứng giá.
Thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao, đạt 28.8 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 1 tỷ cổ phiếu. Sàn HoSE ghi nhận thanh khoản 23.6 nghìn tỷ đồng. Trong đó giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 1.19 nghìn tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong phiên, giá trị bán ròng đạt 605.6 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị bán ròng mạnh nhất trên có (HM:HPG), SSI (HM:SSI), (HM:GMD), (HM:KBC), (HM:CTG),... Ở chiều ngược lại, các mã được mua ròng nhiều nhất có (HM:STB), (HM:HAH), (HM:VHC), (HM:HDB).
VN-Index ghi nhận phiên giao dịch thứ 5 liên tiếp đảo chiều so với mốc mở cửa. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và phân bón-hóa chất chịu áp lực chốt lời lớn và giảm mạnh trong nửa cuối phiên chiều kéo chỉ số từ vùng 1,400 điểm về lại quanh mốc tham chiếu. Dù thị trường đã vượt 1,400 điểm đầu phiên chiều và duy trì được khoảng 1 tiếng, lực mua hỗ trợ thị trường vượt kháng cự không được ghi nhận khiến áp lực chốt lời lại dâng cao. Dường như dòng tiền mới không vào thị trường mà chủ yếu là do dòng tiền hiện tại đang đảo qua lại giữa các nhóm ngành. Trong 5 phiên gần nhất, thị trường đang có xu hướng mua phiên sáng và chốt lời phiên chiều tại vùng giá cao. Qua đó duy trì mức thanh khoản trung bình và không bứt phá được về khối lượng.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index hình thành cây nến Doji cho thấy tâm lý vô cùng lưỡng lự của các nhà đầu tư, và áp lực giữa 2 bên mua-bán đang có phần cân bằng. Tuy vậy, áp lực bán vẫn có phần áp đảo do động thái đảo chiều cuối phiên thường thể hiện ý chí thị trường. VN-Index vẫn cho các tín hiệu đảo chiều khi chỉ báo Stochastic đang ở vùng quá mua. Chỉ báo RSI tương tự cũng đang chững lại khi tiến đến vùng quá mua. Ngược lại, nếu trạng thái điều chỉnh xuất hiện, vùng 1,372-1,380 điểm (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 08/2021) sẽ là hỗ trợ quan trọng cho thị trường.
Phiên đầu tuần đánh dấu sự phục hồi của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán khi hầu hết các mã của nhóm này đều có một ngày tăng giá. Ấn tượng nhất là TCI (+10.8%), APS (+9.7%), VIX (+7%), VDS (HM:VDS) (+4.3%), BSI (+3.8%), VND (HM:VND) (+3.1%), VCI (HM:VCI) (+3%),... Nhóm cổ phiếu này bắt đầu nổi sóng khi thị trường vượt 1,400 điểm và giữ được sắc xanh khi thị trường đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp chứng khoán như SSI, AAS,...đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng bất chấp trạng thái có phần trồi sụt của thị trường trong quý 3. Tuy vậy, vẫn còn đó những cái tên thua lỗ do mảng tự doanh như AGR (HM:AGR), BMS,...
Nhóm cổ phiếu dầu khí có một phiên giao dịch ấn tượng với PFL (+10.9%), PVO (+8.6%), PVD (HM:PVD) (+4.2%), GAS (HM:GAS) (+4%),... sau một tuần có phần kém sắc. Tại thời điểm viết bài, giá dầu Brent đã tăng mạnh lên mốc 85.83 USD/thùng và tiếp tục là động lực cho nhóm này. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước quay trở lại nhờ các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ cũng giúp bài toán về nhu cầu của các doanh nghiệp dầu khí trong nước được giải quyết.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu phân bón-hóa chất điều chỉnh mạnh với DDV (-6.1%), CSV (HM:CSV) (-5%), DCM (HM:DCM) (-4.9%),... do áp lực chốt lời dâng cao. Mặc dù giá phân bón đang tăng cao trong thời gian gần đây do động thái hạn chế xuất khẩu phân đạm của Trung Quốc, nhưng vấn đề về nguồn nguyên liệu đầu vào như giá than nhập khẩu tăng mạnh, mỏ apatit trong nước gần cạn kiệt,... cũng sẽ có những áp lực nhất định đến nhiều doanh nghiệp trong ngành.
CTCP Chứng khoán SSI (HM:SSI) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 công ty mẹ với kết quả lãi trước thuế 9 tháng đạt hơn 2 ngàn tỷ đồng. Theo Công ty ước tính, lãi trước thuế hợp nhất đạt gần 2,100 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận tổng doanh thu 5,091.1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2,062.6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 53.3% và gần 92% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, sau 9 tháng hoạt động SSI đã vượt 12% kế hoạch kinh doanh năm 2021 về lợi nhuận.
Đáng chú ý, mảng tự doanh của SSI quý 3 giảm lãi so với cùng kỳ khi khoản lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng gấp đôi lên gần 224 tỷ đồng (trong khi lãi từ tài sản FVTPL chỉ tăng nhẹ). Theo đó, lãi tự doanh quý 3 chỉ ghi nhận ở mức 102.5 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ.