Vietstock - Cổ phiếu ngân hàng trở thành gánh nặng cho thị trường
Ảnh hưởng từ kết quả tín dụng tăng chậm khiến cổ phiếu ngân hàng biến động tiêu cực và trở thành gánh nặng, kéo lùi thị trường trong tháng 6 vừa qua.
Khép lại phiên giao dịch cuối tháng 6/2024, VN-Index thủng mốc 1,250 điểm, giảm 1.3% so với tháng trước, rơi về 1,245.32 điểm. Thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh với sự tác động lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng tháng 6 giảm 2% so với tháng trước, về còn 672 điểm.
Vốn hóa “bay màu” gần 20,500 tỷ đồng
Trong tháng 6, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng giảm 20,490 tỷ đồng, xuống còn 1.89 triệu tỷ đồng (tính đến 28/6/2024), ứng với tỷ lệ giảm hơn 1% so với cuối tháng 5.
Nguồn: VietstockFinance
|
Vốn hóa toàn ngành tiếp tục “bốc hơi” do tác động tiêu cực từ 3 ông lớn ngân hàng “gốc” Nhà nước. Cụ thể BIDV (BID (HM:BID)) giảm vốn hóa mạnh nhất hệ thống ngân hàng (giảm 8% so với tháng trước), còn VietinBank (CTG (HM:CTG)) và Vietcombank (HM:VCB) lần lượt giảm 3% và 2%.
Phần lớn vốn hóa ngân hàng khối tư nhân đều thụt lùi. Chỉ có một số ít ghi nhận vốn hóa cải thiện.
Trong đó, mặc dù thị giá giảm 3% so với tháng trước, ACB (HM:ACB) lại có vốn hóa tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng (tăng 11%) nhờ lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng thêm gần 583 triệu cp tại ngày 27/6/2024 sau khi Ngân hàng này hoàn tất phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%.
Còn lại vốn hóa của các nhà băng như LPBank (LPB (HM:LPB), +9%), NVB (HN:NVB) (NCB, +7%), VPBank (HM:VPB, +4%) đều tăng tương ứng với đà tăng của thị giá.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 24/6/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới chỉ đạt 4.45%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% mà Ngân hàng Nhà nước đề ra cho cả năm 2024.
Tăng tín dụng chậm tác động trực tiếp đến thu nhập lãi thuần, làm dấy lên lo ngại về bức tranh lợi nhuận quý 2 của ngân hàng, từ đó phản ánh lên giá cổ phiếu ngân hàng trong tháng qua.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh khoản gia tăng
Tháng 6 có gần 279 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, tăng 15% so với tháng 5, tương đương tăng gần 37 triệu cp/ngày. Cùng với đó giá trị giao dịch tăng 19%, đạt gần 6,139 tỷ đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
Đáng chú ý, các ngân hàng có thanh khoản dâng cao phải kể đến OCB (gấp 5.7 lần), VAB (gấp 3 lần), VPB (gấp 2 lần), TCB (HM:TCB) (tăng 85%) và SSB (tăng 83%). Trái lại, VBB có thanh khoản giảm mạnh nhất hệ thống (giảm 92%), xuống còn 7,729 cp/ngày.
Tháng này, thanh khoản cổ phiếu VPB vượt lên dẫn đầu với hơn 32 triệu cp được giao dịch khớp lệnh mỗi ngày và hơn 9 triệu cp/ngày được “sang tay”, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 41 triệu cp, gấp 2 lần tháng trước.
SGB là nhà băng có thanh khoản thấp nhất chỉ với 5,260 cp được giao dịch mỗi ngày, giảm 22% so với tháng trước, giá trị chỉ gần 70 triệu đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
Khối ngoại bán ròng 2,707 tỷ đồng
Áp lực bán của khối ngoại tiếp tục duy trì trong tháng 6 với gần 91 triệu cp ngân hàng bị bán ròng, giảm hơn 70% so với tháng trước. Cùng với đó, giá trị bán ròng đạt 2,707 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp (tính từ tháng 2/2024), cổ phiếu ngân hàng bị bán ròng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong tháng 6 này, cổ phiếu MBB được khối ngoại mua mạnh nhất với 22 triệu cp (505 tỷ đồng). Trái lại, VPB là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng lớn nhất, với gần 45 triệu cp, giá trị tương đương 853 tỷ đồng.
Khang Di