Investing.com – Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định hồ sơ dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó đáng chú ý có nội dung lùi việc tăng thuế suất rượu bia lên 100% sau năm 2035 thay vì 2030.
Mới đây, theo truyền thông tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định hồ sơ dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với nội dung như sau.
Lùi việc tăng thuế suất lên 100% sau năm 2035 thay vì 2030
Dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi đưa ra phương án, lộ trình tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia.
Đối với rượu từ 20 độ trở lên
- Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn 2026-2030.
- Phương án hai: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn 2026-2030.
Đối với rượu dưới 20 độ
- Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành từ 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn 2026-2030.
- Phương án hai: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn 2026-2030.
Đối với mặt hàng bia
- Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
- Phương án hai: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Theo giải trình ý kiến tham gia của các Bộ ngành, địa phương, tổ chức về dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi, UBND các tỉnh thành phố Đà Nẵng, Đắk Lắk, Vĩnh Phúc, các tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng… nhất trí phương án 1.
Nguyên nhân, theo thống kê của các doanh nghiệp (DN) rượu bia, đồ uống có cồn sụt giảm doanh thu hàng chục ngàn tỉ đồng trong năm 2023 từ việc thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Thêm vào đó, các biến động kinh tế Việt Nam và thế giới thời gian qua đã khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Điều này buộc các DN phải tăng giá bán bia rượu khiến việc tiêu thụ giảm mạnh.
Do đó, đề xuất chính sách tăng thuế nên có lộ trình phù hợp, tránh biến động quá lớn để các DN kịp thời thích ứng bảo đảm sản xuất kinh doanh.
Bộ Ngoại giao, đề nghị Bộ Tài chính giải thích lý do đề xuất mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia cao ngang hàng rượu từ 20 độ trở lên và không chia mặt hàng bia theo mức nồng độ cồn như rượu. Đồng thời, cân nhắc phân loại bia theo nồng độ cồn để đưa ra lộ trình tăng thuế từng năm cho phù hợp.
Theo Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1-1-2026, và thuế suất đối với bia được giữ ổn định ở mức 65% trong vòng ba năm.
Lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đầu tiên là năm 2029. Sau ba năm sẽ tăng một lần và mỗi lần tăng không quá 3%-5%, đồng thời lùi việc tăng thuế suất lên 100% sau năm 2035 thay vì 2030.
Bộ Tư pháp cho biết, biểu thuế suất thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ được quy định cụ thể, đối với từng loại hàng hóa dịch vụ. Đây là vấn đề kinh tế kỹ thuật, Bộ Tư pháp không có ý kiến.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng thuế suất cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng và tính toán cụ thể để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, DN, đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách.
Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động để đảm bảo tính khả thi.
Tăng thuế bia rượu sẽ thúc đẩy thu Ngân sách nhà nước thêm hàng chục ngàn tỉ đồng
Theo Bộ Tài chính, tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ ngành, địa phương, tổ chức về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi cho thấy cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo luật.
Tuy nhiên, về phương án, lộ trình tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia có hai luồng ý kiến: Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, các DN bia, rượu đề nghị xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng.
Các Bộ Y tế, Nội vụ, Công an; tỉnh Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long, Phú Yên; Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức bảo vệ sức khỏe... lại nhất trí theo phương án hai.
Bộ Tài chính dẫn chứng, việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo phương án hai như đề xuất. Qua tính toán của Tổng Cục thuế, sẽ tăng thu Ngân sách nhà nước.
- Đối với bia, dự kiến năm 2026, phần thuế tăng thêm so với năm liền kề là 10.707 tỉ đồng. Từ năm 2027-2030, phần thuế tăng thêm so với năm liền kề là 3.556 tỉ đồng.
- Rượu dưới 20 độ, dự kiến năm 2026, phần thuế tăng thêm là 102 tỉ đồng so với năm liền kề. Từ năm 2027-2030 phần thuế tăng thêm so với mỗi năm liền kề là 35 tỉ đồng.
- Rượu từ 20 độ trở lên, dự kiến năm 2026, phần thuế tăng thêm là 128 tỉ đồng so với năm liền kề. Từ năm 2027-2030 phần thuế tăng thêm so với mỗi năm liền kề là 44 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, với phương án hai, giá bán năm 2026 sẽ tăng 10% so với năm 2025; các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2%-3% so với năm trước.
Phương án này có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với bia rượu, giảm các tác hại liên quan do lạm dụng rượu bia gây ra. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện theo phương án hai.
Bộ Tài chính xin ý kiến Chính phủ xem xét, quyết định về phương án lộ trình tăng thuế.
Đề xuất bổ sung bia không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB
UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất bổ sung mặt hàng bia không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Lý do theo khoản 2, điều 2 Luật Phòng chống tác hại rượu bia quy định “Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha, đại mạch, nấm men bia, hoa bia, nước”.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay trên thị trường có nhiều loại bia không cồn (hay còn gọi là bia 0 độ) là bia đã bỏ cồn hoặc được ủ chứa ít cồn hơn mức giới hạn cho phép.
Đây là sản phẩm được khuyến khích sản xuất tại Luật Phòng chống tác hại rượu bia với mục đích giảm lượng tiêu thụ sản phẩm có cồn. Vì vậy, đề xuất cần phân biệt và bổ sung quy định đối với thức uống đại mạch thường gọi là bia không cồn.