Đó là một con đường gập ghềnh cho Ford (NYSE:F). Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng đến từ nền kinh tế toàn cầu khỏe mạnh và nhu cầu cao, nhà sản xuất ô tô thứ 2 thế giới hiện tại đang đối mặt với một cơn bão lớn.
Môi trường công nghiệp ô tô thay đổi nhanh chóng. Doanh số đang giảm dần trên toàn cầu và tương lai cho ô tô truyền thống trở nên bất định khi mà có những kẻ “chen ngang” cùng với công nghệ mới mẻ như Tesla (NASDAQ:TSLA) và Google’s Waymo.
Để đối phó với thách thức, Ford tuyên bố sẽ lên kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu lên đến 11 tỷ USD giá trị trong hơn 2 năm khi doanh số tại Châu Âu và Châu Á chậm dần.
Khó khăn trong hoạt động tại Châu Á và Châu Âu buộc Ford cắt giảm dự báo lợi nhuận trong năm 2018. Công ty này báo cáo doanh số giảm gần 50% trong quý II, sau đó là giảm hơn 35% trong quý tiếp theo.
Động thái mới nhất trong hoạt động tái cấu trúc đến vào thứ Năm khi công ty tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm hàng nghìn việc làm, loại bỏ một số mô hình bán hàng và có thể sẽ đóng cửa nhà máy tại Châu Âu.
Công ty này có khoảng 54.000 công nhân tại châu lục này, chủ yếu tại Đức, Anh và Tây Ban Nha, đồng thời họ sẽ xem xét lại liên doanh tại Nga.
Theo Steven Armstrong, chủ tịch Ford tại Châu Âu nói trong một cuộc họp “sẽ có thay đổi lớn ở khu vực này. Đó không phải là vấn đề trong 1 hay 2 năm. Chúng ta đã có một giai đoạn có lợi nhuận nhưng không phải là ở mức nó nên đạt được.”
Nhà đầu tư đang từ bỏ cổ phiếu
Khi Ford tiến hành chiến dịch tái cấu trúc toàn diện để cải thiện lợi nhuận và sẵn sàng cho một thời kỳ mà xe điện và xe tự hành sẽ thống trị, nhà đầu tư dường như không đặt vào họ nhiều niềm tin.
Sau khi giảm hơn 33% trong 1 năm trước, cổ phiếu Ford đã được giao dịch dưới $10/cổ phiếu kể từ mùa hè giữa những lo ngại về khả năng duy trì mức chi trả cổ tức $0,15/cổ phiếu.
Tâm lý bi quan này càng rõ hơn trong thị trường nợ sau khi Moody’s Investors Service cắt giảm đánh giá tín nhiệm của Ford trong tháng 8. Cổ phiếu công ty được giao dịch dưới $8 vào cuối năm ngoái lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2009, năm mà General Motors (NYSE:GM) và Chrysler (NYSE:FCAU) phá sản.
Nhà đầu tư nhận thấy khó có khả năng kế hoạch tái cấu trúc trở nên khả thi khi chu kỳ tăng trưởng toàn cầu đã thay đổi và công ty đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn bao gồm tăng trưởng doanh số suy yếu tại Trung Quốc hay giá thép tăng lên tại Mỹ sau khi xảy ra xung đột thương mại.
Ford có đủ tiền mặt để đảm bảo chi trả cổ tức
Mặc dù đang ở trong tương lai ảm đạm, nhưng có rất ít lý do để tin rằng Ford sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính buộc họ phải cắt giảm khoản cổ tức gần 7% trong thời gian ngắn.
Kịch bản cực đoan được xây dựng trên giá trị hiện tại nhưng chúng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Ford tiến vào giai đoạn mà lợi nhuận mặc dù sẽ thấp trong vài năm tới nhưng không đến mức mất hoàn toàn như bên bán ra dự đoán.
Để đảm bảo cho mức chi trả $0,15/cổ phiếu hàng quý, Ford có hơn 18 tỷ USD tiền mặt. Chừng đó là đủ tiền để đảm bảo cho phát triển sản phẩm mới và chi trả cổ tức trong thời gian khó khăn này.
Nếu tính cả các khoản đầu tư ngắn hạn, công ty có thể thanh khoản hơn 36 tỷ USD đủ sức đảm bảo khả năng chi trả của mình.
Hoạt động ô tô chính của hãng không đủ tạo ra tiền mặt để thanh toán cổ tức nhưng mảng dịch vụ tài chính lại có thể mang đến thu nhập 1,5 tỷ USD/năm cho công ty mẹ.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, đơn vị tín dụng của hãng đã có quý tốt nhất kể từ 2011, tạo ra 678 triệu USD lợi nhuận bao gồm hoạt động bán lại, cho thuê xe và bán đấu giá.
Tổng kết
Chúng tôi tin kế hoạch tái cấu trúc của Ford là mạnh mẽ và có thể cải thiện lợi nhuận trong tương lai. Các dòng Sedan truyền thống có thể sẽ bị dừng bán tại Mỹ trong vài năm tới. Họ đang lên kế hoạch cập nhật các dòng Crossover, SUV và bán tải đồng thời giới thiệu thêm sản phẩm mới.
Điều này sẽ xóa đi nguyên nhân gây lỗ kéo dài và tăng lợi nhuận của Ford tại khu vực Bắc Mỹ.