Lực bán mạnh diễn ra ồ ạt sau 14h khiến thị trường lao dốc, chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 30 điểm và thủng mốc 1.330 điểm. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chứng khoán bị bán tháo và la liệt mã nằm sàn.
Thị trường thế giới bị bán tháo đêm qua đã tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư trong nước. Nếu như phiên hôm qua, VN-Index có màn "leo dốc" khá ngoạn mục sau 14h thì phiên hôm nay, diễn biễn ngược lại hoàn toàn.
Trên sàn HOSE chỉ có 59 mã tăng điểm, còn lại có gần 400 mã giảm điểm trong đó 46 mã giảm giá sàn tập trung chủ yếu nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, nhóm bất động sản, bán lẻ...
Trong các nhóm giảm giá mạnh thì nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán là đáng chú ý nhất bởi đây là nhóm đã rớt giá rất mạnh trước đó. Chẳng hạn như SSI (HM:SSI), giá đã đổ đèo một mạch từ mức 55.000 đồng/CP cuối tháng 11/2021, giờ chỉ còn 28.850 đồng/CP, tức là mất đi xấp xỉ 50% giá chỉ trong vòng 6 tháng, về vùng giá thấp nhất trong 1 năm. Các cổ phiếu khác trong nhóm này có lẽ chỉ có VND (HM:VND) có đà giảm thấp hơn, còn lại đều đã giảm giá quanh khoảng 50% so với vùng đỉnh.
Nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán được gọi là "hàn thử biểu" của xu hướng thị trường trung hạn 6-9 tháng tới, vì vậy, đà lao dốc mạnh của nhóm này được coi là tín hiệu không tích cực cho thị trường chung trước mắt.
Về tổng thể thị trường, lực mua bắt đáy vẫn có tạo thanh khoản cho phiên hôm nay nhích tăng trong 2 phiên gần nhất. Nhưng rõ ràng là đà lao dốc quá mạnh của VN-Index khiến những nỗ lực này không mang đến tác dụng, ngay cả các nhà đầu tư giá trị theo chiến thuật mua dần cổ phiếu tốt trong các phiên giảm điểm cũng rất có thể rơi vào tình trạng "bắt dao rơi không trúng cán" vì khả năng phục hồi trở lại của thị trường vẫn chưa sáng tỏ khi còn những phiên giảm điểm mạnh như hôm nay.
Tháng 5 với truyền thống "Sell in May" vẫn chưa thay đổi tập tục của mình.
Chốt phiên, VN-Index giảm 31,42 điểm (-2,31%) xuống 1.329,26 điểm với 59 mã tăng, trong khi có tới 394 mã giảm (46 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 564 triệu đơn vị, tổng giá trị giao dịch đạt 17.001 tỷ đồng, tăng 6,21% về lượng và 10,68% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,4 triệu đơn vị, giá trị 2.208,9 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất GAS (HM:GAS) giữ được sắc xanh với mức tăng chỉ 0,4%, đóng cửa tại mốc 109.800 đồng/CP và KDH (HM:KDH) đứng giá tham chiếu, còn lại có tới 28 mã mất điểm.
Trong đó, đại diện nhóm chứng khoán là SSI không thoát khỏi sắc xanh mắt mèo do áp lực xả bán mạnh. Một số mã bluechip giảm sâu khác có STB (HM:STB) giảm 5,2%, GVR (HM:GVR) giảm 5%, HDB (HM:HDB) giảm 4,4%, FPT (HM:FPT) giảm 4,3%, VPB (HM:VPB) giảm 3,9%, PLX (HM:PLX) giảm 3,8%...
Xét về nhóm ngành, tiêu cực nhất của thị trường chính là nhóm chứng khoán. Ngoài SSI chất dư bán sàn, hàng loạt mã khác trong ngành cũng kết phiên nằm sàn như VND, HCM, VIX (HM:VIX), VCI (HM:VCI), CTS, APG, VDS (HM:VDS), AGR (HM:AGR), TVB; BSI cũng nằm sát sàn khi giảm 6,6%... Trong đó, cặp đôi lớn SSI và VND có thanh khoản khá tốt, đạt trên dưới 15 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, dù không có mã nào nằm sàn, nhưng dòng bank đã chi phối mạnh tới chỉ số chung của thị trường với BID (HM:BID), VPB, CTG (HM:CTG), MBB (HM:MBB) đều giảm hơn 3%, SHB (HM:SHB) và OCB cùng giảm hơn 6%, cổ phiếu đầu ngành VCB (HM:VCB) giảm 2%, STB giảm 5,2%, các mã TCB (HM:TCB), ACB (HM:ACB), VIB (HM:VIB), SSB đều giảm hơn 2%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đua nhau giảm sâu với hàng loạt mã như DIG (HM:DIG), DXG (HM:DXG), HDG (HM:HDG), KHG, HDC (HM:HDC), FCN (HM:FCN), FLC (HM:FLC), ROS (HM:ROS), LDG… nằm sàn, hay các mã VCG (HM:VCG), KBC (HM:KBC), BCM… giảm mạnh.
Nhóm cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài vòng xoáy của thị trường khi hầu hết đều diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu ngoại trừ điểm sáng HSG (HM:HSG). Dù không giữ được sắc tím nhưng HSG đã có được phiên giao dịch tích cực, đi ngược xu hướng chung của thị trường khi kết phiên tăng 5,5% lên mức 26.000 đồng/CP, cùng thanh khoản tăng vọt lên vị trí dẫn đầu, đạt hơn 18,7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm trở nên phân hóa. Trong khi BVH (HM:BVH), BMI (HM:BMI), BIC (HM:BIC), VNR (HN:VNR) giảm điểm, thì MIG (HM:MIG) vẫn duy trì đà tăng mạnh với biên độ 5,3% lên 30.950 đồng/CP, các mã PGI, ABI, AIC, PVI (HN:PVI) khởi sắc.
Trên sàn HNX, thị trường cũng rơi thẳng đứng sau 14h.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 15,29 điểm (-4,26%), xuống 343,46 điểm với 38 mã tăng (6 mã trần), 195 mã giảm (14 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,7 triệu đơn vị, tổng giá trị đạt xấp xỉ 1.437 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm gần 1,83 triệu đơn vị, giá trị 63,63 tỷ đồng.
Toàn bộ các cổ phiếu trong rổ HNX30 đều mất điểm khiến chỉ số HNX30-Index bốc hơi gần 40 điểm. Trong đó có L14, HUT (HN:HUT) và SHS (HN:SHS) kết phiên giảm sàn; các mã khác như PVC (HN:PVC), MBS (HN:MBS), CEO, IDC (HN:IDC), LHC (HN:LHC), PVS (HN:PVS), TNG (HN:TNG), THD đều giảm trên 5-9%.
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán trên HNX cũng diễn biến tiêu cực. Ngoài SHS giảm sàn, cổ phiếu PSI cũng kết phiên trong sắc xanh mắt mèo, còn MBS giảm 8,9%, ART giảm 7,6%, EVS giảm 6,4%, VIG giảm 6,1%...
Về thanh khoản, cổ phiếu PVS vẫn dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp đạt 9,53 triệu đơn vị và kết phiên giảm 6,6% xuống mức 24.200 đồng/CP. Tiếp theo đó là SHS khớp hơn 5 triệu đơn vị và HUT khớp 3,5 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng đà giảm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,94 điểm (-1,87%) xuống 101,88 điểm với 126 mã tăng và 288 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,27 triệu đơn vị, giá trị 657,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm hơn 3,8 triệu đơn vị, giá trị 79,27 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn nới rộng biên độ giảm hơn trong phiên chiều như BSR (HN:BSR) giảm 2,7%, VGT (HN:VGT) giảm 7,1%, VGI giảm 6,9%, MSR (HN:MSR) giảm 5%, VEA (HN:VEA) giảm 1,8%...
Cổ phiếu C4G cũng không thoát khỏi xu hướng giảm khá mạnh khi để mất 4,1% xuống vùng giá thấp nhất ngày 16.300 đồng/CP và khớp 2,46 triệu đơn vị.
Trái với diễn biến tiêu cực của thị trường chung, cặp đôi nhỏ PVX và AVF là điểm sáng thị trường khi kết phiên đều tăng trần. Trong đó, PVX thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 8,5 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần tới gần 8,5 triệu đơn vị; còn AVF khớp 1,76 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 5 là VN30F2205 giảm 40,5 điểm (-2,9%) xuống 1.362 điểm với 296.098 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 26.533 hợp đồng.
Thị trường chứng quyền cũng chìm trong biển đỏ. Trong đó, CPOW2201 dẫn đầu thanh khoản, đạt 179.340 đơn vị, kết phiên giảm 3,3% xuống 290 đồng/CQ. Tiếp theo là CFPT2203 khớp 147.730 đơn vị và kết phiên giảm 5,8% xuống 4.050 đồng/CP.