Các chuyên gia nhận định, vàng tăng giá chóng mặt có thể là dấu hiệu của một thời đại mới, khi các nước muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ. Sau khi tăng giá liên tiếp và vượt mốc 2.300 USD/ounce để lập đỉnh cao nhất mọi thời đại, tổng cộng vàng đã tăng giá 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực chính đẩy giá lên cao được cho là do sự kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất. Một lý do không kém phần quan trọng là động thái tăng dự trữ vàng từ phía các Ngân hàng Trung ương – dẫn đầu là Trung Quốc – để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.
Theo Reuters, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua vào vàng liên tiếp 17 tháng qua, tính đến tháng 3/2024, bổ sung thêm 160.000 ounce để tăng lượng dự trữ lên 72,74 triệu ounce vàng. Các Ngân hàng Trung ương khác, bao gồm Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp bước Trung Quốc tăng dự trữ kim loại quý.
Điều này phản ánh sự lo lắng của người dân và các nhà quản trị kinh tế đối với các biến động trên thế giới trong thời gian sắp tới. Bởi từ trước đến nay, các định chế tài chính lớn vẫn coi vàng là kênh lưu trữ giá trị lâu dài và là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và quốc tế.
Bên cạnh đó, vàng cũng là một loại tài sản đầu tư ổn định. Khi lãi suất giảm, giá vàng có xu hướng tăng, vàng thỏi, vàng miếng trở nên hấp dẫn và an toàn hơn các tài sản tài chính trả thu nhập định kỳ và bị ảnh hưởng bởi lãi suất như trái phiếu. Các nhà đầu tư còn coi vàng là tài sản phòng vệ đối với lạm phát, do tiền đầu tư đặt cược vào vàng miếng vẫn giữ được nếu giá tăng.
Ảnh minh họa |
Theo một báo cáo nghiên cứu ngày 9/4 của ngân hàng UBS, các Ngân hàng Trung ương có thể muốn “đa dạng hóa” danh mục đầu tư để thoát khỏi sự ảnh hưởng mạnh mẽ của USD, đồng thời dự trữ vàng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị.
Theo Ulf Lindahl, Giám đốc điều hành của Hiệp hội nghiên cứu tiền tệ (CRA), nhu cầu dự trữ vàng của các Ngân hàng Trung ương cho thấy sự phụ thuộc vào đồng USD đang giảm dần. Hay nói rộng hơn, nhiều nền kinh tế đang muốn thoát khỏi sức ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ.
Các quốc gia không thuộc liên minh với Mỹ có thể đang tăng tích lũy vàng để “tránh xa đồng USD” nhằm giảm khả năng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen có chuyến thăm Trung Quốc để thảo luận về sự ổn định tài chính trong quan hệ Mỹ-Trung, bao gồm cả điều mà bà Yellen gọi là "tình trạng sản xuất quá mức xe điện của Trung Quốc".
Bên cạnh đó, giá dầu cũng đang trên đà tăng, làm dấy lên lo ngại về lạm phát, thúc đẩy giá vàng và gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế Mỹ.
Cơn sốt bao trùm toàn thế giới
Giới đầu tư trên toàn thế giới đang hưng phấn trong cơn sốt giá vàng. Trên diễn đàn, mạng xã hội Reddit, nhiều người bắt đầu tham gia vào những chủ đề về đầu tư chỉ để khoe lượng vàng mình sở hữu.
Điều này được cho là bắt đầu khi chuỗi siêu thị Costco của Mỹ bắt đầu bán vàng miếng trực tuyến từ tháng 8 năm ngoái và đồng xu bạc vào tháng 1 năm nay. Theo ước tính của Wells Fargo, công ty này hiện tại có thể bán được tới 200 triệu USD vàng và bạc mỗi tháng. Giám đốc tài chính Richard Galanti nói với các nhà phân tích vào tháng 12 năm ngoái rằng công ty đã bán được hơn 100 triệu USD vàng miếng trong quý trước.
Ông lớn ngành bán lẻ Costco gia nhập đường đua vàng |
Tính ổn định của vàng tiếp tục sẽ tiếp tục thu hút nhu cầu của người dân trong bối cảnh xáo trộn địa chính trị khi sắp tới hơn 60 quốc gia sắp tới sẽ bước vào thời điểm bầu cử, bao gồm cả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.
Sự lạc quan quá mức của nhà đầu tư
Giá vàng tăng cũng báo hiệu các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Tuy nhiên không có gì chắc chắn về triển vọng “hạ cánh mềm”, tức Fed thành công trong việc kiềm chế được lạm phát mà không đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong bài phát biểu ngày 3/4, kiểm soát lạm phát hướng tới mục tiêu 2% vẫn đang trên một “con đường đôi khi gập gềnh”. Việc cắt giảm lãi suất để tái cân bằng nền kinh tế có thể sẽ bắt đầu vào một thời điểm nào đó vào cuối năm nay.
Theo dữ liệu từ CME Group, 51% các nhà đầu tư hiện mong đợi đợt cắt giảm 0,25% vào tháng 6. Tuy nhiên, dữ liệu tăng trưởng việc làm trong tháng 3/2024 đã vượt quá mong đợi, đặt ra câu hỏi về sự cần thiết phải cắt giảm lãi suất nhiều lần trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn trên đà tăng trưởng mạnh. Đặc biệt là sau báo cáo lạm phát "nóng" hơn dự báo được công bố tối qua (10/4), triển vọng hạ lãi suất vào tháng 6 lại trở nên xa vời hơn nữa.
>> Nhà đầu tư đổ xô mua vàng, một quỹ ETF bị 'rút phích' vì tăng quá nóng