Theo Hoang Nhan
Investing.com - Thị trường đang liên tục đảo chiều khi chạm kháng cự 1,400 điểm trong 3 phiên gần nhất. Mặc dù nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa khởi sắc nhờ dòng tiền phần nào được cải thiện, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang gặp áp lực bán lớn. Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục trở lại trạng thái bán ròng mạnh trong những phiên gần đây cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng tiếp diễn đà tăng của thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/10, VN Index giảm 0.06 điểm xuống 1,391.85 điểm. Toàn sàn có 252 mã tăng, 140 mã giảm và 68 mã đứng giá. HNX tăng 5.5 điểm (1.45%) lên 384.84 điểm. Toàn sàn có 145 mã tăng, 83 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCOM-Index tăng 0.5 điểm (0.51%) lên 99.28 điểm. Toàn sàn có 188 mã tăng, 122 mã giảm và 65 mã đứng giá.
Thanh khoản toàn thị trường tăng trở lại lên mức 26.9 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 937 triệu cổ phiếu. Sàn HoSE ghi nhận thanh khoản 22.1 nghìn tỷ đồng. Trong đó giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 1.4 nghìn tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong phiên, giá trị bán ròng đạt 643.14 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị bán ròng mạnh nhất trên có HPG (HM:HPG), VND (HM:VND), PAN (HM:PAN), SSI (HM:SSI), KBC (HM:KBC),... Ở chiều ngược lại, các mã được mua ròng nhiều nhất có DPM (HM:DPM), MBB (HM:MBB), STB (HM:STB), VRE (HM:VRE),...
VN-Index đang có dấu hiệu suy yếu tại vùng 1,400 điểm khi ghi nhận phiên thứ 3 đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, loạt cổ phiếu vốn hóa lớn không giữ được đà hồi phục khiến thị trường chung gặp áp lực. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu penny và midcap khởi sắc trở lại trong những phiên gần đây. Cũng phải nói rằng thị trường dường như đang có phản xạ bán mỗi khi VN-Index tiến tới 1,400 điểm và lực bán thường dâng lên vào cuối phiên chiều. Câu hỏi đặt ra hiện tại là liệu kết quả báo cáo tài chính quý 3 (dự kiến tích cực so với cùng kỳ) khi được công bố có đủ để giúp VN-Index trở lại đỉnh cũ.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang trở lại Bollinger Bands, hiện chỉ báo Stochastic vẫn đang ở vùng quá mua. Chỉ báo RSI cũng đang chững lại khi tiến đến vùng quá mua. Trong khi đó, các chỉ báo DMI và MACD vẫn cho tín hiệu tăng tích cực. Khối lượng giao dịch cần được cải thiện để giúp thị trường vượt qua được kháng cự quan trọng 1,400 điểm. Ngược lại, nếu trạng thái điều chỉnh xuất hiện, vùng 1,372-1,380 điểm (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 08/2021) sẽ là hỗ trợ quan trọng cho thị trường.
Trong 15 phút cuối ATC, các cổ phiếu trong rổ VN30 bất ngờ xuất hiện loạt lệnh bán sàn hàng loạt. Ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu vừa chuyển sàn là SHB (HN:SHB) có lúc đã ghi nhận sắc xanh lơ. VHM (HM:VHM) (-1.4%), VIC (HM:VIC) (-0.6%), SHB (-3.3%), BID (HM:BID) (-0.9%),... là các cổ phiếu lớn tác động tiêu cực nhất đến điểm số thị trường.
Diễn biến của nhóm Large Cap không ảnh hưởng nhiều đến nhóm Mid và Small Cap sàn HOSE, lẫn các nhóm cổ phiếu của 2 sàn chứng khoán còn lại. Chỉ số VN Small Cap tăng 1.04% trong khi chỉ số VNMidcap tăng 0.72%. Trong đó, các cổ phiếu small cap có biên độ tăng ấn tượng có thể kể đến như DLG (+7%), MCG (+7%), HAR (+6.9%),... và nhiều cái tên thuộc họ Louis
Nhóm phân bón-hóa chất tiếp tục khởi sắc trong phiên hôm nay. Nổi bật trong nhóm là các cổ phiếu DDV (+10.2%), HVT (+8.2%), SFG (+6.7%), DPM (+4.5%),...Việc giá phân bón tăng cao thúc đẩy triển vọng về lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón là nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng của nhóm cổ phiếu này. Mặc dù vậy, giá nguyên liệu đầu vào than (đa phần nhập khẩu) tăng cao cũng như nguy cơ quặng Apatit được sử dụng để sản xuất phân bón trong nước cạn kiệt cũng ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh doanh của nhiều công ty trong nhóm này.
Trên sàn HNX, các cổ phiếu NVB (HN:NVB) (+3.3%), IDC (+9.6%), IDJ (+8.1%),.. là các trụ đỡ mạnh của chỉ số. Chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM đều tăng tốt trong phiên hôm nay. Trong thời gian gần đây, các cổ phiếu trên 2 sàn này dường như là sự lựa chọn hấp dẫn hơn HoSE với biên độ tăng lớn và nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá vẫn chưa được phát hiện.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục được cải thiện lên mức 430 - 435 USD/tấn (với gạo 5% tấm) lên mức cao nhất trong vòng gần 3 tháng qua, bỏ xa hai đối thủ là gạo Thái Lan và Ấn Độ. Đơn hàng từ các nước nhập khẩu gạo cũng tăng trở lại, do nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á tăng nhập khẩu cho nhu cầu cuối năm. Công suất tại nhà máy xuất khẩu cũng dần được hồi phục khi nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL đã nới lỏng giãn cách.
Đến nay, các nhà máy tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đã đạt được 70% công suất trước dịch. Các bài toán về nhân công và hệ thống vận hành đã được giải quyết. Trước những thuận lợi trên, các doanh nghiệp ngành gạo đang cố gắng để đưa mục tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,2 tỷ USD có thể hoàn thành trong quý IV năm nay.