Vietstock - Chuyển động khối ngoại 2025: Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai
Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm 2024, nhưng sau đó liên tục giằng co trước áp lực tỷ giá và khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong 24 năm hoạt động. Nhìn về năm 2025, các chuyên gia cho rằng có nhiều khả năng về một kịch bản đảo chiều hành động của khối ngoại.
Bán ròng - từ khóa mỗi khi nhắc đến khối ngoại trong năm 2024
Trên HOSE, khối ngoại bán mạnh trong giai đoạn tháng 3 - 6, đỉnh điểm là tháng 5 và 6 liên tục giữ quy mô quanh 16 ngàn tỷ đồng. Lực bán sau đó có chiều hướng thu hẹp dần nhưng cũng sớm trở lại kể từ tháng 10, khiến niềm tin của giới đầu tư về kịch bản sớm đảo chiều tan thành mây khói.
Lũy kế cả năm 2024, quy mô bán ròng đã lên đến 92.4 ngàn tỷ đồng, mức kỷ lục trong 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên HNX, khối ngoại cũng có năm bán ròng với quy mô trên 1 ngàn tỷ đồng, chủ yếu do lực bán mạnh mẽ trong 3 tháng cuối, đặc biệt là tháng 10 lên đến 922 tỷ đồng, xóa nhòa nỗ lực mua ròng ở nửa đầu năm.
Nhìn vào dòng vốn quỹ ETF tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 13/12/2024, các quỹ đã rút ròng tổng cộng gần 954 triệu USD, nổi bật trong đó là DCVFMVN Diamond ETF hơn 350 triệu USD, Fubon FTSE Vietnam ETF gần 232 triệu USD, Ishares Frontier and Select EM ETF gần 138 triệu USD. Ngược lại, KIM Growth VN30 ETF và Premia Dow Jones EM ASEAN Titans 100 ETF là hai quỹ hiếm hoi mua ròng.
Không riêng Việt Nam, hiện tượng dòng vốn ngoại rút ròng còn diễn ra ở nhiều thị trường châu Á khác, như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka.
“Ông lớn” bất động sản bị thất sủng
Năm 2024, cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên HOSE thuộc về “ông lớn” ngành bất động sản VHM (HM:VHM), quy mô hơn 19.1 ngàn tỷ đồng, bỏ xa các mã xếp sau như VIB (HM:VIB), FUEVFVND, FPT (HM:FPT) hay MSN (HM:MSN).
Ở chiều mua ròng không xuất hiện quy mô ngàn tỷ nào, với SBT (HM:SBT) là cổ phiếu dẫn đầu nhưng cũng chỉ hơn 908 tỷ đồng.
Trên HNX, cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là SHS (HN:SHS) hơn 1.3 ngàn tỷ đồng, cách biệt lớn so với các cái tên xếp sau như bộ đôi PVS (HN:PVS) và PVI (HN:PVI), BVS (HN:BVS), LHC… Kịch bản tương tự diễn ra ở chiều mua ròng, với IDC (HN:IDC) dẫn đầu nhờ quy mô hơn 1 ngàn tỷ đồng, tạo khoảng cách với những MBS (HN:MBS), DHT… ở phía sau.
Kỳ vọng điểm đảo chiều trong năm 2025
Phân tích về việc khối ngoại bán ròng mạnh trong năm 2024, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra 3 nguyên nhân chính.
Đâu tiên và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, dòng vốn toàn cầu có xu hướng “chảy” về thị trường Mỹ để hưởng lợi từ làn sóng AI, ngành công nghệ cao.
Thứ hai, áp lực tỷ giá gia tăng không chỉ tại Việt Nam mà còn với các thị trường mới nổi khác do DXY tăng mạnh, góp phần kéo dòng vốn về thị trường Mỹ.
Thứ ba, việc trễ hẹn với câu chuyện nâng hạng thị trường.
Nhìn về năm 2025, chuyên gia KBSV cho rằng 3 yếu tố này đều có xu hướng hạ nhiệt.
Cụ thể, định giá thị trường Mỹ đang ở quanh mức đỉnh lịch sử, dù khó nói về việc còn tăng nữa hay không nhưng thực tế là đã không còn hấp dẫn. Khi định giá quá cao thì dòng tiền có thể hướng đến các thị trường mới nổi có tiềm năng tăng trưởng tốt trong khi định giá còn thấp, điển hình là Việt Nam.
Áp lực tỷ giá cũng sẽ không còn căng thẳng như năm 2024, nhờ chu kỳ hạ lãi suất của Fed, thâm hụt ngân sách của Mỹ nới rộng thậm chí có hiện tượng thâm hụt kép về ngân sách lẫn thương mại dẫn đến sự suy yếu của USD, hay bức tranh kinh tế Mỹ năm 2025 không còn quá vượt trội do các nền kinh tế khác đang vào pha tăng tốc. Các yếu tố này có thể hỗ trợ dòng vốn quay trở lại Việt Nam.
Về câu chuyện được FTSE Russell nâng hạng từ cận biên lên mới nổi thứ cấp, mặc dù có nhiều dự báo khác nhau về thời điểm sớm hoặc muộn, nhưng với những bước tiến gần đây thì có lẽ năm 2025 khả năng được nâng hạng là tương đối rõ ràng.
Với nhiều yếu tố tích cực, ông Trần Đức Anh dự báo, khối ngoại có khả năng cao sẽ mua ròng trở lại bắt đầu từ quý 2, hoặc ít nhất là giao dịch cân bằng.
Câu chuyện dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi hay tiềm năng nâng hạng thị trường cũng được ông Võ Kim Phụng - Trưởng Phòng phân tích Chứng khoán BETA nhắc đến là các động lực giúp xoay chuyển dòng vốn ngoại.
Ngoài ra, Chính phủ đang tích cực thực hiện các cải cách để giải quyết ba mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài là cơ sở hạ tầng, khung pháp lý và thủ tục hành chính. Một loạt các luật mới sẽ có hiệu lực từ năm 2025, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Điện lực và nhiều luật khác. Bên cạnh đó, công tác cải cách thể chế và tinh gọn bộ máy cũng đang được tiến hành.
Tuy nhiên, chuyên gia của Chứng khoán BETA lưu ý về rủi ro đồng USD mạnh hơn dự kiến và Fed chỉ giảm lãi suất 0.5% trong năm 2025 thay vì 1% như trong cuộc họp FOMC tháng 9 trước đó, có thể khiến triển vọng nâng hạng thị trường bị che mờ bởi rủi ro dòng vốn ngoại tiếp tục bị rút ròng trong ngắn hạn, bên cạnh rủi ro bị Mỹ áp thuế dưới thời Tổng thống Trump.
Trong kịch bản tích cực với việc được nâng hạng trong tháng 9, dòng vốn của quỹ chủ động có thể đón đầu việc nâng hạng và đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trước 3 - 6 tháng, tương ứng thời điểm khoảng quý 2 - 3.
Theo bà Wanning Du - Giám đốc chính sách chỉ số FTSE Russell, việc nâng hạng có thể giúp Việt Nam thu hút khoảng 1 tỷ USD dòng vốn bị động và 5 tỷ USD dòng vốn chủ động.
Huy Khải