Vietstock - Bảo hiểm Viễn Đông bị hủy tư cách công ty đại chúng
Ngày 06/06/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo hủy tư cách công ty đại chúng của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (OTC: VASS).
Trong thông báo, UBCKNN không nêu lý do CTCP Bảo hiểm Viễn Đông bị hủy tư cách công ty đại chúng. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của VASS, kiểm toán từng lưu ý Công ty không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành.
Theo đó, danh sách tổng hợp người sở hữu chứng khoán chốt ngày 18/05/2023 do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cấp, Công ty có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, số lượng cổ đông là 823, trong đó tỷ lệ sở hữu cổ đông lớn là 90.44%, cổ đông nhỏ là 9.56%.
Theo quy định tại Điều 32 Luật Chứng khoán năm 2019, để trở thành công ty đại chúng, doanh nghiệp phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
Đồng thời, công ty có đủ điều kiện trên phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Chứng khoán năm 2019 cho UBCKNN trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty hoàn thành việc góp vốn và có cơ cấu cổ đông đáp ứng quy định. |
Công ty bảo hiểm gắn với Shark Liên
CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) được Bộ Tài chính cấp giấy phép hoạt động chính thức vào ngày 07/11/2003 và là CTCP bảo hiểm tư nhân được cấp phép thành lập đầu tiên tại nước ta.
VASS cũng được biết đến là doanh nghiệp bảo hiểm gắn với doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, người thường được gọi là Shark Liên do từng ngồi ghế đầu tư tại chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ.
Theo báo cáo quản trị của VASS vào cuối năm 2023, Shark Liên sở hữu 6.3 triệu cp, tương đương 9% cổ phần; con gái bà Liên là Phạm Phương Chi (Thành viên HĐQT VASS) sở hữu 4 triệu cp, tương đương 5.7% cổ phần. Đồng thời, bà Đỗ Thị Minh Đức - Chủ tịch HĐQT (sở hữu 14,300 cp) là em gái Shark Liên.
Tài sản - Nợ phải trả của VASS qua các năm | ||
Từ năm 2012, tình hình tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm này bắt đầu rơi vào trạng thái căng thẳng. Đỉnh điểm là tháng 2/2012, Công ty mất khả năng thanh toán nợ đến hạn liên quan đến các khoản vay nợ ngân hàng, nợ khác. Cũng trong năm này, VASS là trường hợp đặc biệt được Bộ Tài chính cho phép điều chỉnh giảm vốn điều lệ xuống chỉ còn 40 tỷ đồng, đồng thời cho phép nhà đầu tư tư nhân góp vốn thêm 260 tỷ đồng, nhằm tái cấu trúc hoạt động của Công ty.
Lãi ròng của VASS qua các năm | ||
Bức tranh tài chính “tối màu” đeo bám VASS nhiều năm qua. Tại ngày 31/12/2023, Doanh nghiệp đang lỗ lũy kế hơn 356 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 346 tỷ đồng, gần bằng phân nửa so với vốn góp (700 tỷ đồng).
Trong BCTC kiểm toán năm 2023 của Bảo hiểm Viễn Đông, kiểm toán tiếp tục lưu ý về “tính hoạt động liên tục” của Công ty. Cụ thể, đến ngày 31/12/2023, Ban Tổng Giám đốc VASS hiểu rõ tình hình Công ty đang có các tiêu chí có thể dẫn đến nghi ngờ về tính hoạt động liên tục. Ban Tổng Giám đốc cam kết Công ty vẫn sẽ hoạt động liên tục trong tương lai dựa trên bảng kế hoạch của Ban Giám đốc về các hành động cải thiện khả năng hoạt động liên tục cùng với sự hỗ trợ vốn từ cổ đông và sự hợp tác cơ cấu và giãn nợ của các chủ nợ.
Kết thúc quý 1/2024, dù doanh thuần kinh doanh bảo hiểm tăng hơn 41%, đạt gần 63 tỷ đồng, nhưng Công ty vẫn lỗ ròng gần 800 triệu đồng do tổng các chi phí kinh doanh bảo hiểm (gần 44 tỷ đồng), chi phí tài chính (hơn 3 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (gần 16 tỷ đồng) vượt doanh thu.
Khang Di