Vietstock - TP.HCM có tỉ lệ giải ngân thấp do nhà thầu 'càng làm càng lỗ'
Theo sở, ngành TP.HCM, tỉ lệ giải ngân các dự án đầu tư công thấp do giá vật liệu, xăng dầu tăng cao khiến các nhà thầu có tâm lý cầm chừng vì "càng làm càng lỗ”.
Sáng 2-6, UBND TP.HCM đã họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, năm tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 6 năm 2022.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2022, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, cho biết kinh tế TP tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
TP.HCM thu ngân sách gần 210.000 tỉ đồng
Theo đó, nhìn chung các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 210.000 tỉ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 57.200 tỉ đồng, đạt 49,10% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 39.509 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ…
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức, những tác động đan xen nhiều mặt như thị trường chứng khoán suy giảm ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư; nguy cơ lạm phát có biểu hiện gia tăng do diễn biến tình hình thế giới…
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, nhìn nhận trong bối cảnh các chi phí đầu vào đều tăng, TP có kết quả tăng trưởng tương đối ổn.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại buổi họp. Ảnh: TTBC |
Ông dẫn chứng đến tháng 1-2022, tăng trưởng của TP vẫn còn âm, nhưng sau năm tháng các lĩnh vực đã tăng trưởng dương trở lại.
“Có ý kiến cho rằng đây là mức tăng chưa đạt kì vọng nhưng nhìn nhận trong bối cảnh rất khó khăn để khôi phục sản xuất thì đây là mức đáng trân trọng” – ông Vũ nói.
Giám đốc Sở Công Thương cũng phân tích: Tuy tốc độ bán lẻ hàng hoá tăng 8,1% nhưng sức mua của người dân và doanh nghiệp vẫn chưa bằng trước đây do vẫn còn khó khăn dưới tác động của dịch; chỉ số xuất khẩu qua TP.HCM đi các tỉnh, thành giảm, cần có đánh giá thêm về việc thu phí hạ tầng.
Giải ngân thấp do nhà thầu “càng làm càng lỗ”
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP được HĐND TP thông qua vào tháng 12- 2021 với tổng số vốn là gần 45.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 25-5, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP đã giải ngân chỉ mới hơn 4.300 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 13,5% tổng kế hoạch vốn giao.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhìn nhận tỉ lệ này rất thấp và không có chuyển biến gì.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho Bạc Nhà nước TP.HCM, cho biết qua theo dõi toàn TP thì khối lượng nghiệm thu thực tế trên các công trường chậm.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho Bạc Nhà nước TP.HCM, phát biểu. Ảnh: Trung tâm báo chí |
Trong đó nguyên nhân là do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự Ukraina, giá xăng dầu tăng mà cụ thể mà giá xăng trong nước tăng 11 lần (tăng hơn 30%); từ đó ảnh hưởng đến tất cả loại giá vật liệu đầu vào của ngành xây dựng.
Theo ông Hải, các nhà thầu trúng thầu theo hợp đồng có quan ngại nếu tiếp tục “càng làm thì càng lỗ” nên có tâm lý làm cầm chừng, chờ có chính sách giá điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và điều chỉnh giá hợp đồng vì hiện họ làm càng nhanh thì càng lỗ.
Bên cạnh đó, đặc thù của các công trình xây dựng cơ bản là đến những tháng đầu năm 2022 mới được giao kế hoạch vốn; do đó đến tháng 4, tháng 5-2022, các kế hoạch như mời thầu, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thẩu… mới được triển khai nên giá trị giải ngân thấp.
Ngoài ra, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, tỉ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ do chủ yếu là ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021, việc tái khởi động thi công các dự án các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian TP thực hiện ứng phó với tình hình dịch; chi phí đầu vào tăng cao.
Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng. Ảnh: Trung tâm báo chí |
Còn Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng nhìn nhận để kinh tế TP tăng trưởng bền vững cần thực hiện hiệu quả việc sử dụng tài sản trên cơ sở tăng cường thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Hoàng, những năm gần đây đóng góp trong GDP về vốn đầu tư công của TP đang giảm dần. Ông Hoàng đề nghị cần đặt ra việc giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế, TP phải chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân, có đề nghị tỉ lệ điều tiết ngân sách phù hợp tạo động lực cho TP.
Bất động sản và chứng khoán đang khủng hoảng Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, thông tin một trong những khó khăn của TP trong năm tháng đầu năm 2022 là thị trường bất động sản giảm mạnh trong khi đây là ngành có hệ số lan toả rất lớn, đối với xây dựng, đầu tư, sản xuất vật liệu. “Thực tế cho thấy nền kinh tế đang khủng hoảng về bất động sản và chứng khoán do những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây”- ông Hoàng nói và đề xuất TP có thể nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng trong cơ quan bất động sản vì kiểm soát này là cần thiết nhưng cần đúng đối tượng. |
LÊ THOA