Investing.com -- Việt Nam có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực tài sản số, nhưng thị trường vẫn đang thiếu các nền tảng thực sự hiểu và đáp ứng được nhu cầu đặc thù của người dùng.
Đây là quan điểm của bà Gracy Chen, Giám đốc điều hành tại Bitget và BitEXC chia sẻ tại hội nghị Tác động công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024 - VTIS2024) mới đây.
Theo bà Gracy Chen trích dẫn một nghiên cứu từ Chainalysis, thị trường tiền điện tử Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10% từ năm 2024 đến năm 2032. Doanh thu từ phân khúc tiền điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2024, tương ứng mức trung bình khoảng 64,4 USD/người.
Trong khi đó, thị trường blockchain của Việt Nam được định giá 350 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 17,4% cho đến năm 2029. Điều này cho thấy, mức độ chấp nhận và tích hợp công nghệ blockchain cao hơn.
Tính đến tháng 11/2024, có khoảng hơn 9.000 loại tiền điện tử đang hoạt động trên toàn thế giới. Việc dễ dàng tạo ra các tài sản kỹ thuật số mới đã dẫn đến sự gia tăng của tiền điện tử, mặc dù thực tế vẫn có những đồng tiền không có tiện ích đáng kể hoặc đã bị bỏ lại.
Bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược CTCP Chứng khoán SSI (HM:SSI) chỉ ra rằng, Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng, đặc biệt khi tỷ lệ tiếp cận internet của Việt Nam chiếm tới hơn 75% trong tổng số hơn 100 triệu người dân.
Số lượng người dùng điện thoại lớn và công nghệ phát triển đang nâng cao khả năng tiếp cận tài chính. Đặc biệt, với sự ra đời của thị trường tài sản kỹ thuật số, Giám đốc Chiến lược SSI dự báo, khả năng tiếp cận sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.
Đồng quan điểm, ông Don Lam, Chủ tịch VinaCapital nhận định, nền tảng blockchain là một thị trường rất lớn mà Việt Nam không nên bỏ qua. Trong 5 năm qua, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử đã đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 66%, từ 191 tỷ USD của năm 2019 lên 2.400 tỷ USD vào năm nay. Trong khi theo các bên thống kê, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trên toàn cầu và đứng đầu Đông Nam Á về áp dụng tiền điện tử.
"Do đó, để xây dựng Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển blockchain, Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng, đồng thời thiết lập cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái cho ngành này. Không chỉ vậy, chúng ta cần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực lành nghề trong lĩnh vực; thúc đẩy việc áp dụng blockchain trong nhiều lĩnh vực khác; khuyến khích nghiên cứu, đổi mới và hợp tác quốc tế", ông Don Lam nhấn mạnh.
Theo bà Gracy Chen, nếu có những dịch vụ hỗ trợ và các sản phẩm được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người dùng, các giải pháp hỗ trợ cộng đồng, thì tỷ lệ chấp nhận tài sản số tại thị trường Việt Nam, nơi nhu cầu đối với tài sản số đang gia tăng nhanh chóng, sẽ được thúc đẩy đáng kể.
“Chúng tôi coi bảo mật là ưu tiên hàng đầu, tận dụng cơ sở hạ tầng vững chắc để bảo vệ tài sản và dữ liệu của người dùng. BitEXC sẽ tích cực hỗ trợ phát triển cộng đồng những người có tài sản số, những người phát triển ứng dụng sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), các công ty khởi nghiệp trong mảng web3 tại Việt Nam này thông qua các hoạt động như AMA, hội thảo trực tuyến, hackathon và các nội dung giáo dục, nhằm tăng cường sự hiểu biết và kiến thức của người dùng. Điều này giúp nâng cao nhận thức về rủi ro, giúp mọi người tích lũy kiến thức mà không phải đánh đổi bằng tài sản”, CEO của Bitget và BitEXC nói thêm.
Dù tài sản số có nhiều yếu tố hấp dẫn, nhưng theo các chuyên gia, việc bảo vệ tài sản cho nhà đầu tư cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Bởi thực tế, thị trường tài sản số biến động rất mạnh do đó rất dễ khiến nhà đầu tư gặp phải rủi ro về giá cả.
Ngoài ra, rủi ro về lưu trữ tài sản cũng cần phải quan tâm và đặc biệt, người dùng cần phải chú ý về rủi ro liên quan đến “tin tặc” vì toàn bộ các hoạt động đều dựa trên hợp đồng thông minh (smartcontract) được triển khai trên các nền tảng blockchain nên đây thường là mục tiêu dễ bị nhắm đến.