Vietstock - Vì sao giá xăng tại Mỹ tăng kỷ lục?
Nhiều yếu tố cùng lúc đẩy giá xăng tại Mỹ lên mức kỷ lục, bao gồm xung đột Nga - Ukraine, nguồn cung bị thu hẹp và nhu cầu bùng nổ.
Theo CNN, hôm 1/6, giá xăng tại Mỹ đã đạt mức kỷ lục 4,67 USD/gallon. Trong đó, xung đột giữa Nga và Ukraine là một trong những lý do chính đẩy giá xăng tại Mỹ lên cao.
Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Tháng 12 năm ngoái, Nga đã xuất khẩu gần 8 triệu thùng dầu và các sản phẩm từ dầu khác. 5 triệu thùng trong số đó là dầu thô.
Rất ít trong số đó tới Mỹ. Năm 2021, 60% lượng dầu được đưa tới châu Âu và 20% xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng dầu được định giá trên thị trường toàn cầu. Do đó, việc thiếu hụt nguồn cung từ Nga ảnh hưởng đến giá dầu tại Mỹ.
Biến động của giá dầu WTI - được sản xuất tại các nhà máy lọc dầu ở Mỹ - trong vòng một năm qua. Ảnh: Trading Economics. |
Nguồn cung bị thu hẹp
Vào tháng 3, Mỹ đã công bố lệnh cấm với tất cả hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga. Hôm 30/5, Liên minh châu Âu (EU) cũng thống nhất cấm 90% dầu Nga vào cuối năm nay.
Ngoài ra, một yếu tố kìm hãm giá dầu là các đợt phong tỏa tại Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu hàng đầu. Tuy nhiên, sau khi số ca nhiễm trong cộng đồng giảm đi, nước này đã bắt đầu nới lỏng yêu cầu chống dịch tại những thành phố lớn. Nhu cầu được phục hồi có thể đẩy giá dầu lên cao.
Giá dầu đã lao dốc mạnh bởi các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội trên toàn thế giới trong thời kỳ đại dịch. OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh), bao gồm Nga, đồng ý cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá cả.
Ngay cả khi nhu cầu trở lại sớm hơn dự kiến, nhóm này vẫn giữ các mục tiêu sản xuất ở mức thấp.
Các công ty dầu của Mỹ không cần tuân thủ mục tiêu sản xuất. Nhưng họ không thể trở lại công suất trước đại dịch bởi lo ngại rằng những quy định về môi trường có thể làm nhu cầu lao dốc trong tương lai.
Ngay cả trước xung đột Nga - Ukraine, tôi đã cho rằng nhu cầu xăng có thể lập đỉnh mới. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là nó sẽ cao hơn ngưỡng kỷ lục bao nhiêu
Ông Tom Kloza, Trưởng bộ phận Phân tích Năng lượng Toàn cầu tại OPIS
Thêm vào đó, các công ty dầu của Mỹ cần thời gian để mở rộng quy mô sản xuất, nhất là khi họ đang phải đối mặt với những thách thức trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt lao động như hàng nghìn doanh nghiệp khác của Mỹ.
Ngay cả các công ty dầu cũng không muốn tăng năng suất. Họ tập trung vào việc tăng giá cổ phiếu hơn. Tháng trước, ExxonMobil công bố lợi nhuận quý I/2022 đạt 8,8 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với một năm trước đó, sau khi loại trừ một số mặt hàng đặc biệt.
Công ty cũng công bố kế hoạch mua lại cổ phần trị giá 30 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 21-24 tỷ USD mà ExxonMobil dự định sẽ chi cho những khoản đầu tư, bao gồm khai thác dầu.
Ngay cả công suất lọc dầu tại Mỹ cũng đang sụt giảm. Mỗi ngày, có khoảng 1 triệu thùng dầu thô được dùng để chế biến thành xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm từ dầu khác.
Tuy nhiên, các quy định về môi trường đang thúc đẩy nhiều nhà máy lọc dầu chuyển từ dầu sang nhiên liệu tái tạo giảm thiểu carbon.
Một số công ty đã đóng cửa các nhà máy lọc dầu cũ thay vì tái đầu tư để duy trì hoạt động, nhất là khi những nhà máy lọc dầu khổng lồ sẽ được mở ở châu Á, Trung Đông và châu Phi vào năm 2023.
Thêm vào đó, giá dầu diesel và nhiên liệu máy bay cao hơn nhiều so với giá xăng. Điều này khiến nhiều nhà máy lọc dầu chuyển sang sản xuất những sản phẩm này.
Nhu cầu phục hồi mạnh mẽ
Nhưng phía cung chỉ là một nửa của câu chuyện. Nhu cầu là chìa khóa còn lại.
Nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng việc làm kỷ lục trong năm 2021. Nhu cầu di chuyển tăng lên khi các nhân viên trở lại văn phòng sau 2 năm làm việc từ xa.
Nhu cầu đối với xăng dầu cũng tăng cao trong mùa du lịch. Các hãng hàng không của Mỹ đều ghi nhận lượng đặt vé cao, ngay cả khi giá vé máy bay đã tăng cao hơn mức trước đại dịch.
Làn sóng Omicron giảm bớt và việc dỡ bỏ nhiều biện pháp chống dịch đã khuyến khích người Mỹ ra khỏi nhà để mua sắm, giải trí và du lịch nhiều hơn. Theo công ty nghiên cứu Inrix, các chuyến đi bằng xe chở khách tại Mỹ đã tăng 10% kể từ đầu năm nay.
Nhu cầu xăng tại Mỹ tăng mạnh khi người Mỹ ra khỏi nhà để du lịch, mua sắm và trở lại văn phòng. Ảnh: Reuters. |
Nhu cầu di chuyển vẫn thấp hơn trước đại dịch. Nhiều người đã quen với việc làm việc tại nhà. Tổng số công việc chưa trở lại mức hồi năm 2019.
Nhưng theo ông Tom Kloza - Trưởng bộ phận Phân tích Năng lượng Toàn cầu tại OPIS, nhu cầu xăng sẽ có thời điểm cao bằng mức trước đại dịch vào mùa hè này.
"Ngay cả trước xung đột Nga - Ukraine, tôi đã cho rằng nhu cầu xăng có thể lập đỉnh mới. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là nó sẽ cao hơn ngưỡng kỷ lục bao nhiêu", vị chuyên gia nhận định.
Thảo Phương