Vietstock - Bộ Công Thương dự tính giá xăng có thể về 24.000 đồng/lít
Bộ Công Thương dự báo giá thành phẩm thế giới vẫn cao nên giá xăng 2 tháng tới có thể quanh 31.000 đồng/lít và sang quý IV có thể giảm về 24.000 đồng/lít.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Vụ thị trường trong nước cho biết trong báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, cơ quan này dự báo trong quý III, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới vẫn biến động bất thường, dao động 145-155 USD/thùng, tức tăng 73-100% so với cùng kỳ 2021.
Nếu liên Bộ Công Thương - Tài Chính không trích lập vào quỹ bình ổn, cùng với việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn từ 11/7, giá xăng trong nước sẽ dưới 31.700 đồng/lít, còn dầu dưới 27.100 đồng/lít.
Giá xăng dầu sẽ tăng 35-39% so với năm 2021
Sang quý IV, cơ quan này dự báo giá xăng dầu thế giới có thể về 110-115 USD/thùng. Theo đó, giá bán lẻ trong nước cũng sẽ giảm về mức 24.000 đồng/lít với xăng và 19.000-20.000 đồng/lít với dầu.
Với ngưỡng giá dự báo này, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới năm nay ở mức 130-140 USD/thùng, tương đương tăng 66-90% so với 2021.
Nhưng nhờ sử dụng các công cụ điều hành từ giảm thuế môi trường, quỹ bình ổn... bình quân giá bán lẻ xăng trong nước so với 2021 sẽ chỉ tăng khoảng 35-39%, dầu khoảng 51%.
Từ 15h ngày 21/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 2.710 đồng/lít còn 25.070 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.600 đồng/lít còn 26.070 đồng/lít. Đây là lần giảm mạnh nhất của giá xăng từ đầu năm. So với đầu tháng, xăng RON 95 đã giảm hơn 6.798 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 6.223 đồng/lít; dầu diesel giảm 5.560 đồng/lít...
Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 25.000-26.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.
Tuy nhiên, so với đầu năm, xăng RON 95 vẫn đắt hơn 2.200 đồng/lít; E5 RON 92 cao hơn 1.900 đồng/lít; dầu diesel chênh lệch gần 6.600 đồng/lít...
Sẽ đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
Trong báo cáo 6 tháng đầu năm, cơ quan này cho biết nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm khoảng 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất (trong tháng một và 2 đã giảm xuống mức 85%, 60% và 55%), có thời điểm ngừng sản xuất nên không cung ứng đủ sản lượng cho thị trường như đã cam kết.
Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
"Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã giao tăng nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II cho 10 doanh nghiệp đầu mối và Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng phải tăng công suất", cơ quan này cho biết.
Trong 6 tháng cuối năm, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn khoảng 8,3 triệu m3. Ảnh: Đức Anh. |
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng này nhằm hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp...
Song song với đó, cơ quan điều hành cũng sẽ có kịch bản cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng.
"Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có các phương án, giải pháp thống nhất công tác điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với các khó khăn như sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá, các gói hỗ trợ về giảm thuế, phí, lãi suất, các gói an sinh xã hội...", bộ này cho biết.
Một số chuyên gia cho rằng cần kiến nghị Quốc hội có giải pháp đặc biệt, khẩn cấp như trao quyền cho Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội hay triệu tập kỳ họp bất thường để quyết định ngay giảm thêm một số loại thuế xăng dầu thuộc thẩm quyền Quốc hội chứ không thể chờ đến tháng 10-11.
Thanh Thương