Vietstock - 3 lý do giúp giá dầu duy trì ở mức cao
Giá dầu đã tăng trở lại về vùng giá khi xung đột Nga - Ukraine mới bắt đầu và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuần trước, giá dầu Brent có lúc vượt 124 USD một thùng - cao nhất kể từ giữa tháng 3 - sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ cấm vận 90% dầu Nga vào cuối năm 2022.
Giá dầu Brent sau đó giảm về quanh 120 USD, chủ yếu nhờ kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đẩy mạnh quá trình tăng sản lượng. Tuy nhiên, tuyên bố chính thức sau đó của OPEC cho thấy mức tăng không đủ hạ nhiệt giá xăng và kìm hãm lạm phát toàn cầu. Lệnh cấm vận của EU và sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc cũng sẽ giữ giá dầu ở mức cao.
Matt Smith, Chuyên viên phân tích dầu khu vực châu Mỹ tại Kpler, cho rằng giá dầu sẽ neo ở mức 3 chữ số thêm một thời gian nữa. "Nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh sau khi nới phong tỏa và sản xuất dầu tại Nga tiếp tục giảm, thì có khả năng giá dầu lên lại mốc 139 USD như đầu năm nay", ông nói.
EU ngoảnh mặt với dầu Nga
Ngay cả khi lạm phát tăng vọt và kinh tế trì trệ làm dấy lên rủi ro suy thoái, nhu cầu dầu thế giới cũng không giảm đủ mạnh để hạ giá như năm 2008.
"Vì đây là vấn đề về nguồn cung và thậm chí dù có suy thoái, giá dầu cũng không giảm mạnh", ông Smith nói.
Tuần trước, EU chính thức thông qua lệnh cấm vận dầu Nga. Đây là một phần của gói trừng phạt thứ 6 áp lên Moscow vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các nước EU sẽ có 6 tháng để giảm dần nhập dầu Nga và 8 tháng với các sản phẩm khác từ dầu.
Tại thời điểm này, EU có thể vẫn mua dầu Nga, nhưng vẫn đang trong quá trình tìm lựa chọn khác thay thế. Theo dữ liệu của Kpler, lượng dầu nhập khẩu của EU từ Angola đã tăng gấp 3 từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Trong khi đó, nhập khẩu dầu từ Brazil và Iraq tăng lần lượt 50% và 40%.
Việc tìm dầu từ các địa điểm xa xôi hơn sẽ khiến giá neo ở mức cao, Roslan Khasawneh, Chuyên viên phân tích nhiên liệu tại Vortexa, cho biết. "Chi phí vận chuyển sẽ tăng vì đi đường dài và qua đó khiến giá dầu khó giảm", ông giải thích.
Các Chính phủ có thể đưa ra nhiều chính sách để hạ giá, trong đó có trợ giá nhiên liệu và áp trần giá xăng. Tuy nhiên, điều cần thiết để hạ giá dầu là nguồn cung tăng đáng kể, nhưng trường hợp này lại rất khó xảy ra.
Không đủ lựa chọn thay thế
Năm 2021, Nga đóng góp 14% nguồn cung toàn cầu, theo ước tính Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA). Vì thế, các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga đã tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường. Trong tháng 4, sản xuất của Nga giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày và con số này có thể lên đến 3 triệu trong nửa cuối năm 2022, theo IEA.
OPEC và đồng minh đã nhất trí tăng sản lượng 648,000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8, cao hơn 200,000 thùng so với kế hoạch cũ của họ. Nga vẫn là thành viên OPEC+.
IEA dự báo sản xuất toàn cầu, nếu không tính Nga, phải tăng thêm hơn 3 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay để cân bằng tác động của lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, ông Smith cho rằng việc này rất khó đạt được. Thậm chí từ trước khi xung đột xảy ra, các nước sản xuất dầu đã giảm đầu tư vào lĩnh vực này để chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của OPEC cũng có giới hạn.
"OPEC+ từ lâu đã không đạt mục tiêu sản lượng rồi. Thậm chí các thành viên chủ chốt như Ả-rập Xê-út, các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Kuwait tháng trước cũng xuất khẩu ít hơn nhiều so với tháng 4", Smith cho biết.
Trong ngày 02/06, Giovanni Staunovo, Chiến lược gia tại UBS, cho biết: "Nhiều nước OPEC+ đã chạm giới hạn sản xuất. Điều này đồng nghĩa mức tăng thực tế có thể chỉ bằng nửa mục tiêu thôi".
Nhu cầu mạnh trên toàn cầu
Trong nhiều tháng qua, các lệnh phong tỏa tại Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố lớn khác tại Trung Quốc đã kìm hãm nhu cầu của quốc gia nhập dầu lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, khi Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát, nhu cầu tăng trở lại có thể kéo giá dầu lên cao.
Trung Quốc cũng đang tăng tốc nhập dầu Nga, khi dầu Urals đang được bán rẻ hơn 34 USD so với dầu Brent. Vortexa ước tính Trung Quốc nhập 1.1 triệu thùng dầu/ngày từ Nga hồi tháng 5, tăng 37% so với mức trung bình năm ngoái.
Ông Smith cho biết ông không kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc sẽ "tăng vọt", do các lệnh hạn chế chỉ được dỡ bỏ dần dần. "Tuy nhiên, vì rào cản lớn nhất đã được dỡ bỏ, giá sẽ có nhiều lý do hơn để neo quanh mốc hiện tại", ông nói.
Nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ vẫn còn cao dù rằng giá đang ở mức kỷ lục. Tuần trước, lượng xăng bán ra tại các trạm xăng của Mỹ chỉ giảm khoảng 5% so với tuần trước đó. Giá xăng tại đây đã tăng hơn 50% trong một năm qua, lên 4.6 USD/gallon cuối tháng trước.
Vũ Hạo (Theo CNN)