Trong phiên giao dịch hôm 1/11, cổ phiếu Amazon (NASDAQ:AMZN) giảm 5,5%, còn 96,79 USD/cổ, đẩy giá trị thị trường của gã khổng lồ này xuống còn 987,4 tỷ USD. Đây là giá trị thấp nhất của Amazon kể từ tháng 4/2020, thời điểm dịch Covvid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, cổ phiếu của Amazon đã giảm 42% giá trị, và đang trên đà cho năm tồi tệ nhất kể từ cú giảm 45% năm 2008. Lần duy nhất tồi tệ hơn nữa của Amazon là sự sụp đổ của dot-com năm 2000, khi công ty mất 80% giá trị.
Báo cáo doanh thu quý III là một trong những lý do khiến cổ phiếu Amazon hứng chịu đợt bán tháo tồi tệ và thổi bay hàng tỷ USD vốn hoá.
Tuần trước, doanh nghiệp này dự báo công ty sẽ có quý nghỉ lễ tăng trưởng chậm nhất lịch sử. Cụ thể, mức tăng trưởng được dự báo chỉ từ 2% tới 8% trong mùa mà trước đây vốn là cao điểm của Amazon.
Giá trị thị trường của Amazon giảm xuống dưới mốc 1.000 tỷ USD. Giống như phần các ông lớn công nghệ khác, Amazon đã gặp khó khăn trong năm nay do nền kinh tế đi xuống, lạm phát và lãi suất tăng mạnh. Lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại, các nhà đầu tư đồng loạt bán tháo cổ phiếu công nghệ.
Trên hết, Amazon đã buộc phải thu hẹp quy mô sau khi mở rộng đáng kể trong thời kỳ đại dịch, giờ đây người tiêu dùng đã có xu hướng quay trở lại các cửa hàng thay vì mua sắm qua mạng.
Bên cạnh đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng phải cạnh tranh với các công ty công nghệ Trung Quốc như Pinduoduo và chủ sở hữu TikTok ByteDance, khi các doanh nghiệp này tung ra trang web thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm mục đích phá vỡ việc bán các sản phẩm Trung Quốc cho người mua nước ngoài.
Mặc dù vậy, Amazon không phải là doanh nghiệp mất nhiều nhất trong nhóm Big Tech năm nay. Cổ phiếu một gã khổng lồ công nghệ khác là Meta, công ty mẹ Facebook (NASDAQ:META), đã giảm 72% giá trị. Tuần trước, Meta vẫn cảnh báo các nhà đầu tư rằng doanh thu trong quý IV có thể sẽ vẫn giảm sâu.
Amazon bị nhiều nước châu Âu điều tra - Đối mặt với yêu câu bồi thường 1 tỷ USD tại Anh