Vietstock - Vì sao Trung Quốc khó cứu nổi suy thoái toàn cầu
Trong khủng hoảng 2008-2009, Trung Quốc là nền kinh tế góp phần đáng kể vực dậy kinh tế toàn cầu, nhưng điều tương tự khó diễn ra lúc này.
Đưa nền kinh tế toàn cầu phục hồi trong năm nay là chuyện không dễ dàng. Thậm chí, việc này sẽ còn khó khăn hơn nếu không có thêm sự trợ giúp từ Trung Quốc, đầu máy hỗ trợ phục hồi tình trạng khẩn cấp kinh tế của thế giới.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Trung Quốc tăng nhu cầu về nguyên liệu thô và các hàng hóa khác, giúp thúc đẩy tăng trưởng trên toàn thế giới, củng cố sự phục hồi ở những nơi như Brazil và Đức. Một số quốc gia như Australia tránh được suy thoái gần như hoàn toàn nhờ thương mại với nước này.
Một cảng hàng hóa tại Trung Quốc. Ảnh: Zuma Press
|
Nhưng giờ đây, Trung Quốc không thể hỗ trợ nhiều như vậy. Mặc dù có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ gần đây, nền kinh tế này vẫn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với giai đoạn 2008-2009, làm hạn chế khả năng kéo các quốc gia khác ra khỏi suy thoái vì đại dịch.
Trung Quốc cũng đang hạn chế kích thích chi tiêu hơn so với những đợt suy thoái trong quá khứ. Họ cũng tự túc hơn trong một số ngành, có nghĩa là có thể cần mua ít từ nước ngoài hơn.
Thomas Nuernberger, CEO (HN:CEO) tại Trung Quốc của ebm-papst Group, một nhà sản xuất quạt và động cơ có trụ sở tại miền nam nước Đức, cho biết nhu cầu từ các bệnh viện và trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc đã phục hồi. Tuy nhiên doanh số ôtô giảm mạnh. Hàng hóa của các nhà sản xuất tại Trung Quốc cũng khó bán đi nước ngoài hơn. Vị này cho rằng cần có kỳ vọng thận trọng về mô hình phục hồi chữ V đối với tiêu dùng và kinh doanh tại đây.
Thilo Brodtmann, CEO Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí Đức cho rằng những gì Trung Quốc làm được giai đoạn 2008-2009 là không thể trong năm 2020 này. "Một số công ty ở Trung Quốc đang gặp khó khăn", ông nói.
Trung Quốc mạnh nhưng có hạn
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất dự báo sẽ tăng trưởng vào năm 2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng GDP Trung Quốc sẽ tăng 1% vào năm 2020, bất chấp họ có quý đầu năm giảm đến 6,8%. Trong khi đó, Đức và Nhật Bản dự kiến tăng trưởng âm hơn 5% trong năm nay.
Tăng trưởng GDP một số nền kinh tế thập niên qua. Đồ họa: WSJ
|
Bất kỳ sự tăng trưởng nào của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Việc mua đậu tương của Trung Quốc đang giúp nông dân Mỹ, ngay cả khi họ không mua đủ số lượng như đã hứa. Tại Ireland, xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc đã tăng 80% trong bốn tháng đầu năm so với cùng kỳ 2019, khi Trung Quốc đối phó với dịch tả heo châu Phi.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng nhu cầu của Trung Quốc giờ không nhiều như suy thoái lần trước. Tại Hàn Quốc, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn YoungjinIND tiếp tục duy trì sản xuất nhờ đơn đặt hàng từ Trung Quốc. Trước đó, đơn hàng của họ từ Trung Quốc đã giảm xuống 0 trong tháng 2 và 3/2020. Nhưng lượng đơn đặt hàng vẫn chỉ bằng một phần ba năm ngoái, theo ông Park Jong-jin, Trưởng bộ phận lập kế hoạch YoungjinIND.
Nhìn chung, những lo ngại về nợ gia tăng đã khiến Bắc Kinh thận trọng hơn về kỹ thuật tăng trưởng thông qua kích thích trong năm nay. Các biện pháp tài chính của họ ước tính chỉ chiếm 4,6% GDP, theo IMF. Christine Wong, giáo sư nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết có thể thêm tới 7% GDP khi tất cả ngân sách của chính phủ được tính đến.
Mặt khác, một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề đến nỗi ngay cả nhu cầu vững chắc của Trung Quốc khó lòng giúp họ thoát khỏi rắc rối. Năm 2008, Bắc Kinh tung ra gói kích thích trị giá 586 tỷ USD, bằng khoảng 13% sản lượng kinh tế tại thời điểm đó. Gói này kích hoạt sự bùng nổ trong cho vay. Nhờ vậy, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 9,7% trong năm 2008 và 9,4% trong năm 2009.
Phần lớn chi tiêu này đã đi vào cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay và nhà ở, thúc đẩy nhu cầu của Trung Quốc đối với các vật liệu nhập khẩu như quặng sắt. Australia, người thụ hưởng chính, đã tăng trưởng 3,7% trong năm 2008 và 1,9% trong năm 2009.
Năm nay, các hợp đồng cung cấp quặng sắt hàng năm với khách hàng Trung Quốc vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2019, theo một giám đốc điều hành trong ngành khai khoán. Nguyên nhân do một số hợp đồng được chuyển từ nhà cung cấp Brazil sang cho Australia.
Tuy nhiên, đây lại không phải là mảng mà Australia đang khẩn cấp cần phục hồi. Bởi lẽ, nước này đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong chi tiêu của người tiêu dùng, đe dọa đánh dấu năm đầu tiên suy thoái trong gần 3 thập kỷ, với GDP được dự báo có thể giảm đến 4% năm nay.
Sự không chắc chắn đối với các đợt bùng phát Covid-19 mới tại Trung Quốc cũng có thể làm ảnh hưởng đến triển vọng.
Người dân mua thực phẩm tại một ngôi chợ ở Bắc Kinh sau khi thành phố có ổ dịch mới tháng trước. Ảnh: Reuters
|
Matt Rutter, Giám đốc một công ty xuất khẩu 90% sản lượng tôm hùm đánh bắt ở Tây Australia sang Trung Quốc, nói rằng lượng xuất khẩu đã hồi phục về mức trung bình vào tháng 4-5/2020 sau khi ngừng đánh bắt một tháng vì dịch. Nhưng nhu cầu lại giảm vào tháng 6, khi một ổ dịch mới xuất hiện tại Bắc Kinh. "Có thể mất 6 đến hơn 12 tháng để thị trường này phục hồi", ông nói.
Câu chuyện cũng tương tự ở Thái Lan, nơi có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Nhu cầu của Trung Quốc đã giúp ổn định giá cao su, một mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan. Raweeploy Yutthacharoenkit, Giám đốc của Twoong Rubber Fund Cooperative, cho biết một số công ty Trung Quốc đang tăng tiêu thụ nhưng họ rất khó đáp ứng vì nông dân cao su Thái Lan đã cắt giảm sản lượng vì Covid-19. Cuối cùng, nền kinh tế Thái Lan vẫn dự kiến giảm 8% trong năm nay, một phần vì vắng khách du lịch Trung Quốc.
Trung Quốc tự túc hơn
Trung Quốc giờ tự túc tốt hơn nhu cầu so với trước đây. Trong lĩnh vực xây dựng, doanh số máy đào hồi tháng 5/2020 đã tăng 68% so với năm trước, theo Hiệp hội máy móc xây dựng Trung Quốc.
Nhưng bước nhảy vọt này được thúc đẩy bởi doanh số của các nhà sản xuất trong nước tăng 76%, trong đó bao gồm Công ty Công nghiệp nặng Sany. Mua từ các nguồn nước ngoài, bao gồm Caterpillar và Komatsu của Nhật, chỉ tăng 3%, theo Goldman Sachs.
Somchai Techapanichkul, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp nhựa Thái Lan, cho biết các thành viên của ông đã nhìn thấy xu hướng tương tự. "Trung Quốc đã phát triển nhựa của riêng họ, và giá rẻ hơn", ông nói, "Họ có thể không muốn sản phẩm của chúng tôi nữa".
Ngoài ra, theo Joerg Kraemer, chuyên gia kinh tế trưởng của Commerzbank tại Frankfurt, sự thay đổi dài hạn của Trung Quốc về định hướng kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào dịch vụ thay vì sản xuất đã làm giảm thêm nhu cầu máy móc, thiết bị chuyên dụng, một thời từng biến nước này thành công xưởng thế giới.
Những lý do toàn cầu hơn
Sự suy thoái trong môi trường thương mại rộng giữa các nước phương Tây như Đức với Trung Quốc còn có nhiều vấn đề phức tạp hơn, theo Lars Feld, Chủ tịch Hội đồng các chuyên gia kinh tế, cố vấn cho chính phủ Đức. Ông Feld chỉ ra sự gia tăng các rào cản đối với đầu tư của Trung Quốc vào Đức, bởi nước này phản ứng với chủ nghĩa bảo hộ của Bắc Kinh.
"Trung Quốc không phải là một cỗ máy tăng trưởng", ông Wolfram Eberhardt, người phát ngôn của Claas KGaA mbH, một nhà sản xuất máy móc nông nghiệp lớn ở tây bắc Đức cho biết. Các quan chức ngành công nghiệp phàn nàn lĩnh vực máy móc nông nghiệp toàn cầu đang gặp khó bởi nhu cầu yếu của Trung Quốc và cạnh tranh không lành mạnh.
Mark Zandi, Nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết hiện Mỹ có thể ở vị trí tốt hơn để dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái. Washington tung ra chính sách tài khóa cho Covid-19 lên tới 13% GDP trong năm nay.
Ngặt nỗi, Mỹ và một số nền kinh tế phát triển khác đã gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19, đe dọa khả năng của họ trong việc hỗ trợ phục hồi toàn cầu. Điều đó khiến nhiều công ty trông cậy vào Trung Quốc.
"Trung Quốc vẫn sẽ là động lực tăng trưởng của thế giới", bà Wong tại Đại học Quốc gia Singapore nói. Nhưng "nếu Trung Quốc tăng trưởng 1%, thì hầu như kinh tế thế giới không thể nhích thêm được. Do vậy, họ sẽ không kéo nổi bất kỳ ai đi nhanh được".
Phiên An