Vietstock - Phía sau động thái phá giá đồng nhân dân tệ
Chỉ trong vòng 6 tháng qua, cụ thể từ mức đáy tại 6.691 của cặp tỷ giá USD/CNY vào giữa tháng 1 năm 2023, đồng nhân dân tệ đã ghi nhận tốc độ mất giá lên đến 6.5%, trở thành một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay.
Phá giá
Chỉ trong 3 ngày 16, 17 và 18/5, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ đến 1.2%, đưa cặp tỷ giá USD/CNY chính thức vượt qua “lằn ranh” 1 USD ăn 7 nhân dân tệ. Tính riêng trong tháng 5 vừa qua, đồng nhân dân tệ đã mất giá gần 2.9% so với USD. Còn tính từ đầu tháng 6 đến cuối tuần qua (ngày 09/6/2023), cặp tỷ giá USD/CNY tiếp tục tăng thêm 0.2% lên 7.1256, đẩy đồng nhân dân tệ rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng qua.
Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ đang được nhắc đến như là một thách thức tiềm tàng đối với hệ thống thanh toán toàn cầu do đồng USD thống trị, nhiều nước đang gia tăng đồng nhân dân tệ như một tài sản dự trữ mới nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào USD, việc giảm giá mạnh của đồng nhân dân tệ trong hơn 1 tháng qua đã thu hút sự chú ý.
Những năm qua, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận tiền tệ song phương với nhiều quốc gia khác. Đặc biệt trong một năm trở lại đây, do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD, nước Nga đã tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ thường xuyên hơn trong các giao dịch quốc tế của mình, càng nâng thêm vị thế đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhiều nước khác cũng đã noi gương Nga, khi lo ngại rằng Washington đang vũ khí hóa hệ thống tài chính toàn cầu bằng đồng USD.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 tháng qua, cụ thể từ mức đáy tại 6.691 của cặp tỷ giá USD/CNY vào giữa tháng 1 đầu năm nay, đồng nhân dân tệ đã ghi nhận tốc độ mất giá lên đến 6.5%, trở thành một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, tốc độ mất giá chủ yếu diễn ra vào giai đoạn tháng 2 và tháng 5.
Xu hướng này diễn ra bất chấp đà tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế đã chậm lại trước những lo ngại về rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ, những hỗn loạn của ngành ngân hàng nước này và khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang bước vào giai đoạn của lộ trình tăng lãi suất. Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số USD Index vẫn đang ghi nhận mức giảm nhẹ 0.1%
Nguyên nhân và dự báo
Trước tình hình này, giới phân tích dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ còn giảm hơn nữa trong bối cảnh giới đầu tư đang lo ngại về sự phục hồi kém khả quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Tuy nhiên, nhìn vào mức tăng trưởng GDP quý 1 vừa qua của Trung Quốc đạt 4.5%, vượt dự báo của giới chuyên gia là 4%, và cũng cao hơn nhiều mức tăng 2.2% của quý 4/2022, cho thấy kinh tế Trung Quốc vẫn đang thể hiện sự tích cực so với những lo ngại về rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới.
Quan điểm thứ 2 cho rằng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc mở rộng đã phần nào ảnh hưởng lên sự mất giá của đồng nhân dân tệ. Trong khi Fed sau 10 lần tăng lãi suất cơ bản USD trong hơn 1 năm qua và khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế. Mới đây chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng lớn nhất của quốc gia hạ lãi suất tiền gửi lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm.
Theo đó, khoảng cách lãi suất ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Mỹ đã thúc đẩy các giao dịch chênh lệch lãi suất (arbitrage), trong đó các nhà đầu tư vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp để tài trợ cho việc mua một loại tiền tệ có lãi suất cao khác nhằm kiếm lợi nhuận. Ngoài ra, các khoản thanh toán cổ tức sắp tới của công ty và dòng vốn tiếp tục chảy ra ngoài thông qua việc khối ngoại bán cổ phiếu và trái phiếu đã kết hợp lại để gây áp lực lên đồng nhân dân tệ.
Quan điểm thứ 3 cho rằng chính Trung Quốc cũng đang chủ động phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu vốn đang chịu áp lực, do tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn yếu và hoạt động thương mại toàn cầu đang suy giảm trong năm nay. Xuất khẩu là một trong những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế Trung Quốc những năm qua, nhưng lượng đơn đặt hàng mới đã giảm xuống trong những tháng gần đây do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Chính sách này càng trở nên cấp thiết khi nước này vẫn lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế có thể suy yếu trở lại. Giới chuyên gia dự đoán, GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7.3% trong quý 2/2023, trước khi chậm lại 4.9% và 5.8% trong hai quý cuối cùng của năm 2023. Tính chung cả năm 2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 5.3%, cao hơn mục tiêu Chính phủ nước này đặt ra ở 5%.
Bắc Kinh gần đây đã triển khai một loạt các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế sau các đợt phong tỏa kéo dài do Zero COVID vào cuối năm ngoái, do đó càng cần một đồng tiền cạnh tranh hơn để giải phóng lượng hàng sản xuất đang và sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng ngay cả Bắc Kinh cũng không muốn đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Mất giá đến đâu?
Hiện Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho đến nay vẫn tỏ ra bình tĩnh sau khi đồng nhân dân tệ vượt qua mức 7 USD quan trọng về mặt tâm lý vào tháng 5, nhưng nhiều ý kiến tin rằng PBOC sẽ đưa ra các biện pháp chính sách nếu tốc độ và quy mô của các khoản lỗ khiến họ khó chịu. PBOC tháng trước cũng cho biết sẽ kiên quyết kiềm chế những biến động lớn của tỷ giá hối đoái và nghiên cứu tăng cường tự điều tiết tiền gửi bằng USD.
Quan điểm thứ 3 cho rằng chính Trung Quốc cũng đang chủ động phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu vốn đang chịu áp lực, do tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn yếu và hoạt động thương mại toàn cầu đang suy giảm trong năm nay. Xuất khẩu là một trong những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế Trung Quốc những năm qua, nhưng lượng đơn đặt hàng mới đã giảm xuống trong những tháng gần đây do nhu cầu toàn cầu suy yếu. |
Thực tế, giới chuyên gia cũng cho rằng đồng nhân dân tệ sẽ không tiếp tục giảm mạnh. Theo dự đoán được đưa ra trong khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, trong năm nay đồng nhân dân tệ sẽ không giảm quá mức 7.3 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp ghi nhận trong năm 2022 khi đại dịch COVID-19 làm chao đảo nền kinh tế. Đỉnh điểm cao nhất của cặp tỷ giá USD/CNY gần nhất là 7.3285 đạt được vào tháng 11 năm ngoái, sau chuỗi tăng liên tiếp 8 tháng.
Rõ ràng đồng nhân dân tệ suy yếu sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng dự đoán đồng tiền này tiếp tục giảm giá sẽ không có lợi cho các dòng vốn, vì giới đầu tư sẽ lo ngại về khả năng lỗ khi xem xét các loại tài sản được định giá bằng đồng nhân dân tệ.
Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, vốn đã chịu tác động tiêu cực trong những năm gần đây do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng và những hậu quả từ đại dịch COVID trong hơn 3 năm qua, khiến một lượng lớn dòng vốn đầu tư đã rời khỏi Trung Quốc và tìm kiếm cơ hội tại nước láng giềng của Trung Quốc là Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Với tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2023 chậm lại, các chuyên gia cho rằng những nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa ra các gói kích thích tiêu dùng, khởi động chiến dịch "Đầu tư vào Trung Quốc" nhằm tiếp tục thu hút FDI trong bối cảnh những bất ổn bên ngoài gia tăng, các cơ quan quản lý nước này càng có động lực không thể đồng nội tệ mất giá quá mạnh để ảnh hưởng đến mục tiêu trên.
Diễn biến cặp tỷ giá USD/CNY trong 9 tháng qua (nguồn: Bloomberg)
Thụy Nhiên