Vietstock - Đồng Rupiah của Indonesia xuống thấp nhất trong 20 năm
Đồng Rupiah của Indonesia phá ngưỡng 15,000 đổi 1 USD lần đầu tiên trong 20 năm qua, giữa lúc tâm lý nhà đầu tư ngày càng bi quan về tài sản tại các thị trường mới nổi và giá dầu thì ngày một tăng.
Đồng nội tệ của Indonesia đã rớt gần 10% trong năm nay, khi lãi suất Mỹ ngày càng tăng đã thúc đẩy đồng USD và khoản thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia khiến quốc gia này dễ bị tác động bởi những bất ổn về tài chính xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Giá dầu thô đã tăng gần như gấp 3 so với thời điểm tháng 2/2016, qua đó gây áp lực lên quốc gia nhập khẩu dầu.
“Với đà tăng của lãi suất Mỹ, giá dầu và đồng USD mạnh hơn trong vài ngày gần đây, thật khó để Bank Indonesia (NHTW Indonesia) giữ được ngưỡng 15,000 đổi 1 USD”, Khoon Goh, Trưởng Bộ phận nghiên cứu tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. ở Singapore, cho hay. “Nếu tâm lý không được cải thiện thì chúng ta có nguy cơ chứng kiến đồng Rupiah suy yếu về mức 15,200 đổi 1 USD”.
Đồng Rupiah liên tục giảm ngay cả khi Bank Indonesia liên tục can thiệp để kìm hãm đà suy yếu và đã nâng lãi suất 5 lần kể từ tháng 5/2018. Đồng Rupiah có lúc giảm về mức 15,025 đổi 1 USD trong ngày thứ Ba (02/10), mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trong tháng 7/1998.
“Indonesia hiện đang là quốc gia nhập khẩu ròng dầu, vì vậy giá dầu cao hơn và đồng Rupiah yếu hơn đang làm dấy lên lo ngại về lạm phát”, Toru Nishihama, Chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại Dai-ichi Life Research Institute ở Tokyo, cho hay. “Khi giá dầu ngày càng tăng, Fed bình thường hóa chính sách và Indonesia có thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai, thì khó mà ngăn chặn những suy đoán tiêu cực”.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu
Trái phiếu của Indonesia cũng chịu áp lực. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Indonesia kỳ hạn 10 năm tăng 9 điểm cơ bản lên 8.1%, cao hơn nhiều so với mức 6.32% tại cuối năm 2017. Chỉ số chứng khoán chuẩn của Indonesia lao dốc 7% trong năm nay.
Bên cạnh việc nâng chi phí đi vay, Bank Indonesia đã thông báo về sự ra đời của thị trường NDF (Non-Deliverable Forward - Giao dịch ngoại hối kỳ hạn không chuyển giao gốc). Bank Indonesia cho rằng thị trường này sẽ cung cấp biện pháp thay thế cho các công ty muốn phòng hộ tác động của đồng USD và làm giảm mức độ biến động của Rupiah.
Ngoài ra, Indonesia cũng chuẩn bị hoàn tất các biện pháp ưu đãi đối với các công ty xuất khẩu đang giữ hàng tỷ USD trong các ngân hàng với mục đích khuyến khích họ chuyển lượng vốn đó sang đồng Rupiah và từ đó hỗ trợ cho đồng nội tệ nước này.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)