Vietstock - Một điều hiếm thấy vừa xuất hiện trong phiên “tắm máu” trên Phố Wall
Thông thường, một đợt bán tháo trên thị trường sẽ thôi thúc nhà đầu tư chuyển sang mua trái phiếu Chính phủ Mỹ vì họ thường tìm kiếm sự an toàn trong thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ ổn định hơn.
Thế nhưng, thực tế trong ngày thứ Tư (10/10) lại không phải như vậy, vì đà bán tháo chứng khoán diễn ra trong lúc nhà đầu tư đang bán mạnh trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài. Khi trái phiếu Chính phủ Mỹ bị bán ra thì lợi suất trái phiếu lại gia tăng và từ đó tác động tới lãi suất của các khoản vay tiêu dùng và doanh nghiệp.
“Không hề có tình trạng đổ xô mua trái phiếu. Đây là một thay đổi đáng chú ý”, Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho hay.
Các chuyên viên phân tích cho rằng, tình huống bất thường hiện nay có thể được xem là một lời cảnh báo rằng sẽ có thêm nhiều đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới, hoặc ít nhất là cho đến khi nhà đầu tư đủ sợ để trở về với thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ và các thị trường ổn định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones sụt 831.83 điểm (tương đương 3.15%) xuống 25,598.74 điểm, chỉ số S&P 500 mất 94.66 điểm (tương đương 3.29%) còn 2,785.68 điểm vả chỉ số Nasdaq Composite lùi 315.97 điểm (tương đương 4.08%) xuống 7,422.05 điểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trong phần lớn thời gian của ngày thứ Tư (10/10), nhưng sau đó lại giảm nhẹ vào cuối phiên xuống 3.19%, rút khỏi mức đỉnh 3.26%. Mới 1 tháng trước, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm còn dao động dưới mốc 3%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm vẫn tăng lên 3.37% vào lúc thị trường chứng khoán khép phiên.
Theo bài phân tích của CNBC, những đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán thường tạo ra làn sóng đổ xô sang kênh trú ẩn an toàn là trái phiếu Chính phủ Mỹ. Trong suốt 20 năm vừa qua, mỗi khi S&P 500 mất hơn 2% trong 1 tháng thì trái phiếu Chính phủ Mỹ lại có thành quả vượt trội. Một trong những quỹ ETF có thành quả tốt nhất trong những tháng đó là iShares 20+ Years Treasury ETF (TLT) – vốn bám sát theo những trái phiếu có kỳ hạn dài. Tính trung bình, quỹ này tăng 1.2% trong những dịp như thế. Tuy nhiên, những kênh trú ẩn an toàn khác thì không có thành quả tốt như vậy.
Chẳng hạn, quỹ SPDR Gold Shares ETF tăng chỉ 0.5% trong tháng đó, và quỹ bám sát theo trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư Vanguard Total Bond Market Index Fund chỉ tiến 0.3%.
Đáng chú ý, quỹ TLT cũng suy giảm trong ngày thứ Tư (10/10).
“Một điều gì đó diễn ra trên thị trường trong ngày hôm nay (10/10) và điều này là cực kỳ hiếm thấy trong thập kỷ này”, Larry McDonald, Trưởng Bộ phận Chiến lược vĩ mô Mỹ tại ACG Analytics, cho hay. “Trong 3 năm vừa qua, chỉ có 14 phiên giao dịch (tính luôn ngày thứ Tư), khi S&P 500 giảm hơn 1% và trái phiếu Mỹ cũng giảm trong ngày hôm đó. Cổ phiếu và trái phiếu thường hiếm khi có mối tương quan đồng biến”.
Phân tích mối tương quan cổ phiếu và trái phiếu
Kể từ giai đoạn đầu của thị trường con bò hiện nay, giá trái phiếu tăng và giá cổ phiếu cũng leo dốc, khi Fed và các ngân hàng trung ương khác giữ lãi suất ở mức 0% hoặc thậm chí là âm. Thế nhưng, khi Fed bắt đầu thực hiện nâng lãi suất, thì lãi suất thị trường bắt đầu gia tăng, đồng thời phá vỡ mối tương quan cổ phiếu-trái phiếu đã hình thành trong kỷ nguyên tiền rẻ (cheap money).
“Trong môi trường như hiện nay và những gì chúng ta chứng kiến trong năm nay, có quá nhiều thứ có mối tương quan tới cổ phiếu và trái phiếu theo một cách bất thường so với những gì chúng ta chứng kiến trong những năm trước đó”, Andrew Brenner của National Alliance cho biết. “Thông thường, khi cái này tăng thì cái kia giảm như kiểu phòng hộ vậy. Giờ chúng ta đang chứng kiến mối tương quan giữa cổ phiếu và trái phiếu bắt đầu bị đảo ngược. Khi trái phiếu dài hạn có lợi suất cao hơn thì dường như nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn lại suy giảm”.
Các chuyên viên phân tích cho biết, nếu làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán ngày càng nghiêm trọng thì trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn một lần nữa. Thế nhưng, khi Fed cứ nâng lãi suất như hiện nay, lợi suất trái phiếu cao hơn sẽ thôi thúc dòng vốn rút ra khỏi thị trường cổ phiếu vì nhà đầu tư nhận thấy lợi suất hấp dẫn từ các khoản đầu tư trái phiếu. Giờ thì đà tăng của lãi suất cũng là một thách thức đối với cổ phiếu của những công ty có mức nợ cao hoặc những công ty phụ thuộc vào tín dụng giá rẻ.
Peter Tchir – Trưởng Bộ phận chiến lược vĩ mô tại Academy Securities – cho biết, chỉ có 4 lần kể từ đầu năm 2016, khi S&P 500 giảm 1.5% thì lợi suất trái phiếu dài hạn lại tăng. Một trong 4 lần đó là ngày thứ Tư (10/10).
Ba lần khác diễn ra trong những thời điểm thị trường chứng khoán cực kỳ biến động, và diễn biến trong ngày thứ Tư có thể báo hiệu về tình trạng biến động mạnh hơn trong thơi gian tới. “Lần đầu là ngày 13/01/2016. Đó là khi Trung Quốc định giá lại đồng Nhân dân tệ. Hai lần khác là ngày 02/02 và 08/02 trong năm nay, một tuần biến động dữ đội của Phố Wall”, ông cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)