Vietstock - Giới chức châu Âu đã làm gì cứu kinh tế
Chậm chân trong việc ngăn nCoV lây lan nhưng giới chức châu Âu đã lập tức "sửa sai" bằng gói kích thích kinh tế hơn 1.500 tỷ USD.
* Một số ngân hàng ở châu Âu đóng cửa chi nhánh để chống COVID-19
* Áp lực kinh tế khiến châu Âu chần chừ chặn Covid-19
* Nhóm Eurogroup: Kinh tế châu Âu đang trải qua thời kỳ như chiến tranh
Châu Âu hiện là một trong những khu vực chịu tác động mạnh nhất từ Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 13/3 tuyên bố châu Âu là tâm dịch toàn cầu. Hàng loạt quốc gia khu vực này đã phải đóng cửa biên giới. Đại dịch đã khiến hàng nghìn người khu vực này thiệt mạng và đang giáng đòn mạnh lên các gã khổng lồ như Renault, Lufthansa cùng các cửa hàng nhỏ lẻ.
Thị trường chứng khoán châu Âu vì thế gần đây liên tục đi xuống, do nhà đầu tư lo ngại suy thoái. Hôm nay (18/3), bất chấp thông tin tích cực từ Mỹ, thị trường này vẫn lao dốc. Chỉ số Stoxx 600 theo dõi chung toàn khu vực giảm 3,7% ngay đầu phiên. Nhóm cổ phiếu tài chính dẫn đầu đà giảm với 5,8%. Chỉ số FTSE (Anh), CAC 40 (Pháp) và DAX (Đức) mất gần 5%. Còn các thị trường Italy, Tây Ban Nha giảm hơn 8%.
Một góc phố vắng vẻ tại Milan (Italy) vì đại dịch. Ảnh: NYT
|
Thiệt hại kinh tế ngày càng lớn khiến giới chức các nước châu Âu gấp rút tung biện pháp giải quyết.
Đến nay, Pháp là nước mạnh tay nhất, khi cam kết không để công ty nào sụp đổ. Chính phủ sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trị giá hàng trăm tỷ USD, hoãn thu thuế, tiền thuê nhà, điện - nước - gas cho các doanh nghiệp nhỏ. Pháp cũng sẵn sàng làm nhiều hơn, quốc hữu hóa các ngành công nghiệp nếu cần thiết.
"Không công ty nào của Pháp, bất kể quy mô, phải đối mặt rủi ro sụp đổ", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trên truyền hình Pháp hôm thứ hai.
Các nhà phân tích tại ING hôm thứ hai nhận định các biện pháp mạnh tay của ông Macron có thể giúp thu hẹp đà giảm của kinh tế Pháp xuống chỉ 1% năm nay. "Chúng tôi tin rằng các biện pháp trên sẽ giúp kinh tế Pháp bật lại nhanh chóng sau khi rơi vào suy thoái sâu vì Covid-19. Trong quý III, số vụ phá sản lớn tại đây sẽ bị hạn chế và tỷ lệ thất nghiệp vì vậy cũng sẽ kém xa mức dự báo", ngân hàng này cho biết.
Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ hỗ trợ ít nhất 500 tỷ euro (550 tỷ USD) dưới dạng bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp, và cam kết cung cấp thanh khoản không hạn chế cho các công ty chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Đây là một trong các biện pháp được Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz công bố tuần trước. Nước này cũng sẽ giúp các công ty dễ dàng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng phát triển quốc gia và hoãn thu thuế với các doanh nghiệp đang gặp khó.
"Vì mức độ bất ổn cao với tình hình hiện nay, chính phủ sẽ không giới hạn quy mô các biện pháp này", chính phủ Đức cho biết, "Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về sự gián đoạn nghiêm trọng của nền kinh tế, chính phủ sẽ dùng mọi tài nguyên có thể để ngăn chặn".
Tây Ban Nha thì đã công bố gói giải cứu trị giá 200 tỷ euro (220 tỷ USD) và cho biết chính phủ sẽ cung cấp mọi hỗ trợ vốn cần thiết để các công ty không phá sản. Quốc gia này hiện là ổ dịch lớn nhì châu Âu, sau Italy, với gần 12.000 ca nhiễm và hơn 530 ca tử vong.
Anh hôm qua cũng gia nhập cuộc chiến, sau khi bị chỉ trích phản ứng chậm chạp vì chỉ khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ khoản vay ban đầu trị giá 330 tỷ bảng (400 tỷ USD) cho các công ty. Các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay thế chấp cũng đồng ý hoãn thanh toán 3 tháng cho những người bị ảnh hưởng vì đại dịch.
"Chúng tôi chưa bao giờ đối mặt với cuộc chiến kinh tế như thế này, nhưng đã rất sẵn sàng", Sunak nói, "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể".
Tổng cộng, các nước châu Âu nói trên đã cam kết tung ra hơn 1.500 tỷ USD. Con số này có thể còn tăng cao.
Các nhà kinh tế học cho biết hành động quyết đoán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cùng các biện pháp đảm bảo người lao động không gặp rủi ro tài chính nếu bị sa thải, có thể hạn chế đáng kể tác động từ các lệnh phong tỏa. Việc này cũng sẽ giúp nền kinh tế bật lại nhanh chóng khi dịch bệnh biến mất.
Dù vậy, các biện pháp này cần thực hiện nhanh chóng. Ngành công nghiệp chế tạo trên toàn châu Âu đã ngừng lại. Volkswagen hôm qua thông báo sắp đóng gần hết nhà máy tại châu Âu. Chỉ một ngày trước đó, Fiat Chrysler, PSA Group và Renault thông báo đóng cửa tổng cộng 35 nhà máy tại đây.
Các quốc gia cũng đang tìm hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU). Margrethe Vestager – quan chức cấp cao tại Ủy ban châu Âu hôm qua cho biết bà đang thúc giục nới lỏng các quy định về chống độc quyền, nhằm cho phép các công ty đang gặp khó nhận trợ cấp lên tới 500.000 euro và được vay lãi suất ưu đãi.
Hà Thu