Vietstock - Elon Musk có thể mua lại TikTok ở Mỹ?
Theo nguồn tin thân cận, các quan chức Trung Quốc đang cân nhắc phương án để người đồng sáng lập Tesla (NASDAQ:TSLA) mua lại mảng kinh doanh của TikTok tại thị trường Mỹ, trong trường hợp ứng dụng này không thể vượt qua được lệnh cấm.
Elon Musk
|
Dù ưu tiên hàng đầu vẫn là giữ TikTok dưới quyền sở hữu của ByteDance Ltd., nhưng tình hình đang trở nên khó khăn hơn. Trong phiên điều trần ngày 10/1, các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ đã thể hiện xu hướng ủng hộ lệnh cấm, bất chấp nỗ lực kháng cáo của công ty mẹ ByteDance. Các quan chức cấp cao Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận các phương án dự phòng cho TikTok, trong đó có phương án liên quan đến Musk, như một phần của cuộc thảo luận về chiến lược làm việc với chính quyền Donald Trump.
Theo các nguồn tin, một thương vụ tiềm năng với một trong những đồng minh thân cận nhất của Trump có sức hấp dẫn nhất định đối với Chính phủ Trung Quốc - bên được kỳ vọng sẽ có tiếng nói trong việc TikTok có được bán hay không. Musk đã chi hơn 250 triệu USD ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của Trump và được chọn đảm nhận vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động của Chính phủ sau khi ứng viên Đảng Cộng hòa này nhậm chức.
Trong một kịch bản được chính phủ Trung Quốc thảo luận, mạng xã hội X (tiền thân là Twitter) của Musk sẽ kiểm soát TikTok Mỹ và điều hành hai nền tảng cùng nhau. Với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, TikTok có thể thúc đẩy nỗ lực thu hút nhà quảng cáo của X. Musk cũng sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo riêng xAI, có thể hưởng lợi từ lượng dữ liệu khổng lồ mà TikTok tạo ra.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ và chưa đạt được đồng thuận về cách thức tiến hành. Chưa rõ ByteDance nắm được những gì về các cuộc thảo luận này, hay liệu TikTok và Musk đã có bất kỳ đàm phán nào về các điều khoản của thương vụ tiềm năng.
Musk và các đại diện của ông không phản hồi yêu cầu bình luận. Vào tháng 4, Musk đã đăng rằng ông cho rằng TikTok nên được tiếp tục hoạt động tại Mỹ: "Theo tôi, không nên cấm TikTok tại Mỹ, dù lệnh cấm có thể có lợi cho nền tảng X. Làm vậy sẽ đi ngược lại tự do ngôn luận và biểu đạt. Đó không phải là điều nước Mỹ đại diện".
Trong khi ByteDance vẫn kiên định với việc bảo vệ quyền sở hữu TikTok tại Mỹ, các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh cho thấy số phận của ứng dụng này có thể đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của công ty công nghệ Trung Quốc. Các quan chức nhận thức rõ những thách thức phía trước, đặc biệt là các cuộc đàm phán căng thẳng với chính quyền Trump về thuế quan và kiểm soát xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, TikTok được xem như một quân bài quan trọng trong nỗ lực hòa giải.
“Cổ phần vàng” (golden share) hay “cổ phần đặc biệt” (special share) là loại cổ phần thường được nắm giữ bởi Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia như hàng không, quốc phòng, viễn thông. Loại cổ phần này, dù rằng mệnh giá chỉ một đô la, lại cho phép người nắm giữ (tức là cổ đông vàng) có những đặc quyền liên quan đến hoạt động của một công ty. |
Chính phủ Trung Quốc nắm giữ vị thế đặc biệt trong việc quyết định tương lai của TikTok thông qua "cổ phần vàng" tại công ty con Douyin Information Service Co. Mặc dù TikTok khẳng định quyền kiểm soát này chỉ giới hạn trong lãnh thổ Trung Quốc, nhưng quy định về xuất khẩu của nước này lại có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn. Bất kỳ thương vụ bán TikTok nào cũng phải được Bắc Kinh phê duyệt, do thuật toán đề xuất - yếu tố cốt lõi của ứng dụng - được xem là tài sản công nghệ chiến lược.
Theo ước tính của các chuyên gia Bloomberg Intelligence Mandeep Singh và Damian Reimertz, giá trị của TikTok tại thị trường Mỹ có thể dao động từ 40 đến 50 tỷ USD. Con số này thậm chí còn gây áp lực với Musk - người giàu nhất thế giới, đặc biệt khi ông vẫn đang gánh khoản nợ 44 tỷ USD từ thương vụ mua Twitter năm 2022.
Theo một nguồn tin thân cận, Musk có danh tiếng tốt trong mắt nhiều nhân viên ByteDance tại Trung Quốc. Ông được xem là một doanh nhân rất thành công, có kinh nghiệm làm việc với chính phủ Trung Quốc thông qua doanh nghiệp Tesla Inc. của mình.
Các lãnh đạo ByteDance liên tục khẳng định ưu tiên của họ là chiến đấu ở Mỹ hơn là từ bỏ quyền kiểm soát. Các luật sư của TikTok lập luận rằng luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp.
Đa số thẩm phán Tòa án Tối cao ngầm cho thấy các lo ngại về an ninh được ưu tiên hơn quyền tự do ngôn luận, mặc dù họ chưa đưa ra quyết định chính thức. Tổng thống đắc cử Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, đã tìm cách trì hoãn lệnh cấm TikTok - có hiệu lực từ ngày 19/1 - để có thể tiến hành đàm phán. Ông nói rằng ông muốn "cứu" ứng dụng này và có suy đoán rằng ông có thể có hành động vào phút chót để tránh lệnh cấm.
Về mặt thực tế, tách riêng hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ sẽ vô cùng phức tạp, ảnh hưởng đến các cổ đông ở cả Trung Quốc và Mỹ. Các luật sư của TikTok đã tranh luận trước Tòa án Tối cao rằng việc tách các phần của sản phẩm tại Mỹ sẽ "cực kỳ khó khăn."
Chưa rõ liệu TikTok Mỹ sẽ được bán thông qua quá trình cạnh tranh, hay việc bán sẽ do Chính phủ sắp xếp. Trước đó, tỷ phú Frank McCourt và nhà đầu tư Kevin O'Leary đã đề xuất phương án mua lại thông qua Project Liberty. Microsoft (NASDAQ:MSFT) Corp. cũng từng thể hiện quan tâm, trong khi Oracle Corp. đã xây dựng quan hệ đối tác công nghệ sâu rộng với ByteDance.
Một phương án thay thế cho TikTok là chuyển người dùng hiện tại tại Mỹ sang một ứng dụng tương tự - với thương hiệu khác - để có thể tránh lệnh cấm. Chưa rõ động thái như vậy sẽ hiệu quả đến đâu.
Musk đang ở vị thế có thể ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Mỹ với tư cách là người giàu nhất thế giới có các doanh nghiệp hoạt động tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tesla đã xây dựng được mối quan hệ tốt với chính quyền Trung Quốc thông qua nhà máy tại Thượng Hải - hiện là cơ sở sản xuất lớn nhất của hãng. Gần đây, ông cũng công khai phản đối một số chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, bao gồm thuế quan với xe điện.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)