Vietstock - Dow Jones “bốc hơi” gần 400 điểm và rớt ngưỡng 26,000 điểm
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Hai (12/08), khi lợi suất trái phiếu tiếp tục rơi vào suy thoái, qua đó làm dấy lên lo ngại về tình trạng của nền kinh tế, CNBC đưa tin.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 vào tuần trước, lùi xuống 1.63%. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm thu hẹp chỉ còn 6 điểm cơ bản vào ngày thứ Hai (12/08), gần mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones giảm 391 điểm (tương đương 1.49%) xuống 25,896.44 điểm, chỉ số S&P 500 mất 1.24% còn 2,882.44 điểm và chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.2% xuống 7,863.41 điểm. Đây là phiên sụt giảm thứ 2 liên tiếp của thị trường chứng khoán, vốn đã phục hồi đáng kể hồi tuần trước cho đến khi bán tháo quay trở lại vào ngày thứ Sáu (09/08).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhuốm sắc đỏ khi lãi suất suy yếu. Cụ thể, cổ phiếu Bank of America và Goldman Sachs đều giảm hơn 2%, còn cổ phiếu J.P. Morgan mất 1.87%. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Bank ETF rớt 2.1% vào ngày thứ Hai.
Cũng góp phần gây sức ép đến chứng khoán là các cuộc biểu tình căng thẳng ở Hồng Kông, khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên nặng nề hơn bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Sân bay quốc tế Hồng Kông đã hủy tất cả chuyến bay khởi hành trong thời gian còn lại của ngày, do sự gián đoạn nghiêm trọng vì các cuộc biểu tình.
Cổ phiếu Caterpillar sut 2.2% và cổ phiếu Boeing giảm hơn 1%. Các công ty bán lẻ, vốn bị nhắm mục tiêu trong đợt thuế quan mới nhất của Trung Quốc, đang chịu áp lực khi cổ phiếu Office Depot sụt 5.6%, còn cổ phiếu Nordstrom mất 2.35%.
Góp phần làm tăng rủi ro địa chính trị là kết quả cuộc bầu của ở Argentina, vốn đã khiến thị trường bất ngờ khi đương kim Tổng thống Mauricio Macri không giành được nhiều số phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Kết quả này đã dẫn đến động thái bán tháo đồng Peso và chứng khoán Argentina, “bốc hơi” 30%.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã chứng kiến phiên tồi tệ nhất trong năm 2019 vào ngày 05/08 sau khi Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ giảm mạnh so với đồng USD và rớt ngưỡng quan trọng chưa từng thấy kể từ năm 2008. Tuy nhiên, Dow Jones đã phục hồi để chỉ khép lại tuần trước giảm chưa tới 1%.
Căng thẳng leo thang khiến Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng quý 4 là 20 điểm cơ bản xuống 1.8% khi Ngân hàng này không còn kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại có thể đạt được trước cuộc bầu cử năm 2020.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vào ngày thứ Hai đã ấn định tỷ giá giữa ngày cho đồng Nhân dân tệ (CNY) là 7.0211 đổi 1 USD, phiên thứ 3 liên tiếp yếu hơn ngưỡng quan trọng 7 đổi 1 USD. Đồng Nhân dân tệ suy yếu có thể giúp xuất khẩu hàng hóa của nước này trở nên rẻ hơn và Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục phàn nàn rằng đồng Nhân dân tệ yếu hơn có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế thương mại.
Ông Trump cho biết hôm thứ Sáu (09/08) rằng Mỹ sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, nhưng Washington chưa sẵn sàng để tiến tới một thỏa thuận vào lúc này.
An Trần