Vietstock - Dân Hawaii chịu thiệt hại nặng vì xung đột Nga - Ukraine
Dân Hawaii, nhiều hơn cư dân bất kỳ bang nào khác của Mỹ, có thể sẽ thấy chi phí xăng dầu và năng lượng cao hơn do xung đột giữa Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng vọt.
“Bị cô lập bởi Thái Bình Dương, Hawaii là tiểu bang phụ thuộc nhiều nhất vào dầu mỏ”, cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ lưu ý.
Nhìn chung, Mỹ tiêu thụ rất ít dầu của Nga. Năm 2021, dầu từ Nga chỉ chiếm 3% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ và chỉ 1% lượng dầu này được xử lý bởi các nhà máy lọc dầu của Mỹ, theo Hiệp hội thương mại các nhà sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ (AFPM).
Tuy nhiên, Hawaii là trường hợp khác biệt so với các tiểu bang còn lại của Mỹ. Hàng năm, quần đảo này nhập khẩu vài triệu thùng dầu thô của Nga, chiếm 10-25% các chuyến hàng dầu thô của Nga sang Mỹ, tùy năm.
Giá dầu tăng vọt - giá dầu Brent chuẩn và dầu thô giao sau của Mỹ hiện tăng hơn 15% kể từ khi Nga tấn công nước láng giềng Ukraine vào tuần trước, chạm mức cao nhất trong 10 năm - đến vào thời điểm đặc biệt bất tiện với Hawaii khi nhà máy điện AES chạy bằng than ở Tây Oahu, nhà máy lớn nhất trên hòn đảo đông dân nhất, sẽ đóng cửa vào tháng 09/2022.
Các dự án năng lượng tái tạo nhằm thay thế nhà máy này đối mặt một số sự chậm trễ và khó khăn. Các nhà máy dầu là một phần của kế hoạch dự phòng để giữ cho người dân Oahu được “sáng đèn” cho đến khi những vấn đề đó được giải quyết.
“Chúng tôi đã cảnh báo về việc để chi phí của quá trình chuyển đổi này phụ thuộc vào các thị trường dầu mỏ thế giới và những sự kiện trong tuần này là một lời nhắc nhở khác về cái giá mà chúng ta phải trả cho sự phụ thuộc đó”, Jay Griffin, chủ tịch Ủy ban Tiện ích Công cộng Hawaii, nói với Canary Media vào thứ Sáu tuần trước.
Hôm qua, Par Pacific, nhà máy lọc dầu lớn nhất đang hoạt động ở Hawaii, thông báo sẽ ngừng mua dầu thô của Nga cho nhà máy lọc dầu Kapolei của họ “do các sự kiện địa chính trị gần đây”. “Bối cảnh địa chính trị và thị trường năng lượng luôn thay đổi. Chúng tôi sẽ liên tục theo dõi và đánh giá tình hình đối với dầu thô Nga trong những tuần và tháng tới”, công ty cho biết trong một tuyên bố.
Par Pacific nói thêm họ sẽ tìm đến Nam Mỹ và Canada để giúp đáp ứng các yêu cầu về sản xuất nhiên liệu và “hợp tác chặt chẽ với những khách hàng và đối tác của chúng tôi trong chính quyền bang để đưa ra các quyết định thận trọng nhằm hỗ trợ đảm bảo năng lượng cho Hawaii”.
Theo các quy định về tiện ích của Hawaii, chi phí nhiên liệu được chuyển sang cho khách hàng. Điều đó nghĩa là người dân Hawaii có thể sớm nhận thấy hóa đơn năng lượng tăng đáng kể.
Một lý do khiến Hawaii phụ thuộc nhiều vào dầu thô Nga là do Đạo luật Jones năm 1920, đạo luật quy định hàng hóa gửi bằng đường biển giữa các cảng của Mỹ phải đi trên những con tàu do người Mỹ đóng, sở hữu và cung cấp nhân công. Những lô hàng đó rất đắt, do đó để cắt giảm chi phí, các nhà máy lọc dầu lớn của Hawaii có xu hướng nhập khẩu dầu từ nước ngoài.
Việc Nga tấn công Ukraine đã khiến Mỹ và những đồng minh châu Âu áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Nga. Tuy vậy, dầu mỏ không nằm trong số các mục tiêu đó, vì chính quyền Biden cho rằng không có “lợi ích chiến lược” nào trong việc tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu.
“Chúng tôi không có lợi ích chiến lược trong việc giảm nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu”, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên trên chiếc Air Force One hôm thứ Năm. Bà cho biết những biện pháp trừng phạt đó sẽ làm tăng giá xăng dầu cho người Mỹ, điều mà Nhà Trắng “rất biết”.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn tăng vì những bất ổn do cuộc chiến ở Ukraine gây ra và những cú sốc về nguồn cung có thể xảy ra ở châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào dầu của Nga. Giá xăng cao hơn đang ảnh hưởng lớn đến túi tiền của người tiêu dùng trên khắp nước Mỹ.
Nhã Thanh (Theo Fortune)