Vietstock - Chuyên gia Phố Wall: Chứng khoán Mỹ có nguy cơ lao dốc ‘đột ngột và đầy đau đớn’
Trong tất cả những lý do mà những nhà đầu tư tay ngang – gọi vui là nhà đầu tư F0 – nhảy vào thị trường chứng khoán, lý do đáng ngại nhất đối với ông Peter Tchir là họ mua chỉ vì giá cổ phiếu quá thấp.
Đáng ngại hơn là làn sóng đổ xô mua cổ phiếu của những công ty gục ngã trước đại dịch Covid-19 trong thời gian gần đây. Những cổ phiếu như Hertz bỗng trở nên cực kỳ phổ biến, vì những cổ phiếu này chỉ có giá hơn 1 USD.
Damian McVeigh – một nhà giao dịch chứng khoán trong phiên – ngồi trước màn hình máy tính cùng với con gái Avril ở nhà trong suốt đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Belfast, Bắc Ireland vào ngày 16/06/2020. Ảnh: Reuters
|
Ông Tchir, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô tại Academy Securities, cho rằng giá cổ phiếu giờ “chỉ là một con số” đối với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Những thước đo nghiêm ngặt về những gì phản ánh vào giá cổ phiếu – như triển vọng tăng trưởng lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh và các nguyên lý đầu tư giá trị khác – đều bị quăng khỏi cửa sổ.
Vị chuyên gia này cho rằng xu hướng vất bỏ những yếu tố cơ bản và tập trung vào giá là một tình trạng tương đối hiếm xảy ra – nhưng lại thường xảy ra ngay trước thời điểm thị trường lao dốc mạnh.
“Tôi không chắc là khi nào xu hướng này chấm dứt, nhưng từ kinh nghiệm của bản thân, khi xu hướng giao dịch dựa trên giá chấm dứt, nó sẽ chấm dứt đột ngột và đầy đau đớn”, ông Tchir cho biết trong báo cáo gần đây. Ông đặt mục tiêu 2,800 điểm đối với S&P 500 – tức thấp hơn 11% so với mức hiện tại.
Nhìn rộng hơn, ông mô tả xu hướng này như là một kết quả của lòng tham từ nhà đầu tư và sự xuất hiện của những sản phẩm đầu tư đầy sáng tạo hiện tại.
Trước khi bong bóng dot-com phát nổ, bản thân Internet dường như là mốt khó thể cưỡng lại được, ông Tchir cho biết. Ngoài ra, trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các sản phẩm đổi mới được chia làm hai loại: CDO (complex collateralized debt obligations) và CPDO (Constant Proportion Debt Obligations) – những công cụ đầu tư với những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn: Mang lại lợi suất cao với rủi ro thấp.
Còn trong năm 2020, ông Tchir đề cập tới thị trường quyền chọn – nơi những trader có quyền (không phải nghĩa vụ) mua hoặc bán cổ phiếu ở một mức giá đã xác định trước và trong một khung thời gian nhất định. Các sản phẩm phái sinh này cũng có khả năng khuếch đại lợi nhuận – cũng như thua lỗ – vì chúng đánh cược trên mức độ biến động giá.
Nhờ miễn phí giao dịch, ngày nay nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ được tiếp cận tới các công cụ đầu tư rủi ro trên – và có bằng chứng cho thấy họ đang tận dụng cơ hội để làm giàu nhanh chóng. Theo công ty nghiên cứu Piper Sandler, người dùng trên ứng dụng miễn phí giao dịch Robinhood giao dịch gần 12.4 triệu hợp đồng quyền chọn trong quý 1/2020, thời điểm cú sụp vì Covid-19 diễn ra.
Sau quý 1/2020, sức nóng của sản phẩm phái sinh vẫn được duy trì. Cụ thể, hoạt động giao dịch 4 hợp đồng quyền chọn của sàn CBOE ghi nhận khối lượng giao dịch kỷ lục trong 1 ngày của tháng 6/2020, theo dữ liệu từ CBOE.
Ông Tchir nghĩ rằng một vài trader đang liều lĩnh giao dịch hợp đồng quyền chọn và cũng sử dụng phần tiền lời để mua thêm hợp đồng quyền chọn. Điều này góp phần giải thích sự tăng vọt về khối lượng giao dịch quyền chọn.
Vị chuyên gia này cũng đang theo dõi các tín hiệu quá nhiệt khác của thị trường chứng khoán. Ông cảm thấy lo sợ khi nhà đầu tư đánh giá quá cao kế hoạch tung thêm kích thích tài khóa.
“Hãy cẩn thận”, ông Tchir kết luận.
Vũ Hạo (Theo Business Insider)