Vietstock - Chứng khoán Mỹ ngừng giao dịch 15 phút sau cú lao dốc 7% ngay đầu phiên
Hợp đồng tương lai Dow giảm mạnh 1,000 điểm sau khi Fed cắt lãi suất về 0
Thị trường chứng khoán toàn cầu rớt giá mạnh mẽ vào ngày thứ Hai khi nhà đầu tư trở nên hoang mang trước hành động giảm lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm giảm thiểu thiệt hại của dịch cúm corona và các số liệu cho thấy đợt bùng nổ dịch bệnh lần này đã tạo nên một sự sụp đổ kinh tế vô tiền khoáng hậu cho đất nước Trung Quốc.
Khắp Châu Á, thị trường cũng trở nên hỗn loạn, chỉ số tiêu chuẩn của Úc sụt giảm gần 10%, mức giảm kỷ lục từ trước cho đến nay. Tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Luân Đôn giảm 7% trong phiên giao dịch đầu ngày, còn chỉ số CAC40 của Pháp và DAX của Đức cũng giảm dữ dội 9%.
Thị trường Mỹ cũng đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề. Hợp đồng tương lai Dow (INDU) giảm 1,041 điểm, tương đương khoảng 4.5%. Chỉ số S&P 500 giảm mạnh 4.8%, còn Nasdaq thì lại giảm 4.5%. Hiện tại có hơn 3,000 ca nhiễm virus corona tại Mỹ, dựa theo tin tức của các cơ quan chính phủ nước này. Nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi thị trường chứng khoán bất kể hành động can thiệp mạnh mẽ của Fed vào hôm Chủ Nhật. Trong một cuộc họp khẩn cấp, tổ chức này đã mạnh tay ra quyết định đưa mức lãi suất cơ bản về mốc 0%, và còn nói thêm Fed sẽ thu mua thêm 700 triệu USD trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp.
Hành động cắt giảm lãi suất đột ngột này nhằm ngăn chặn những biến cố tài chính có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng tín dụng đã xuất hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đó cũng chính là lần gần nhất mà Fed đã cắt giảm lãi suất hoàn toàn về 0%.
“Tôi không nghĩ Fed sẽ hành động như thế trừ khi họ cảm nhận được thị trường tài chính đang đứng trước một rủi ro đóng băng nghiêm trọng trong tương lai gần. Họ rất lo sợ rằng thị trường tài chính sẽ không thể hoạt động được nữa. Tôi cũng không biết được hành động này sẽ giúp thị trường xoa dịu được bao nhiêu phần”, Mark Zandi, nhà kinh tế học của Moody's Analytics, chia sẻ với CNN Business.
Vào hôm thứ Hai, các mã chứng khoán hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hàng loạt chuyến bay bị tuyên bố hủy bỏ trước việc hạn chế du lịch toàn cầu. Air France KLM (AFLYY) mở cửa thấp hơn 12% còn IAG (ICAGY), chủ sở hữu của British Airways, rớt 16%.
Dầu thô, chỉ số dầu tiêu chuẩn toàn cầu, giảm 6% xuống còn 31.83 USD/thùng.
Một ngày tồi tệ tại Châu Á
Thị trường Châu Á Thái Bình Dương bị chấn động mạnh mẽ trước số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại mạnh mẽ hơn nhiều so với dự đoán do dịch bệnh corona.
Dựa theo Cục Thống kê Quốc gia, doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm 20.5% trong giai đoạn tháng 1 và tháng 2, một kết quả thảm hại hơn nhiều do với dự đoán tăng 0.8% của giới phân tích bình chọn trên Reuters. Chỉ số xuất khẩu công nghiệp cũng giảm 13.5% trong cùng giai đoạn, trong khi đó đầu tư vào tài sản cố định gia tăng 24.5%.
Mao Xinyong, một phát thanh viên của Cục Thống kê Quốc gia, chia sẻ tại một cuộc họp báo rằng Trung Quốc sẽ gia tăng những chính sách hỗ trợ để ứng phó với những ảnh hưởng do dịch bệnh mang lại, bao gồm những biện pháp tài khóa chủ động và những biện pháp tiền tệ khôn ngoan để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như nhiều chính sách hỗ trợ việc làm đặc biệt khác.
Nhưng những thông tin đó cũng chưa đủ làm nhà đầu tư yên tâm. Chỉ số Hong Kong's Hang Seng (HSI) giảm 4%, còn Nikkei (N225) của Nhật Bản rớt 2.5%, Shanghai Composite (SHCOMP) của Trung Quốc giảm 3.4%. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào hôm thứ Hai đã bơm 100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14.3 tỷ USD) vào hệ thống tài chính bằng cách cho các ngân hàng thương mại vay tiền. Vào hôm thứ Sáu tuần rồi, Ngân hàng Trung ương nước này tuyên bố sẽ cắt giảm khoản tiền mặt dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng, để rót thêm 550 tỷ nhân dân tệ (tương đương 78.6 tỷ USD) vào nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng nói rằng họ sẽ có những biện pháp khác để hạ thấp lãi suất cho vay nhằm bảo vệ nền kinh tế trước những thiệt hại do bùng nổ dịch bệnh virus corona mang lại.
Tại một nơi khác, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thông báo vào hôm thứ Hai rằng họ sẽ tổ chức một cuộc họp chính sách một ngày vào cuối ngày hôm đó, thay cho cuộc họp định kỳ vào thứ Ba và thứ Tư. Ngân hàng Trung ương của Úc cũng tuyên bố vào hôm thứ Hai rằng họ đã sẵn sàng để thu mua trái phiếu chính phủ, hỗ trợ cho thị trường. Tổ chức này còn nói rằng những biện pháp chính sách khác sẽ được công bố thêm vào thứ Năm.
Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại AxiCorp, nói rằng các nước trên thế giới đã đưa ra những chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ rất “dày và mạnh”.
Nhưng nỗi lo lắng lớn nhất lúc này chính là những ngân hàng trung ương hàng đầu trên toàn thế giới đã sử dụng hết những công cụ chính sách của họ, đặc biệt là Fed, tổ chức lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhiều nhất trong số đó.
“Hiện tại thị trường đại loại đang ở trong trạng thái không còn khả năng phòng ngự trước một đợt bán tháo nữa, do đó chỉ còn có thể dựa vào chính sách tài khóa để ngăn chặn tình trạng khủng hoảng tín dụng toàn cầu”, Innes nói thêm.
Tuệ Nhiên (Theo CNN)