Investing.com -- Việc lợi nhuận tăng mạnh trong quý IV/2024 giúp nhiều ngân hàng vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2024, trong đó nguồn thu chính vẫn đến từ hoạt động tín dụng.
Sacombank (HM:STB) cho biết, lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay, vượt chỉ tiêu đại hội đồng cổ đông giao. Các chỉ tiêu sinh lời ROA ước đạt 1,46% và ROE ước đạt 20,23% - đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Với HDBank (HM:HDB), chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, ông Phạm Văn Đẩu - Giám đốc Tài chính Ngân hàng cho biết, lợi nhuận năm 2024 dự kiến đạt trên 16.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 15.852 tỷ đồng.
Trước đó, HDBank đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 12.655 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 80% kế hoạch cả năm. Như vậy, nếu đạt được kết quả như kỳ vọng, HDBank sẽ xác lập mức kỷ lục mới về quy mô lợi nhuận và nằm trong Top 5 ngân hàng tư nhân lãi lớn nhất năm 2024.
Lãnh đạo Nam A Bank cũng cho hay, 11 tháng đầu năm 2024, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.100 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm (4.000 tỷ đồng).
Trước đó, 9 tháng đầu năm 2024, Nam A Bank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 83% kế hoạch cả năm. Tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) đến ngày 30/11/2024 tăng lên mức 3,68% so với mức 3,6% tại ngày 31/6/2024.
Kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2024 của TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 7.100 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cuối năm trước. Như vậy, tổng lợi nhuận của TPBank trong 11 tháng đã cao hơn lợi nhuận năm 2023 và dự kiến cả năm 2024 sẽ tăng 34% so năm 2023.
Tính đến 13/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023 và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với trung bình giai đoạn 2013 đến nay là 14,4%.
Tín dụng cải thiện đáng kể trong quý cuối năm 2024 và đang dần cán đích 14-15%. Điều này đã tác động tích cực lên hoạt động của ngành, giúp nhiều ngân hàng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 mới đây, lãnh đạo 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Agribank, BIDV (HM:BID), Vietcombank (HM:VCB), VietinBank đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024, ước tính lợi nhuận đều vượt mốc tỷ USD.
Agribank cho biết, năm 2024 có thể là năm đạt kết quả kinh doanh cao nhất sau 4 năm triển khai phương án cơ cấu lại.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 các ngân hàng trong danh sách theo dõi tăng 14,5% so cùng kỳ năm trước và tăng 11,1% so với quý liền trước.
MBS ước tính tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong quý IV/2024 sẽ cao hơn so với quý trước đó, nhưng NIM có thể giảm nhẹ. Thu nhập ngoài lãi dự báo sẽ suy giảm so với cùng kỳ do các hoạt động ngoài lãi chưa có dấu hiệu hồi phục.
Đồng thời, chi phí trích lập dự phòng trong quý IV/2024 sẽ cao hơn so với quý trước đó và chỉ tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước do nền so sánh cao trong quý IV/2023.
Một số ngân hàng dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý IV/2024 là OCB, TPBank và VPBank (HM:VPB), một phần do mức nền so sánh thấp của năm 2023 vì trích lập dự phòng cao. VietinBank và Techcombank (HM:TCB) là 2 ngân hàng quy mô lớn được kỳ vọng tăng trưởng khả quan hơn các ngân hàng cùng quy mô.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 của OCB dự báo tăng tới 300% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do mức nền thấp của năm 2023. Theo MBS, chi phí trích lập dự phòng tiếp tục là gánh nặng với OCB ở trong kỳ, nhưng so với nền cao của năm 2023 ước tính giảm 33%.
NIM đi ngang so với quý liền trước ở mức 3,4% - nhưng tăng khoảng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập ngoài lãi tiếp tục giảm mạnh do các hoạt động thu phí chưa khởi sắc.
Với TPBank, dự báo lợi nhuận quý IV/2024 tăng mạnh 172% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu từ mức nền thấp của năm ngoái (TPBank đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý IV/2023). Dư nợ tín dụng ước tăng 4,5% và NIM cải thiện nhẹ so với quý trước đó. NIM cả năm 2024 ước đạt 3,82%; trong khi nợ xấu giảm 0,29% về mức 2,04%.
Đối với VPBank, lợi nhuận quý IV/2024 ước tăng 108% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tín dụng tăng mạnh khoảng 8% so với đầu năm, cùng với NIM được duy trì ở mức 6%.
Chi phí trích lập dự phòng trong quý dự báo giảm 11% so với cùng kỳ năm trước và tương đương với quý liền trước. Trong đó, công ty con FE Credit ước ghi nhận khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2024, đóng góp tích cực vào kết quả chung của VPBank.
PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định cho thấy khả năng chống chịu tốt của ngành ngân hàng trước những biến động từ thị trường.
Trong đó, tổng thu nhập hoạt động đóng góp phần lớn vào lợi nhuận vẫn đến từ tín dụng, trong khi thu nhập ngoài lãi dự báo tăng trưởng chậm do mảng bảo hiểm còn khó khăn. Đáng chú ý, nợ xấu có xu hướng tăng nhanh đòi hỏi các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, do đó lợi nhuận có thể bị “ăn mòn”.