Vietstock - Linh hoạt cơ chế và giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Đã có thực tế điển hình về sự linh hoạt trong xử lý sự cố nghẽn lệnh HOSE cho thấy sự tập trung, chung tay, đầu tư công nghệ, nguồn lực của doanh nghiệp... có thể thúc đẩy TTCK sớm đáp ứng các tiêu chí của FTSE và MSCI vào các kỳ đánh giá gần nhất tới đây.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 ngày 28/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại một số kết quả nổi bật mà TTCK Việt Nam đã đạt được, trong đó có điểm nhấn về quy mô và thanh khoản.
Cụ thể, đến nay, quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam đã đạt gần 200 tỷ USD, lớn hơn nhiều thị trường châu Á như Philippines, Qatar, Kuwait... hay châu Âu như Hy Lạp, Czech, Hungary... Thanh khoản trung bình đạt gần 700 triệu USD, tương đương Indonesia, Malaysia, Singapore và chỉ đứng sau Thái Lan trong khối ASEAN.
Thanh khoản cũng chính là một điểm cộng hoặc trừ khi các tổ chức xếp hạng và phân cấp thị trường như FTSE Russell và MSCI nhìn vào và đánh giá. Với dữ liệu trên, quy mô thanh khoản của TTCK Việt Nam đã đạt tầm khu vực ASEAN, kết quả mà nếu không có sáng kiến "giải cứu" tình trạng nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) giai đoạn 2020-2021 thì hẳn khó phát triển được quy mô nhà đầu tư như vừa qua để đạt được.
Cụ thể, từ cuối quý 4/2020, hệ thống giao dịch tại HOSE thường xuyên quá tải, "treo cứng" và nghẽn lệnh kéo dài. Tình trạng này vừa ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường, quyền lợi của nhà đầu tư và đặc biệt gây ảnh hưởng đến uy tín của TTCK Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) và các tổ chức xếp hạng.
Ngày 06/03/2021, tại hội nghị "Đối thoại 2045", với thông điệp "Hãy tin tưởng ở kinh tế tư nhân", nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đưa ra sáng kiến sử dụng chính năng lực và nguồn lực trong nước để xử lý tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE, thay vì chờ đợi chuyên gia nước ngoài và hệ thống KRX của Hàn Quốc vận hành. Chính phủ ủng hộ, Bộ Tài chính "gật đầu", Sovico phối hợp với FPT (HM:FPT) triển khai chiến dịch "100 ngày giải cứu HOSE".
Đúng hẹn 100 ngày, hệ thống giao dịch mới của HOSE từ sáng kiến số của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn công nghệ hàng đầu FPT, Sovico và HDBank (HM:HDB) cùng FPT chính thức vận hành, với năng lực xử lý một ngày 3-5 triệu lệnh, gấp hơn 3 lần hệ thống cũ. Ngay sau đó, thanh khoản trên TTCK Việt Nam bùng nổ, quy mô giao dịch lần lượt vượt mốc trên 30,000 tỷ và kỷ lục từng ghi nhận đạt trên 56.100 tỷ đồng. Đến nay, quy mô thanh khoản bình quân đã vươn tầm khu vực như Thủ tướng điểm lại ở trên.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trương Gia Bình đều là lãnh đạo của những doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm VN30 trên HOSE, với hàng chục nghìn nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài là cổ đông; những doanh nghiệp điển hình mang lại những giá trị, niềm tin cho các nhà đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của TTCK Việt Nam.
Linh hoạt giải pháp và cơ chế
Tại hội nghị vừa qua, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT nói: "Chúng tôi xin gửi lời tri ân Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cho chúng tôi 100 ngày giải cứu HOSE".
Gửi lời tri ân, bởi nếu theo cơ chế cũ, giải pháp cũ thì những sáng kiến số như của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, hay những tổ chức kinh tế tư nhân như Sovico, HDBank hay FPT rất khó được tham gia, khẳng định năng lực và đóng góp giá trị trong chiến dịch trên. Và đây cũng chính là một ví dụ điển hình cho sự linh hoạt trong giải pháp và cơ chế để hướng tới nâng hạng TTCK Việt Nam.
Theo các tiêu chí của FTSE và MSCI, TTCK Việt Nam còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được và cần điều chỉnh, theo báo cáo các kỳ cập nhật trong năm 2023. Bên cạnh tiêu chí về thanh toán, đa dạng sản phẩm, sự hiệu quả của hệ thống hoạt động, thì cả hai tổ chức trên đều nhấn mạnh tiêu chí về độ mở đối với NĐTNN.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu NĐTNN đối với các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam có giới hạn nhất định, đặc biệt là "room" sở hữu ở giới hạn 30% tại các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, "room" tại các ngân hàng như ACB (HM:ACB), HDBank, MB, Techcombank (HM:TCB)... hiện không còn hoặc đã gần như được lấp đầy. Bên cạnh tiêu chí đánh giá nâng hạng, việc tạo nguồn hàng, những địa chỉ hấp dẫn như tại các ngân hàng trên để thu hút vốn ngoại khi nâng hạng cũng là một thực tế, song hiện gần như không còn.
Trước thực tế này, cũng như hướng đến đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường, tại hội nghị ngày 28/2 vừa qua, chuyên gia đã có đề xuất đáng chú ý, một hướng linh hoạt như sáng kiến và chiến dịch xử lý sự cố nghẽn lệnh HOSE nói trên.
Cụ thể, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nêu một hướng giải pháp linh hoạt: Nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting depository receipt) để phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề.
Như vậy, để đáp ứng các tiêu chí, Việt Nam có thể linh hoạt về cơ chế, có những giải pháp, hướng đáp ứng mới để hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK. Một mục tiêu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm "Nói là làm".
"Chúng ta quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025" - Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị trên, cùng điểm hẹn báo cáo các công tác cụ thể vào tháng 5 tới, trước thềm các kỳ đánh giá dự kiến vào tháng 6 và tháng 9/2024 của MSCI và FTSE.