Vietstock - Góc nhìn 17/01: Tiếp tục tăng?
Yuanta cho rằng phiên ngày mai (17/01), thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index sẽ thử thách mức kháng cự 1,250 điểm.
Rung lắc
CTCK Asean (Aseansc): TTCK Việt Nam trong nước sẽ tiếp tục có diễn biến phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng khi diễn biến rung lắc vẫn là xu hướng chủ đạo khi trường vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi các thông tin trong ngày nhậm chức của Tổng thống Donald Trump vào tuần tới.
Lực cầu bắt đáy đang tăng
CTCK BETA: VN-Index hiện vẫn duy trì xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn khi giao dịch dưới các đường trung bình quan trọng, mặc dù chỉ số đã vượt lên trên đường MA10. Điều này cho thấy áp lực bán vẫn chiếm ưu thế, nhưng lực cầu bắt đáy đang gia tăng, giúp thu hẹp đà giảm.
Đảo chiều
CTCK Tiên Phong (TPS): Dù phiên 16/01 tăng điểm nhưng thanh khoản vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, điều này tiếp tục dấy lên những lo ngại về rung lắc, đảo chiều của thị trường. Tuy nhiên, xét về khung đồ thị thấp hơn là H1, thị trường đã có 1 cây nến khá tốt với thanh khoản ở mức trung bình. Có thể đây sẽ là động lực cho thị trường giữ được vùng 1,230-1,240 điểm.
Cần lưu ý thanh khoản vẫn là yếu tố then chốt cho đợt tăng giá (nếu có) của thị trường. Những nhà đầu tư đã giải ngân trước đó có thể cân nhắc chốt lời, hạ tỷ trọng.
Giằng co
CTCK KB Việt Nam: VN-Index tạo nến "Doji" với bóng nến dưới kéo dài. Chỉ số đã tiến đến vùng kháng cự gần, kết hợp với ngày đáo hạn phái sinh nên diễn biến phần nào có sự biến động với thế giằng co biên độ lớn.
Dòng tiền chưa có sự đồng thuận rõ ràng ở các nhóm cổ phiếu nên nhiều khả năng đà tăng của chỉ số sẽ còn gặp thử thách, đặc biệt là khi lượng cung giá cao vẫn còn tiềm ẩn ở các vùng kháng cự trên.
Tích lũy kéo dài
CTCK Sài Gòn - Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): Xu hướng ngắn hạn VN-Index sau giai đoạn suy giảm đang nỗ lực phục hồi kiểm tra lại các vùng kháng cự mạnh 1,25-1,260 điểm. Vùng hỗ trợ mạnh 1,200-1,220 điểm. Xu hướng trung hạn tiếp tục xu hướng tích lũy kéo dài từ 2024 đến nay trong vùng 1,200-1,300 điểm.
Hồi phục lên 1,253 điểm
CTCK BIDV (HM:BID) (BSC): Trong những phiên tới, chỉ số có thể tiếp tục hồi phục về đến ngưỡng cản 1,253 điểm. Tuy nhiên thị trường còn rủi ro, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng.
Phục hồi ngắn hạn
CTCK Đông Á (DAS): Trong những phiên giao dịch còn lại của năm cũ, VN-Index có thể vận động trong khoảng 1,230-1,260 điểm với hướng phục hồi ngắn hạn. Giai đoạn tiếp theo thị trường sẽ chịu ảnh hưởng bởi thông tin kết quả kinh doanh quý 4/2024 của các doanh nghiệp niêm yết.
Chiến lược giao dịch nhà đầu tư có thể nắm giữ danh mục đầu tư trung dài hạn và tận dụng giai đoạn thị trường tạo đáy để giải ngân tích lũy cổ phiếu.
Bứt phá
CTCK Agribank (Agriseco Research): Nhịp hồi phục kỹ thuật đưa VN-Index tiến lên cận trên của kênh giảm giá và phát tín hiệu muốn bứt phá. Xác xuất tăng/giảm trở nên cân bằng tuy nhiên lực cầu chủ động đang có xu hướng tham gia tích cực hơn.
Nhà đầu tư ưu tiên tái cơ cấu danh mục trong những nhịp hồi phục, có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu lên mức 70% nếu thị trường bứt phá được mốc 1,240 điểm.
Tiếp tục đăng
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index sẽ thử thách mức kháng cự 1,250 điểm trong phiên kế tiếp (17/01). Đồng thời, nếu nhịp hồi phục tiếp tục duy trì trong phiên kế tiếp thì thị trường có thể bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn, nghĩa là rủi ro ngắn hạn tiếp tục giảm dần. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư đã dần lạc quan và cơ hội mua mới cũng dần gia tăng.
Xu hướng ngắn hạn (dưới 1 tháng) của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40-50% danh mục và có thể xem xét mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò xu hướng ngắn hạn.
Cập nhật
Tùng Phong