Vietstock - Góc nhìn 12/11: Chờ đợi trạng thái cân bằng mới?
Dù còn nhiều công ty chứng khoán (CTCK) vẫn đang góc nhìn tiêu cực về thị trường trong phiên sắp tới nhưng cũng không ít kỳ vọng về khả năng đi ngang (sideway), và dần tạo thế cân bằng mới.
Duy trì tiêu cực
CTCK Beta: Áp lực bán từ khối ngoại đã tạo ra lực cản không nhỏ cho khả năng phục hồi bền vững của thị trường trong thời gian ngắn hạn, đồng thời làm tăng sự thận trọng của các nhà đầu tư cá nhân. Từ góc độ kỹ thuật, VN-Index duy trì xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn khi nằm dưới các đường trung bình MA10, MA20. Các chỉ báo SAR và MACD, cặp DI+, DI- đồng thời xuất hiệu tín hiệu kém khả quan.
Dưới bối cảnh thị trường với những dấu hiệu tích cực từ sự cải thiện thanh khoản và lực mua có dấu hiệu trở lại, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự phục hồi trong các phiên giao dịch sắp tới. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường, đòi hỏi nhà đầu tư duy trì sự thận trọng và có kế hoạch quan sát kỹ lưỡng. Điều này giúp đánh giá đúng xu hướng và tránh rủi ro từ các tín hiệu nhiễu trong ngắn hạn.
Đặc biệt, việc khối ngoại tiếp tục rút vốn mạnh sẽ là yếu tố cần theo dõi trong các phiên tiếp theo để đánh giá triển vọng thị trường và định hướng đầu tư. Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư có thể cân nhắc chia nhỏ các khoản đầu tư và ưu tiên những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc.
Chỉ nên giao dịch ngắn hạn
CTCK Tiên Phong (TPS): Sau khi chạm vùng hỗ trợ 1,240 điểm, thị trường nhanh chóng có phản ứng và bên mua nhanh chóng nhập cuộc. Thanh khoản tăng cao trong phiên chiều cho thấy phe mua đã có động thái quyết liệt hơn so với các phiên giao dịch trước đó.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể mua tại vùng giá 1,240 - 1,250 điểm và chỉ nên giao dịch ngắn hạn cho đến khi thanh khoản tiếp tục duy trì ở ngưỡng ổn định hơn 16 ngàn tỷ 1 phiên giao dịch.
Rủi ro giảm điểm vẫn còn
CTCK Rồng Việt (VDSC): VN-Index giảm 2.24 điểm (-0.18%), đóng cửa tại 1,250.32 điểm. Thanh khoản khớp lệnh tăng với 712.1 triệu cổ phiếu. VN-Index được hỗ trợ gần vùng 1,240 điểm và hồi phục khá nhanh nhưng vẫn chưa thể trở lại trên đường MA200.
Diễn biến hồi phục sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng có thể chỉ mang tính chất kỹ thuật và tiếp tục quá trình thăm dò vùng MA200. Dự kiến VN-Index sẽ thận trọng tại vùng cản 1,255 - 1,260 điểm và tiềm ẩn rủi ro lùi bước trở lại.
Khả năng đi ngang
CTCK Vietcombank (HM:VCB) (VCBS): Với diễn biến hiện tại, xác suất cao thị trường sẽ sideway để cân bằng lại tại vùng hỗ trợ 1,243 trước khi bước vào nhịp tăng dài hơi hơn. Ở khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI tạo đáy phân kỳ dương nhờ lực cầu xuất hiện ở phiên chiều cho thấy sự luân chuyển, lan tỏa của dòng tiền sang các nhóm ngành khác. Nếu dòng tiền duy trì được vận động dịch chuyển cùng lực cầu chủ động thì chỉ số chung sẽ sớm tiến về vận động tích lũy với đường MA20.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư ưu tiên chiến lược lướt sóng T+, tận dụng những nhịp rung lắc trong các phiên tiếp theo để giải ngân từng phần ở cổ phiếu có tín hiệu thu hút dòng tiền, lực cầu ổn định và đi ngược với diễn biến điều chỉnh của thị trường. Tuy nhiên cũng nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu ở vùng giá cao hoặc chưa có tín hiệu vượt đỉnh thuyết phục. Một số nhóm ngành đáng chú ý ở thời điểm hiện tại bao gồm vận tải-cảng biển, thủy sản, công nghệ-thông tin.
Xu hướng chưa rõ rệt
CTCK Đông Á (DAS): VN-Index đang giao dịch trong biên độ 1,240-1,270 điểm và chưa hình thành xu hướng rõ rệt. Ngành khu công nghiệp có kết quả kinh doanh ổn định trong 9 tháng đầu năm, và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong quý 4/2024 đón làn sóng dịch chuyển vốn đâu tư vào Việt Nam.
Nhà đầu tư có thể nắm giữ nhóm này trong danh mục đầu tư trung dài hạn. Quan tâm nhóm chứng khoán, công nghệ, hóa chất cho các giao dịch ngắn hạn.
Hồi phục chậm rãi?
CTCK Asean (Aseansc): Chỉ số có khả năng vận động quanh mức 1,245 điểm và tiếp tục rũ bỏ áp lực bán với các phiên hồi phục chậm rãi. Về góc nhìn vĩ mô, động thái liên tục bơm ròng thanh khoản của NHNN từ tuần trước đến nay (ngày 11/11 tiếp tục bơm ròng gần 14.5 ngàn tỷ) giúp hạ nhiệt phần nào lo ngại về sự căng thẳng của tỷ giá trong nước trước diễn biến gia tăng mạnh mẽ trở lại của chỉ số DXY.
CTCK cho rằng thị trường trong ngắn hạn sẽ có thể tiếp tục các nhịp hồi phục chậm rãi, tuy nhiên nhà đầu tư cần theo sát diễn biến tỷ giá USD/VND và các động thái của SBV trong thời gian tới để xác định xu hướng của thị trường trong ngắn hạn và nhận biết các dấu hiệu hồi phục chắc chắn hơn.
CTCK duy trì quan điểm đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trung và dài hạn, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và KQKD quý 3 tích cực, chờ đợi giải ngân khi các dấu hiệu xác nhận cân bằng xuất hiện và định giá về mức hấp dẫn.
Vẫn đi ngang trong vùng 1,240 - 1,270
CTCK BIDV (HM:BID) (BSC): VN-Index giao dịch trong vùng 1,240 - 1,255 trước khi đóng cửa tại mốc 1,250.32, giảm gần 3 điểm so với phiên trước đó. 12/18 ngành tăng điểm, trong khi số mã giảm nhiều hơn số mã tăng, cho thấy dòng tiền có xu hướng phân hóa. Ngành truyền thông dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành tài nguyên cơ bản, công nghệ thông tin,… Ở chiều ngược lại, ngành bán lẻ có phiên giao dịch không tích cực, theo sau là ngành ô tô và phụ tùng, dầu khí,.... Về giao dịch của khối ngoại, khối này bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Xu hướng giao dịch trong vùng tâm lý 1,240 - 1,270 chưa có dấu hiệu kết thúc.
Suy giảm quanh 1,255 - 1,260 điểm
CTCK Sài Gòn - Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): Xu hướng ngắn hạn VN-Index suy giảm dưới vùng kháng cự quanh 1,255 điểm - 1,260 điểm, tương ứng giá trung bình 200 phiên hiện nay, cũng như đường xu hướng giảm giá ngắn hạn nối các vùng giá cao của tháng 10-11/2024. Để xu hướng ngắn hạn VN-Index cải thiện thì cần vượt vùng kháng cự mạnh trên, với khối lượng gia tăng tốt.
Trong ngắn hạn, thị trường phân hóa mạnh trong vùng giá cao nhất năm 2023. Đây là vùng giá tương đối hợp lý, mở ra các vị thế mua lướt, tích lũy. Diễn biến thị trường cũng đang thể hiện nội tại thị trường tương đối tốt với dòng tiền, thanh khoản đang gia tăng ở nhiều mã/nhóm mã như công nghệ-thông tin, bất động sản khu công nghiệp, vận tải - cảng biển, vật liệu xây dựng, các nhóm ngành xuất khẩu...
Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, có thể xem xét, chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý 3 tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng trong cuối năm. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.
Đi về điểm cân bằng
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index xuất hiện lực cầu bắt đáy về giai đoạn cuối phiên và hình thành mẫu nến rút chân, đi kèm với thanh khoản giao dịch tăng vọt, cho thấy hoạt động của lực cầu đã có sự sôi nổi hơn. Vì vậy, nhiều khả năng xu hướng giao dịch dần sẽ dịch chuyển sang trạng thái cân bằng khi có dòng tiền mua chủ động đối ứng.
Tuy nhiên, với lượng cung lớn tiềm ẩn ở các vùng kháng cự trên, đà hồi phục sẽ khó có xác suất bật tăng mạnh. Khi xu hướng ngắn hạn vẫn đang ở trạng thái trung tính, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì nắm giữ một vị thế an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá.
* Tiếp tục cập nhật
Tử Kính