Investing.com - Chứng khoán châu Á cùng với thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm vào thứ Tư, sau khi Washington hoãn áp thuế quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, giảm áp lực đáng kể cho các thị trường đang bị kìm hãm bởi những lo ngại về bất ổn chính trị và kinh tế.
Đầu phiên giao dịch trên thị trường châu Âu, chỉ số Euro Stoxx 50 (STXEc1) tăng 0,15%, chỉ số DAX của Đức (FDXc1) tăng 0,17% và FTSE của Anh (FFIc1) tăng 0,25%.
Tin tức về quyết định hoãn thuế của Hoa Kỳ đã bù đắp phần nào cho những tác động từ một loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc trong tháng 7, mặc dù đồng Yên Nhật – kênh trú ẩn an toàn của thị trường được hỗ trợ mức tăng đang kể trong bối cảnh ảm đảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chứng khoán Phố Wall tăng vọt chỉ sau một đêm khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lùi lại thời hạn 1/9 về việc áp thuế 10% lên hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, hoãn áp thuế đối với điện thoại di động, máy tính xách tay và các mặt hàng tiêu dùng khác với hy vọng giảm bớt tác động đối với doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ của Hoa Kỳ.
Sự tăng vọt của chứng khoán Hoa Kỳ đã nâng chỉ số MSCI của các cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản (MIAPJ0000PUS) tăng 0,8%.
Chỉ số tổng hợp Thượng Hải (SSEC) tăng 0,6% trong khi chỉ số Hang Seng (HSI) của Hồng Kông, vốn bị tổn thương do sự gián đoạn từ các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn, tăng 0,5%.
Chỉ số KOSPI (KS11) của Hàn Quốc đã tăng 0,7% và Nikkei (N225) của Nhật Bản tăng 1%.
Tuy nhiên, sự phục hồi trong phiên hôm nay hầu như không bù đắp được những tổn thất lớn trên thị trường chứng khoán trong những tháng gần đây và tâm lý thị trường vẫn rất mong manh do xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn cần rất nhiều thời gian để giải quyết.
Sự bất ổn xung quanh các rủi ro chính trị như tình trạng biểu tình ở Hồng Kông cũng tiếp tục khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Kenta Inoue, chuyên gia kinh tế thị trường cao cấp tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley (NYSE: MS) Securities, đã chỉ ra rằng quyết định hoãn áp thuế của Trump được đưa ra do thị trường chứng khoán Mỹ đang bị đình trệ.
"Đây dường như là “kế sách” thường thấy của tổng thống Hoa Kỳ, luôn gây áp lực thương mại đối với Trung Quốc khi thị trường chứng khoán đang hoạt động tốt và trì hoãn để thỏa hiệp khi thị trường chứng khoán đi xuống", Inoue nói.
Chỉ số S&P 500 (SPX) đã đạt mức cao kỷ lục vào cuối tháng 7, nhưng sau đó mất đà tăng do một số yếu tố, trong đó bao gồm căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chỉ số này tăng 1,5% vào thứ Ba, nhưng vẫn giảm 1,8% trong tháng 8.
Tranh chấp thuế quan kéo dài một năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7 đã chậm hơn nhiều so với dự kiến là 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu chính thức cho thấy hôm thứ Tư, dấu hiệu mới nhất về nhu cầu đang chững lại khi Hoa Kỳ tăng áp lực thương mại. Tốc độ của tháng Bảy này là chậm nhất kể từ tháng Hai năm 2002.
"Tổng thống Trump đã trì hoãn áp thuế và trong khi đây là dấu hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán, thị trường sẽ vẫn cảnh giác với quyết định áp thuế có thể vẫn được thực hiện vào tháng 12", Masahiro Ichikawa, chiến lược gia cao cấp của Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết.
"Và mặc dù căng thẳng ở Hồng Kông không phải là yếu tố tác động lớn tới tất cả các thị trường, nhưng khi diễn ra đồng thời với những diễn biến chính trị ở Argentina, tác động tiêu cực của những vấn đề địa chính trị này đã được nhân lên nhiều lần."
Những lo ngại về khả năng quay trở lại của các chính sách can thiệp bằng cách gia hạn các khoản nợ, đã làm “xáo trộn” thị trường toàn cầu trong tuần này sau khi Tổng thống bảo thủ của Argentina Mauricio Macri thất bại trước phe đối lập trong cuộc bầu cử sơ bộ vào cuối tuần qua.
Trên thị trường tiền tệ, đồng Yên Nhật – kênh trú ẩn an toàn trên thị trường, đã tăng 0,25% lên 106.485/1 USD khi dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự kiến, điều này củng cố quan điểm rằng giải quyết cuộc chiến thương mại là một chặng đường dài ngay cả khi Trump đã hoãn áp thuế bổ sung.
Trong giao dịch biến động, đồng Yên đã giảm xuống còn 106,980/1 USD trong phiên qua đêm trước khi đạt đến mức ổn định. Hôm thứ Hai, đồng Yên Nhật đã đạt mức cao nhất trong 7 tháng, gần 105,000.
Chỉ số đô la Mỹ (DXY) so với rổ sáu loại tiền tệ chính đã ở mức 97,822 sau khi tăng gần 0,5% vào ngày hôm trước.
Đồng Euro đã ổn định ở mức 1,1169 USD sau khi giảm 0,4% so với đồng USD vào thứ Ba.
Sự hồi phục của đồng bạc xanh chững lại khi sự tăng mạnh của lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ trong phiên qua đêm đã không còn động lực hỗ trợ đồng USD.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ 10 năm đã giảm 2,5 điểm cơ bản xuống còn 1,676% sau khi tăng 6 điểm cơ bản qua đêm. Mức lợi suất này đã giảm xuống thấp nhất trong ba năm là 1,595% một tuần trước.
Giá dầu thô tăng vọt khi quyết định của Washington trì hoãn áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc làm giảm bớt lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu, mặc dù dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc được công bố hôm thứ Ba đã hạn chế mức tăng.
Dầu thô Brent tương lai đã giảm 0,88% ở mức 60,76 USD/thùng, sau khi tăng gần 5% vào ngày hôm trước.