Tài sản số sẽ được coi là tài sản hợp pháp và bị đánh thuế từ năm 2026
Theo Dong Hai
Investing.com - Báo cáo vĩ mô tháng 7 từ VDSC cho rằng sức bật tốt của tăng trưởng kinh tế quý II sẽ tạo tiền đề để lạc quan về triển vọng về tăng trưởng nửa sau năm 2022, các yếu tố dự báo tích cực là gì? Ở chiều ngược lại, khả năng nền kinh tế Mỹ suy thoái trong 18 tháng tới là hơn 50%, với cảnh báo đến từ ngân hàng TD Securities và NHNN tiếp tục rút ròng gần 100.000 tỷ đồng khỏi thị trường… Dưới đây là nội dung chính 3 thông tin cần chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Ba ngày 12/7.
1. Các yếu tố giúp tăng trưởng nửa cuối 2022 có thể vượt mức 8%
Trong báo cáo vĩ mô tháng 7, VDSC cho rằng sức bật tốt của tăng trưởng kinh tế quý II sẽ tạo tiền đề để lạc quan về triển vọng về tăng trưởng nửa sau năm 2022 trên cơ sở: lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn là động lực chính của tăng trưởng; tiêu dùng của nền kinh tế phục hồi tốt hơn kỳ vọng và mức nền thấp của nửa sau năm 2021. Với tăng trưởng kinh tế nửa sau năm 2022 dự báo sẽ vượt 8%, VDSC nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm nay từ mức 6,5% lên mức 7,5% với các yếu tố phục hồi:
- Lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng 11,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 7,8% của quý I.
- Lĩnh vực bán buôn bán lẻ đã tăng tốc từ mức tăng trưởng xấp xỉ 3% trong quý I lên 8,3% trong quý II, hay lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống chuyển biến từ mức tăng trưởng âm 1,8% trong quý I thành tăng trưởng dương 25,9% trong quý II.
VDSC cũng cho biết những ngành tăng trưởng nổi bật trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp gồm dệt may (tăng 26,8% trong quý II so với 20,1% trong quý I), thuốc, hóa dược (tăng 24,6% trong quý II so với 10,0% trong quý I), điện tử (tăng 14,7% trong quý II so với 7,6% trong quý I), đồ uống (tăng 15,1% trong quý II so với 5,6% trong quý I) và gỗ (tăng 10,3% trong quý II so với 0,6% trong quý I). Thủy sản, bia, phân urê cũng là các mặt hàng có tăng trưởng cải thiện so với quý trước. Đối với lĩnh vực dịch vụ, những ngành có tăng trưởng tích cực gồm: bán lẻ thực phẩm, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch. Doanh số bán lẻ của dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch vẫn thấp hơn lần lượt 6,2% và 60,9% so với mức ghi nhận trong nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ của hai lĩnh vực này riêng tháng 6 cho thấy sự phục hồi mạnh hơn, với mức giảm lần lượt 2,5% và 36,3% so với tháng 6/2019. Lĩnh vực du lịch chưa trở về mức trước đại dịch chủ yếu là do lượng khách quốc tế còn thấp, chỉ bằng 7,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng 2019. Mặc dù lượng khách quốc tế có sự tăng tốc mạnh trong tháng 6 nhưng cũng chỉ đạt 20% so với mức ghi nhận vào tháng 6/2019. Cầu du lịch nội địa đang là động lực cho sự phục hồi với lượng khách du lịch nội địa nửa đầu năm đạt 60,8 triệu lượt (gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2019).
2. Khả năng nền kinh tế Mỹ suy thoái trong 18 tháng tới là hơn 50%
Ông Richard Kelly - trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại ngân hàng đầu tư TD Securities, cho biết khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào năm tới là hơn 50%. Theo ông, giá xăng tăng cao kết hợp cùng lập trường chính sách diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và hoạt động kinh tế chững lại là ba rủi ro mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt ngay bây giờ.
Giới phân tích sẽ theo dõi sát số liệu do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố vào ngày 28/7 tới để có những ước tính sớm về kịch bản tiềm tàng này. Đồng thời, tác động từ việc giá xăng tăng cao sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và việc Fed tiếp tục nâng lãi suất có thể đè nặng lên nền kinh tế vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023. Và nếu Mỹ có thể xoay xở qua được nguy cơ suy thoái thì nền kinh tế chung có thể bất ngờ chững lại từ giữa đến cuối năm 2023. “Chúng ta thực sự có ba rủi ro suy thoái cùng lúc”, ông Kelly nhấn mạnh.
Theo đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II có thể cung cấp dữ kiện về thời điểm suy thoái xảy ra.
3. NHNN tiếp tục rút ròng gần 100.000 tỷ đồng khỏi thị trường
Theo số liệu thống kê trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có thêm một tuần (4-8/7) rút ròng lượng tiền VND (HM:VND) khỏi thị trường. Đáng chú ý, không chỉ tăng số lượng tiền rút về, thời hạn rút tiền của cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã tăng mạnh với hàng chục nghìn tỷ đồng tín phiếu được phát hành với kỳ hạn 28 ngày.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 8/7, NHNN đã thực hiện bán đấu thầu 5.150 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9%/năm, cho 3 thành viên thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiền tệ còn thực hiện bán 19.900 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,5%/năm, với 7 thành viên khác.
Tổng cộng, NHNN đã bán ra 25.050 tỷ đồng tín phiếu trong phiên 8/7 và rút ròng số tiền VND tương ứng khỏi 10 tổ chức tín dụng.
Ở chiều ngược lại, phiên 8/7 vẫn ghi nhận 1 tổ chức tín dụng được NHNN bơm 254,58 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản trong kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%/năm.