Tài sản số sẽ được coi là tài sản hợp pháp và bị đánh thuế từ năm 2026
Investing.com - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), trong đó đề xuất thay đổi cách tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn và giao dịch chứng khoán của cá nhân cư trú.
Theo nội dung dự thảo, thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán sẽ được tính theo mức thuế suất 20% trên phần thu nhập tính thuế – tức là phần chênh lệch giữa giá bán, giá mua và các chi phí hợp lý liên quan, áp dụng theo kỳ tính thuế năm. Trường hợp người nộp thuế không thể xác định được giá mua và chi phí, mức thuế áp dụng sẽ là 0,1% trên giá bán từng lần giao dịch.
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là khi giao dịch được hoàn tất theo quy định pháp luật.
Trước đây, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (có hiệu lực từ 1/1/2009), người nộp thuế được lựa chọn giữa hai phương pháp: hoặc nộp thuế tạm tính 0,1% trên giá bán từng lần và không cần quyết toán cuối năm, hoặc áp dụng mức thuế 20% trên thu nhập sau khi quyết toán với đầy đủ chứng từ chứng minh chi phí.
Tuy nhiên, kể từ năm 2015, chính sách thuế được thống nhất theo phương pháp áp thuế cố định 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần nhằm đơn giản hóa và minh bạch trong thực hiện.
Nay, Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh trở lại cách tính thuế dựa trên thu nhập thực tế là cần thiết, phù hợp hơn với thực tiễn triển khai, cũng như xu hướng và kinh nghiệm quốc tế. Theo Bộ, hầu hết các quốc gia đều đánh thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán và vốn, nhưng mỗi nơi có phương thức riêng. Ví dụ như Indonesia hiện thu 0,1% khấu trừ tại nguồn trên doanh thu từ chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết, đồng thời áp thuế 0,5% đối với cổ phiếu phát hành lần đầu của nhà sáng lập.
Với chuyển nhượng vốn, dự thảo cũng đưa ra phương án tính thuế tương tự: thuế suất 20% trên phần thu nhập (giá bán trừ giá mua và chi phí liên quan). Trong trường hợp không xác định được giá vốn và chi phí, cá nhân sẽ phải nộp thuế 2% trên tổng giá bán trong mỗi lần chuyển nhượng.