Vietstock - Bộ đôi cao su Cường Thịnh - An Thịnh chi ngàn tỷ mua trước hạn trái phiếu dù kinh doanh thua lỗ
Hai công ty cao su là Cường Thịnh và An Thịnh dù kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, nhưng lại mạnh tay chi gần 1.2 ngàn tỷ đồng mua lại trước hạn trái phiếu. Trước đó, bộ đôi này từng gây chú ý khi mua “hớ” HNG vào năm 2016.
Chi gần 1.2 ngàn tỷ đồng mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu
Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh đồng loạt đưa dư nợ trái phiếu về 0 trước khi năm 2023 khép lại, sau khi cùng mua lại trước hạn các lô trái phiếu trong giai đoạn 24 - 27/11/2023.
Cụ thể, Cường Thịnh mua lại trước hạn lô trái phiếu CTRCH2224001 trị giá 545 tỷ đồng, phát hành ngày 21/02/2022, kỳ hạn 2 năm đến 21/02/2024. Còn với An Thịnh mua lại trước hạn lô ATLCH2224001 trị giá 650 tỷ đồng. An Thịnh phát hành trái phiếu sớm hơn trường hợp của Cường Thịnh 10 ngày, tương ứng ngày 11/02/2022 và có kỳ hạn hai năm đến 11/02/2024.
Trái phiếu đều có lãi suất 8.5%/năm, gốc và lãi thanh toán một lần khi đến hạn, tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán VPBank (HM:VPB) (VPBankS) và là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm.
Dư nợ trái phiếu của Cường Thịnh và An Thịnh giai đoạn 2021-2023
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Theo tìm hiểu, Cường Thịnh và An Thịnh là hai Công ty có mối liên hệ mật thiết, đều thành lập vào tháng 3/2014, cùng hoạt động trong lĩnh vực trồng cây cao su, vốn điều lệ 30 tỷ đồng và đặt trụ sở tại số 1, đường N3, khu phố Ích Thạnh, phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, TPHCM. Cường Thịnh do ông Bùi Quang Hoàn làm đại diện pháp luật, còn An Thịnh do ông Nguyễn Công Thành đảm nhiệm.
Kết quả kinh doanh của hai Công ty đều khá bết bát những năm trở lại đây. Cụ thể, Cường Thịnh lần lượt lỗ 99 tỷ đồng, 288 tỷ đồng và 49 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 – 2023, tương tự An Thịnh lỗ lần lượt 129 tỷ đồng, 342 tỷ đồng và 57 tỷ đồng.
Kinh doanh khó khăn cũng kéo theo vốn chủ của hai Công ty âm nhiều năm qua, với Cường Thịnh âm 680 tỷ đồng và An Thịnh âm 580 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023.
Kết quả kinh doanh của Cường Thịnh và An Thịnh giai đoạn 2021-2023
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Bộ đôi gây xôn xao với thương vụ mua “hớ” HNG
Năm 2016, hai Công ty cao su này từng khiến thị trường chứng khoán xôn xao với thương vụ mua “hớ” hơn ngàn tỷ đồng cổ phần CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HM:HNG) (HNG Agrico, HOSE: HNG).
Thời điểm đó, Cường Thịnh và An Thịnh mua lần lượt 27.5 triệu cp và 31.5 triệu cp HNG với giá 28,000 đồng, tương đương tổng giá trị 1,652 tỷ đồng trong bối cảnh thị giá HNG còn đang thấp hơn mệnh giá.
Trong năm này cả hai Công ty còn cùng nhau góp 1,465 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương. Theo đó, Cường Thịnh góp 691 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 47.17% vốn và An Thịnh góp 774 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52.83% vốn. Sau đó vài ngày, chính HNG lại chi 1,650 tỷ đồng mua Cao su Đông Dương.
Đến giữa năm 2019, HNG chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Cao su Đông Dương cho CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi (Thadi). Vốn điều lệ của Cao su Đông Dương ghi nhận theo báo cáo thường niên năm 2018 đạt 1,465 tỷ đồng và HNG sở hữu 100% đến tháng 02/2016.
Việc thoái vốn này nằm trong chiến lược chuyển nhượng bớt các công ty con của HAGL Agrico, bao gồm nhóm Cao su Đông Dương, nhóm Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên cho Thadi, với tổng giá trị chuyển nhượng gần 7 ngàn tỷ đồng, nhằm trả nợ vay và đẩy mạnh đầu tư cho vườn cây ăn trái.
* Hai doanh nghiệp cao su từng mua “hớ” cả ngàn tỷ đồng cổ phần HNG giờ ra sao?
Huy Khải