17 công ty báo lỗ, ngành chứng khoán lộ rõ sự phân hóa
Theo Dong Hai
Investing.com – Thị trường chứng khoán Việt Nam với những tin tức gì mới trong phiên giao dịch khởi động tuần mới? 5 dự án cao tốc quy mô 263.000 tỷ sắp được đầu tư, doanh nghiệp mạnh tay tích trữ hàng tồn kho trước tình hình giá dầu vẫn đang tăng cao… Dưới đây là nội dung chính tin tức trong hôm nay thứ Hai ngày 21/2.
1. 5 dự án cao tốc quy mô 263.000 tỷ sắp được đầu tư
5 dự án đường bộ cao tốc trị giá 263.000 tỷ, quan trọng cấp quốc gia đã được Chính phủ chấp thuận trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư:
- Đoạn tuyến Vành đai 3 TP HCM. Giai đoạn 1 ước tính số vốn cần khoảng 85.400 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 44.400 tỷ đồng, gần 32.000 tỷ đồng là phần xây lắp và thiết bị; phần còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng...
- Dự án Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội có chiều dài dự kiến 111,2 km, tổng mức đầu tư là 94.127 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2022-2028…
- Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, dự kiến tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, kết nối Tây Nguyên với miền Trung và các cảng biển nước sâu.
- Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 45.000 tỷ đồng; đã hoàn thiện lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đầu tư công.
- Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến dài gần 54 km, tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng; đã hoàn thiện lại hồ sơ theo phương thức đầu tư công.
Với 5 dự án cao tốc quan trọng quốc gia nói trên, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu quyết tâm từ nay đến năm 2025, các đơn vị "chạy đua với thời gian"; khởi công đồng loạt trong 2022; hoàn thành trong năm 2024-2025. "Nếu không bảo đảm các mốc tiến độ này, sẽ không thể giải ngân hết số vốn đã bố trí, bỏ lỡ cơ hội để phát triển". Ngoài ra, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương sớm chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng, "chỉ cấp phép khai thác vật liệu xây dựng trực tiếp cho các nhà thầu thi công cao tốc, không qua trung gian".
2. Doanh nghiệp mạnh tay tích trữ hàng tồn kho trước tình hình giá dầu vẫn đang tăng cao
Giá dầu liên tục tăng cao, chạm đỉnh 7 năm khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về một đợt sóng cổ phiếu dầu khí. Song cần nhấn mạnh rằng, không phải tất cả các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam đều được hưởng lợi, phần nào thể hiện qua kết quả kinh doanh năm 2021.
Với nhóm thượng nguồn, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HM:PVD) ghi nhận nhiều khoản chi phí cao như chi phí quản lý doanh nghiệp 386 tỷ đồng (tăng 75 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước), chi phí tài chính gần 171 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 36 tỷ đồng – giảm mạnh so với số lãi 184 tỷ đồng đạt được năm 2020. Với (HN:PVS), dù ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh hơn so với PVD do lĩnh vực hoạt động đa dạng hơn song công ty này cũng giảm lãi trước thuế từ mức 1.024 tỷ đồng năm 2020 xuống còn 816 tỷ đồng.
Ngược lại, các công ty trung nguồn và hạ nguồn lại ghi nhận lợi nhuận tích cực nhờ xu hướng tăng bền vững của giá dầu, giúp giá bán cao hơn hoặc cải thiện biên lợi nhuận gộp. Trong đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam (HM:GAS) đạt hơn 8.852 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 11% so với 2020 và vượt 26% chỉ tiêu đề ra. Riêng quý 4, giá dầu khí tăng mạnh thúc đẩy doanh thu GAS tăng đến 30%. Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HM:PVT) cũng thu về 838 tỷ đồng lãi ròng trong năm vừa qua, hoàn thành gấp đôi so với chỉ tiêu lãi 404 tỷ đồng được giao cho cả năm.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (HN:BSR) ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể với lợi nhuận sau thuế ở mức 6.673 tỷ đồng trong khi năm 2020 lỗ tới 2.858 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm trong những tháng cuối năm 2021 cũng góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của BSR.
Diễn biến giá dầu liên tục tăng mạnh trong năm 2021 cũng là điều kiện rất tích cực giúp Tổng Công ty Dầu Việt Nam (HN:OIL) ghi nhận 775 tỷ đồng lãi ròng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 166 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của các công ty trái chiều, nhưng có một điểm chung là các công ty ngành dầu khí đều đang tích trữ hàng tồn kho khá lớn. Kết thúc năm, lượng hàng tồn kho của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HM:PLX) đạt 13.160 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản, tăng 40% so với đầu năm. BSR cũng ghi nhận 10.316 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 23% so với đầu năm và chiếm 15,5% tổng tài sản. Tương tự, hàng tồn kho của OIL cũng tăng 41% so với đầu năm lên mức 2.577 tỷ đồng, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HM:PSH) ghi nhận 5.102 tỷ đồng hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm, chiếm 52% tổng tài sản hay PVT cũng tăng 26% lên 142 tỷ đồng.
Tích trữ hàng tồn kho là con dao hai lưỡi ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bởi nếu như giá nguyên liệu tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn, nhưng khi giá nguyên liệu quay đầu sẽ có thể dẫn tới lỗ lớn do phải đánh giá lại tồn kho.