Investing.com -- Tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 16/12 đã có bài đăng cho rằng Việt Nam đã “thắng lớn” trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc khi ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ lần thứ nhất, nhưng giờ đây Việt Nam sẽ là “mục tiêu” khi ông Trump sắp là tổng thống lần thứ hai.
Phóng sự của 3 nhà báo Liza Lin, Jason Douglas và Rebecca Feng đăng trên WSJ viết rằng trong cuộc thương chiến lần thứ nhất của ông Trump với Bắc Kinh, các nhà sản xuất Trung Quốc đã đổ dồn sang Việt Nam để tìm cơ sở sản xuất rồi từ đó xuất khẩu hàng của họ sang Mỹ mà không phải chịu thuế nhập khẩu.
Nhưng đội ngũ quan chức của ông Trump hiện đang phát đi tín hiệu rằng họ sẽ giải quyết những kẽ hở này.
Một hành động như vậy “sẽ làm tổn thương nền kinh tế nhỏ nhưng đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam”, các tác giả Liza Lin, Jason Douglas và Rebecca Feng viết. Mặt khác, điều đó nhiều khả năng cũng làm tăng giá đối với người tiêu dùng và các hãng Mỹ mua hàng hóa Việt Nam hoặc dựa vào nguồn cung ở đất nước này.
Việt Nam hiện cung cấp 1/3 lượng giày thể thao, 1/2 lượng giường và bàn ăn bằng gỗ và 1/4 lượng tấm pin năng lượng mặt trời mà Mỹ nhập khẩu. Các nhãn hàng lớn của Mỹ có nhà cung cấp ở Việt Nam như Apple (NASDAQ:AAPL), Nike (NYSE:NKE) và Gap.
Bên cạnh vấn đề kể trên, phóng sự của WSJ còn nêu ra một yếu tố nữa làm cho Việt Nam trở thành “mục tiêu thương mại của chính quyền mới” ở Mỹ, đó là Tổng thống đắc cử Donald Trump nói về việc ép các nước phải thu hẹp chênh lệch về kim ngạch thương mại với Mỹ.
Số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm 9/12 cho thấy thương mại hai chiều Việt-Mỹ ước đạt hơn 122 tỷ đô la trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng gần 22% so với cùng kỳ 2023; trong đó, xuất khẩu đạt xấp xỉ 109 tỷ đô la, tăng gần 24%; nhập khẩu ước đạt 13,5 tỷ đô, tăng hơn 7%.
Như vậy, giá trị hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cao gấp hơn 8 lần so với lượng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn số 1 thế giới.
Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ “đứng ở vị trí dẫn đầu” so với các đối tác khác, và giá trị của khoản thặng dư này là 95,4 tỷ đô la, tăng 26,7%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Trong số các nước làm cho Mỹ bị thâm hụt thương mại nhiều nhất, Việt Nam đứng thứ tư, chỉ sau Trung Quốc, Mexico và Liên hiệp châu Âu, WSJ đưa ra quan sát.
“Xét đến lượng thăng dư thương mại to lớn của Việt Nam với Mỹ, nước này nói riêng có thể sẽ phải đối mặt với một nghị trình kinh tế mang tính bảo hộ thương mại nhiều hơn [của Mỹ]”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Hà Nội, nói với WSJ.
Tuy nhiên, WSJ dẫn lời một số người ở Việt Nam nhận định rằng có lẽ các mức thuế quan mới của ông Trump đánh vào hàng Việt Nam nhiều khả năng sẽ thấp hơn mức áp vào Trung Quốc, nên sẽ giúp Việt Nam duy trì được lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, ông Carl Thayer, giáo sư đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho rằng Việt Nam có một số yếu tố để tránh bị Mỹ gây sức ép quá nhiều.
Đó là SpaceX của tỷ phú Elon Musk, người được xem là có công lớn nhất giúp ông Trump đắc cử, tính đầu tư 1,5 tỷ đô la vào Việt Nam; Trump Organization, mà chính Tổng thống đắc cử Trump nắm quyền sở hữu, sẽ đầu tư cũng khoảng 1,5 tỷ đô la vào Hưng Yên; và Việt Nam là một trong 4 nước châu Á cung cấp nhiều mặt hàng bán dẫn nhất cho Mỹ.
Năm 2023, Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia và Đài Loan về kim ngạch xuất khẩu hàng bán dẫn sang Mỹ, đạt 562 triệu đô la. “Mỹ không thể đi quá xa. Liệu họ lấy đâu ra các mặt hàng bán dẫn nếu họ cắt đứt với Việt Nam?”, Giáo sư Thayer nói.
Ở một khía cạnh khác, ngay cả khi ông Trump đánh thuế cao hơn, với thực tế là phải mất nhiều năm mới tạo dựng được các nhà máy, thay vì di dời đi, các hãng sẽ ứng phó bằng cách đa dạng hóa việc xuất khẩu sang các nơi khác, tách khỏi Mỹ, ông Frank Vossen thuộc hãng Seditex - công ty chuyên giúp các doanh nghiệp nước ngoài tìm đối tác và mở cơ sở tại Việt Nam - nói với Wall Street Journal.
Ông Vossen cho hay số lượt khách hàng Mỹ mới hỏi han, tìm hiểu thông tin trong năm nay cao gấp đôi năm ngoái. Các khách hàng Mỹ hiện có cũng đang tính việc chuyển thêm nhiều hoạt động kinh doanh sang Việt Nam, ông Vossen cho hay.