Kiểm soát lạm phát không thể tăng lãi suất, siết tín dụng

Ngày đăng 20:57 27/06/2022
Kiểm soát lạm phát không thể tăng lãi suất, siết tín dụng
GPR
-

Vietstock - Kiểm soát lạm phát không thể tăng lãi suất, siết tín dụng

Câu chuyện về lạm phát đang nóng lên trên toàn cầu, và bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều áp lực. Tuy nhiên theo đánh giá chung, vấn đề lạm phát của Việt Nam chưa thể nói là quá nặng nề, nhiều chuyên gia kinh tế đã phản bác đề nghị tăng lãi suất, siết chặt tiền tệ để chống lạm phát được đưa ra gần đây.

Có áp lực nhưng chưa quá căng

Cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo theo sự leo thang của giá hàng hóa cơ bản, càng làm trầm trọng thêm những thiệt hại mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu. Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất.

Nhìn trên thế giới, lạm phát tại khu vực châu Âu đã vượt 8%, tại khu vực đồng tiền chung euro đã vượt 8%, tại Mỹ tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12-1981.

Trong bức tranh chung, Việt Nam phải đối phó như thế nào?

Trao đổi với ĐTTC, TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol nhận định: “Khi nói về lạm phát toàn cầu, câu chuyện đầu tiên có thể nhìn thấy ngay là giá năng lượng, nguyên vật liệu của thế giới liên quan đến khu vực đang xảy ra chiến tranh đều tăng lên. Trong đó, giá năng lượng là rõ nhất, bao gồm giá dầu thô và khí. Những nhà tác nghiệp trong lĩnh vực này đã đi thực địa và cho rằng, ngay cả việc Tổng thống Mỹ bay đến Arab Saudi, khả năng giải quyết nguồn cung năng lượng cũng khó.

Hiện Quốc hội Mỹ đang tìm cách đưa ra các chính sách khuyến khích dùng dầu đá phiến trong nước nhưng họ vẫn không lạc quan. Như vậy có nghĩa nguồn cung không giải quyết được ngay trong năm nay và khả năng giá dầu sẽ tăng lên mạnh, và đó cũng là lý do dẫn đến kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến để khống chế lạm phát. Thực tế trên thế giới lạm phát vẫn đang tăng. Tuy nhiên, lạm phát rồi sẽ đạt đỉnh ở một điểm nào đó trong năm nay, còn khả năng kéo dài là không có”.

Đặt trong bối cảnh như vậy sẽ thấy vấn đề của Việt Nam không quá lớn. Bởi Việt Nam còn thuận lợi hơn các nước, vì khi các nước lạm phát về nguyên vật liệu, phí nhân công tăng mạnh và rất nhiều người rút ra khỏi lực lượng lao động; trong khi Việt Nam không có các vấn đề đó, dù cục bộ một số ngành có thể giống thế giới, nhưng trên tổng thể người dân vẫn đi làm. Đây là một tấm đệm rất tốt để hạn chế tốc độ tăng về giá nhân công lao động và giúp cho nền kinh tế hoạt động.

TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định: “Lạm phát của thế giới và lạm phát tại Việt Nam có khác biệt lớn. Việt Nam chủ động được lương thực thực phẩm, quản lý được giá trong dịch vụ công. Còn sự đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực của thế giới quyết định lạm phát ở phương Tây. Trong khi đó, các nhà kinh tế của Mỹ dùng lý thuyết hiệu ứng nền trong thống kê học cho thấy, lạm phát của Mỹ năm nay sẽ điều chỉnh thấp.

Cụ thể, lạm phát bình quân năm nay xuống 4,3%, sang năm sau xuống khoảng 2,7-2,8%. Đặt trên nền tảng tác động lạm phát của phương Tây và của Việt Nam khác nhau như nói ở trên, về bản chất lạm phát của Việt Nam không phải là vấn đề quá nặng nề”.

Không nên tăng lãi suất, siết tín dụng

Theo quan điểm của TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế: “Chính sách vĩ mô của Việt Nam hiện nay phải giải quyết một phương trình 4 ẩn số, gồm tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Trong đó vấn đề lạm phát dĩ nhiên đáng lo, nhưng không vì vậy phải thắt chặt tất cả.

Cụ thể là Việt Nam không thể siết chặt tiền tệ, tăng lãi suất như một số đề xuất gần đây. Nền kinh tế không tăng trưởng được sẽ phức tạp hơn nhiều so với lạm phát. Trong khi những biện pháp thắt chặt như vậy khiến nền kinh tế đi vào suy thoái, trì lạm. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhập khẩu, đặt trường hợp chống lạm phát bằng siết tín dụng và tăng lãi suất mà vẫn nhập khẩu lạm phát, thì vẫn lạm phát và không có bài toán để hóa giải vì kinh tế không tăng trưởng”.

TS. Trần Du Lịch nói thẳng. “Lạm phát là thuế vô hình đánh vào toàn dân, có tác động xã hội rất xấu nhưng sẽ xấu hơn cho đất nước nếu như xảy ra tình trạng trì trệ thất nghiệp trong nền kinh tế. Nói nôm na, nếu lạm phát 5-6%, tức đồng lương của người dân mất 5-6%, nhưng nếu trì lạm họ sẽ mất việc làm. Như vậy chúng ta chọn vẫn có thu nhập hay chọn mất việc làm do kinh tế suy thoái? Nói như vậy để thấy nếu siết tín dụng, tăng lãi suất, dẫn đến kinh tế Việt Nam suy thoái, trì lạm sẽ rất nguy hiểm. Còn xử lý vấn đề thế nào là nghệ thuật của chính sách. Lúc này, Chính phủ cần phải gỡ những nút thắt để nền kinh tế hấp thụ được vốn, kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân để giải quyết được vấn đề tăng trưởng”.

Thực tế trên thế giới lạm phát vẫn đang tăng. Tuy nhiên, lạm phát rồi sẽ đạt đỉnh ở một điểm nào đó trong năm nay, còn khả năng kéo dài là không có.

Tương tự, TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM nhận định: “Đúng là lạm phát của toàn cầu và lạm phát của Việt Nam khác nhau rất nhiều. Thế nên, cần phải nhìn vào bản chất sự việc. Xét về góc độ khoa học, các nghiên cứu cập nhật cho thấy dữ liệu trước tháng 9-2021, lạm phát trên thế giới là có sự đóng góp lớn của chính sách tiền tệ, bởi các nước G7 có cả một thập niên mở rộng chính sách tiền tệ.

Nhưng dữ liệu từ tháng 9-2021 trở lại đây, nguyên nhân của tiền tệ không còn nữa. Cần phải chẩn đoán đúng nguyên nhân của căn bệnh và nguyên nhân chính dẫn đến bệnh của lạm phát toàn cầu hiện nay là chuỗi cung ứng. Trong khi Việt Nam chủ động được phần nào các vấn đề này, nên tác động đến nền kinh tế Việt Nam là có nhưng thấp. Về mặt bằng lãi suất, lãi suất thực các nước trên thế giới đều âm rất lớn, trong khi lãi suất thực của Việt Nam dương.

Năm 2011, lạm phát Việt Nam cao và được đề nghị phải giữ lãi suất thực dương để có lợi cho người dân, còn nay lãi suất đã thực dương. Có nghĩa là lãi suất tương quan với lạm phát trong bối cảnh này của Việt Nam là chấp nhận được. Do vậy không thể làm theo lý thuyết là tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát”.

TS. Hồ Quốc Tuấn cũng không ủng hộ quan điểm tăng lãi suất, siết tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Vì nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế cần vốn và cần phải đầu tư hạ tầng, tăng trưởng kinh tế, tận dụng lợi thế khi Trung Quốc đang đóng cửa, cũng như để cho thế giới thấy Việt Nam vượt qua cơn sóng này vẫn vững mạnh. Việc tăng lãi suất không giải quyết được bài toán của Việt Nam khi mức độ lạm phát của Việt Nam hiện nay không lớn.

Các nước đã chi nguồn tiền khổng lồ vào tay người dân, như nước Anh hiện đang tiếp tục chi tiền, như vậy dẫn đến lạm phát rất lớn. Việt Nam trong giai đoạn trước vẫn có chi ra nhưng lượng chi nhỏ hơn rất nhiều và gói chi tiêu công vẫn còn rất lớn. Còn nhập khẩu lạm phát cho đến bây giờ chưa có tác động đáng kể đến Việt Nam.

Đặc biệt, với việc VNĐ đang đi rất sát với đồng USD trong khi USD lên giá rất nhiều so với các đồng tiền khác. Tức Việt Nam đang đi song song với đồng tiền đang lên giá mạnh hiện nay, chính điều đó tạo thành một tấm đệm giúp nhập khẩu lạm phát ở nhiều nước khác không quá lớn đối với Việt Nam.

Cần giải pháp hài hòa cung-cầu

TS. Hồ Quốc Tuấn đề xuất, lạm phát có liên quan đến vấn đề tổng cầu và cung của nền kinh tế. Như vậy cần giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất về nguồn cung, cần cố gắng trong khả năng kiểm soát giá năng lượng, giá xăng không tăng quá cao. Giả sử trong các tháng tới, nỗ lực của quốc tế trong việc kiềm chế giá dầu dưới 120USD/thùng không thành công, Việt Nam phải có giải pháp để trong trường hợp nếu giá dầu vượt lên 130USD/thùng, 140USD/thùng hay 150USD/thùng, giá tại Việt Nam cũng không tăng quá mạnh. Ở đây phải nghĩ đến việc trợ giá hoặc giảm các loại thuế để giảm mức độ tăng giá của giá xăng dầu. 

Lạm phát của Việt Nam hiện tại cũng không quá cao so với mặt bằng chung của thế giới. Vì vậy không nên quá lo ngại về lạm phát rồi siết chặt tiền tệ, tăng lãi suất, điều đó sẽ giết chết nền kinh tế trước khi chống được lạm phát.

Thứ hai, Việt Nam có thể kiểm soát lượng tổng cầu bằng cách, nếu cần thiết thì tăng lãi suất nhưng không nên tăng mạnh quá mức, vì vấn đề cung vẫn quan trọng hơn cầu và nền kinh tế Việt Nam cần nuôi dưỡng doanh nghiệp nhất là sau Covid.

Rút kinh  nghiệm các nền kinh tế khác như Anh, khi để nền kinh tế duy trì mức độ chi phí tăng mạnh, doanh nghiệp rơi vào khó khăn lại tăng lãi suất mạnh, doanh nghiệp sẽ biến mất. Khi doanh nghiệp biến mất, lạm phát lại tăng tiếp. Thế nên cần phải giải quyết câu chuyện giá năng lượng, nguyên vật liệu, không nên ảo tưởng rằng tăng lãi suất sẽ giải quyết được lạm phát.

TS. Trương Văn Phước cũng chia sẻ, lãi suất của chúng ta không giảm nữa mà để nguyên, hoặc có thể tăng giảm trong khoảng 0,5-0,75% từ nay đến cuối năm là phù hợp. Không thể tăng ồ ạt vì lãi suất thực của Việt Nam hiện nay rất cao và chưa hẳn tăng lãi suất sẽ kéo lạm phát xuống. Lạm phát năm nay sẽ xoay quanh mức 4%, nếu như xoay quanh mức đó mà lạm phát của thế giới xuống vào 6 tháng cuối năm nay hoặc đầu năm tới, Việt Nam sẽ không bị rơi vào vòng xoáy lạm phát của năm 2023.

Trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế và dự báo cho quý kế tiếp cho các thị trường trong đó có Việt Nam, các chuyên gia của United Overseas Bank (UOB) dự báo, tỷ lệ lạm phát chính của Việt Nam ở mức 3,7% vào năm 2022 và tăng lên 5% vào năm 2023.

YÊN LAM

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.