Investing.com -- Kinh tế Đức tiếp tục suy giảm trong năm 2024, cho thấy nước này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phục hồi tăng trưởng.
Vào ngày 15/1, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố GDP của quốc gia này giảm 0,2% trong năm ngoái, tiếp nối mức giảm 0,3% của năm 2023.
Đây là lần đầu tiên từ đầu những năm 2000, Đức ghi nhận hai năm liên tiếp tăng trưởng âm. Số liệu này được công bố chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử quan trọng tại Đức, trong bối cảnh liên minh cầm quyền tại nước này tan rã vào cuối năm ngoái do bất đồng về cách thức kích thích nền kinh tế.
Carsten Brzeski, Giám đốc vĩ mô toàn cầu của ngân hàng ING, cho rằng thị trường đang kỳ vọng chính phủ mới của Đức sẽ đưa ra kế hoạch dài hạn hơn cho đầu tư và cải tổ nền kinh tế.
Thách thức đối với nền kinh tế Đức được thể hiện rõ qua cuộc khủng hoảng tại Volkswagen (ETR:VOWG_p), nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước này. Vào tháng trước, Volkswagen đã thông báo sẽ thực hiện một loạt thay đổi lớn tại Đức, bao gồm việc cắt giảm hơn 35.000 việc làm và chuyển một phần sản xuất sang Mexico.
Cũng như Volkswagen, Đức đang đối mặt với các yếu tố như chi phí lao động cao, năng suất lao động yếu và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc. Nhu cầu đối với các sản phẩm Đức tại Trung Quốc hiện không còn mạnh mẽ như trước, khi Bắc Kinh đẩy mạnh chiến lược nội địa hóa các sản phẩm.
Brzeski nhận định rằng sản xuất công nghiệp của Đức hiện vẫn thấp hơn 10% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Nếu Tổng thống đắc cử Mỹ ông Donald Trump thực hiện việc tăng thuế nhập khẩu, điều này có thể làm tình hình càng tồi tệ hơn, vì nó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Đức và dòng chảy đầu tư vào quốc gia này.
Vào tháng trước, Ngân hàng Trung ương Đức đã dự báo nền kinh tế tiếp tục trì trệ trong năm nay, và GDP chỉ có thể phục hồi một cách chậm chạp vào năm 2026.
Kể từ sau đại dịch, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã gặp nhiều khó khăn, và mối quan hệ thương mại với Mỹ – một trong những đối tác lớn nhất của Đức – cũng có thể bị ảnh hưởng.
Theo Capital Economics, các khảo sát cho thấy sản xuất trong những tháng tới có thể vẫn tiếp tục trì trệ. Hơn nữa, những thách thức cấu trúc trong ngành công nghiệp ô tô của Đức sẽ tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp khu vực đồng euro trong thời gian dài.