Phát triển các nguồn điện: Nếu không đột phá rất dễ quy hoạch... ’treo’

Ngày đăng 16:55 10/02/2025
Phát triển các nguồn điện: Nếu không đột phá rất dễ quy hoạch... ’treo’

Vietstock - Phát triển các nguồn điện: Nếu không đột phá rất dễ quy hoạch... ’treo’

Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương đề xuất tăng mạnh điện mặt trời khi điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Theo chuyên gia, việc tăng mạnh điện mặt trời trong thời gian ngắn khi hệ thống truyền tải chưa kịp đáp ứng là một thách thức rất lớn. Việc phát triển các nguồn điện lần này, nếu không có giải pháp đột phá rất dễ dẫn tới quy hoạch “treo”.

Lùi điện gió ngoài khơi, tăng điện mặt trời

Trong dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 điều chỉnh (gọi tắt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh), Bộ Công Thương đưa ra 5 kịch bản về công suất đặt nguồn điện và đề xuất chọn kịch bản 5 (kịch bản cao).

Với kịch bản này, Bộ Công Thương tính toán tổng công suất đặt nguồn điện trên cả nước đến năm 2030 (không tính nguồn đồng phát, rủi ro) đạt 211.805 MW, tăng 56.169 MW so với Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt cách đây gần 2 năm.

Để đạt được công suất tăng thêm - tương đương với 23 nhà máy thủy điện Sơn La, Bộ Công Thương đề xuất nới dư địa phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điện nhập khẩu và nguồn nhiệt điện linh hoạt.

Theo đó, điện mặt trời được đề xuất tăng đột biến lên 34.014 MW, tức tăng hơn 25.000MW so với quy hoạch trước đó, tương đương gấp 3,9 lần. Riêng công suất tăng thêm của điện mặt trời đã chiếm khoảng 45% tổng công suất nguồn điện tăng thêm của toàn hệ thống đến năm 2030. Điều này giúp điện mặt trời từ chỗ chỉ chiếm 5,7% trong cơ cấu nguồn điện có thể tăng lên 16% khi điều chỉnh quy hoạch.

Bộ Công Thương đề xuất tăng mạnh điện mặt trời khi sửa Quy hoạch điện VIII.

Cùng với đó, thủy điện tích năng và pin lưu trữ cũng được đề xuất tăng gấp 6 lần từ 2.700 MW lên 15.261 MW; thủy điện tăng khoảng 5.000 MW; điện gió trên bờ, gần bờ tăng hơn 7.000 MW. Còn nguồn điện nhập khẩu từ Trung Quốc, Lào tăng gấp gần 3 lần lên 14.636 MW.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương bỏ 6.000 MW điện gió ngoài khơi ra khỏi quy hoạch vì lo vướng các vấn đề quy hoạch, tiến độ triển khai và chỉ phát triển mạnh trong giai đoạn sau năm 2030.

Trong giai đoạn năm 2031-2050, sau khi có điện hạt nhân đưa vào vận hành, nguồn điện năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục được phát triển mạnh. Nhưng so với Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương điều chỉnh công suất các nguồn điện khá lớn.

Vào năm 2050 - năm cuối trong kỳ quy hoạch, điện mặt trời mái nhà được tăng rất mạnh lên tới hơn 137.000 MW, gấp 3,5 lần so với tính toán trước đó; điện mặt trời tập trung tăng 77.000 MW; thủy điện tích năng và pin lưu trữ tăng lên 11.200 MW, gấp gần 2,5 lần, điện gió trên bờ tăng gần 2.000 MW. Điện gió ngoài khơi dự kiến đạt 138.000 MW, tăng hơn 47.000 MW.

Lý giải việc lựa chọn kịch bản này, Bộ Công Thương cho rằng đây là kịch bản vừa thực hiện chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than, khí nhằm đảm bảo mục tiêu phát thải Net Zero năm 2050, đồng thời có cơ cấu nguồn đa dạng hơn so với các kịch bản khác, quy mô nguồn điện vừa có dự phòng cho tăng trưởng GDP lên mức 2 con số giai đoạn 2026-2030, vừa không yêu cầu phát triển quá lớn.

Cần đồng bộ, tránh quy hoạch “treo”

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Huy Hoạch - chuyên gia Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng, Quy hoạch điện VIII được thực hiện gần 2 năm qua nhưng việc triển khai các dự án điện đều bị ách tắc, chậm tiến độ và chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Nay khi điều chỉnh quy hoạch, nguồn điện dự kiến tăng thêm tới 56.169 MW là một thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp đột phá rất dễ dẫn tới quy hoạch “treo”.

Theo ông Hoạch, việc Bộ Công Thương tăng mạnh điện mặt trời để bù đắp cho các nguồn điện khác trong giai đoạn tới do thời gian xây dựng dự án điện mặt trời nhanh, chỉ từ 3-6 tháng là có thể làm được.

Theo chuyên gia, cần có cơ chế giá hấp dẫn để thu hút đầu tư các nguồn điện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là hiện cơ chế giá điện mặt trời bị tắc từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, thời gian qua các nhà đầu tư cũng nhận ra có nhiều rủi ro khi chính sách liên tục thay đổi; hàng loạt dự án điện mặt trời vi phạm, chậm xử lý gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng đã khiến bất an đối với nhà đầu tư.

“Việc tăng mạnh điện mặt trời cũng sẽ dẫn đến nở rộ trào lưu xây các dự án này gấp nhiều lần giai đoạn vừa qua, khiến hệ thống truyền tải chưa kịp đáp ứng, gây ra tình trạng quá tải hệ thống. Chưa kể, điện mặt trời mái nhà hiện chưa có chính sách để phát triển hệ thống pin lưu trữ dẫn tới việc điều độ nguồn điện này cũng là bài toán rất nan giải”, ông Hoạch nói và cho rằng xu hướng của thế giới là đầu tư điện mặt trời phải đầu tư pin lưu trữ nên tất cả cần phải đồng bộ.

Với thủy điện tích năng, Bộ Công Thương muốn tăng gấp 6 lần so với quy hoạch nhưng hiện mới có thủy điện tích năng Bác Ái triển khai, công suất 1.200 MW, dự kiến đưa vào vận hành năm 2028, còn thủy điện tích năng Phước Hòa vẫn chưa có chủ đầu tư. Đặc biệt, do chưa có khung giá thủy điện tích năng hấp dẫn nên các nhà đầu tư chưa mặn mà xem xét đầu tư vào nguồn điện này.

"Với nguồn lực đầu tư cho ngành điện trong giai đoạn tới rất lớn. Nếu không có chính sách đột phá về giá mua bán điện để thu hút nguồn vốn các nhà đầu tư, việc triển khai khó khả thi”, ông Hoạch nói.

Vị chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang bàn về việc áp dụng giá điện hai thành phần, nhưng hiện mới chỉ bàn áp dụng giá công suất với bên mua mà chưa bàn với bên bán điện. Do đó, ngoài việc xác định khung giá cho thủy điện tích năng, cần đưa thêm giá công suất vào tính toán cho thủy điện tích năng để phù hợp với xu thế chung về cách tính giá bán điện đang thực hiện trên thế giới.

Dương Hưng

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.