Vietstock - Chuyển đổi logistics thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU
Những năm qua, EVFTA đóng vai trò là đòn bẩy giúp Việt Nam-EU duy trì đà tăng trưởng trong hợp tác thương mại song phương, bất chấp tác động tiêu cực từ COVID-19 cũng như xung đột địa chính trị.
Diễn đàn logistics khu vực châu Âu-châu Mỹ. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
|
Chiều 23/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn logistics khu vực châu Âu-châu Mỹ với chủ đề "Nắm bắt cơ hội từ EVFTA và các thay đổi của ngành logistics để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU."
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương thông tin, năm 2024 đánh dấu 4 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực. Những năm qua, EVFTA đóng vai trò là đòn bẩy giúp Việt Nam-EU duy trì đà tăng trưởng trong hợp tác thương mại song phương, bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 cũng như các xung đột địa chính trị.
Tính riêng 8 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-EU đạt gần 45 tỷ USD, tăng 15,8%; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 34,1 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2023.
Theo bà Hiền, những con số này phản ánh sự hồi phục kinh tế tại EU và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội từ EVFTA mang lại; trong đó, có sự đóng góp tích cực từ ngành logistics Việt Nam và các đối tác tại EU.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do sự khó đoán định của thị trường, sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại EU còn khá mong manh, trong khi xung đột chính trị, quân sự ở nhiều khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu đích, đặc biệt là EU ngày càng đòi hỏi cao hơn việc xanh hoá chuỗi giá trị bao gồm sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Trong bối cảnh đó, để gia tăng hiệu quả xuất khẩu, cùng với nỗ lực của doanh nghiệp sản xuất, ngành logistics Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hạ tầng, nâng cao năng lực vận hành và giảm thiểu chi phí để cạnh tranh.
Ông Chandler So, Giám đốc điều hành GEODIS Vietnam cho biết, việc Việt Nam tham gia nhiều FTA như CPTPP, EVFTA đã giúp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất phục vụ xuất khẩu. Các cuộc chiến thương mại và đại dịch đã buộc các nhà sản xuất phải đa dạng hóa mạng lưới vận chuyển. Những yếu tố này giúp Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất hàng đầu tại ASEAN.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của EU. Theo đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu điện thoại, sản phẩm điện tử, giày dép, thiết bị máy móc, dệt may. Trong khi đó EU xuất khẩu sang Việt Nam máy tính và linh kiện điện tử, máy móc và dụng cụ, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, thức ăn chăn nuôi.
Ông Chandler So, Giám đốc điều hành GEODIS Vietnam thông tin quan hệ Việt Nam-EU tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
|
Ông Carlos Zepeda, chuyên gia kinh tế hàng hải cao cấp cho biết, tăng trưởng sản xuất và nhu cầu đầu vào liên quan đã thúc đẩy thương mại hàng hải của Việt Nam trong 20 năm qua. Dân số đông và gần các thị trường lớn là động lực chính thúc đẩy khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam.
Các liên kết với chuỗi giá trị khu vực cùng với chi phí lao động thấp đã biến Việt Nam thành cơ sở xuất khẩu cho nhiều công ty đa quốc gia với một số mức độ tập trung đang diễn ra. Đây là nền tảng thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics vẫn là lĩnh vực non trẻ tại Việt Nam, phải đối mặt với nhiều hạn chế như các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng tập trung vào số lượng hơn là chất lượng khi hầu hết cơ sở cảng đều có quy mô nhỏ và không được xây dựng theo nhu cầu công nghiệp. Các cảng và khu công nghiệp thường tách biệt khiến việc kết hợp cơ sở hạ tầng trở nên khó khăn.
Về quan hệ thương mại với EU, chuyên gia Carlos Zepeda cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một nhà cung cấp hàng tiêu dùng, thời trang chính cho châu Âu, chỉ sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Việt Nam cũng đã tự định vị là nhà cung cấp chính các sản phẩm có giá trị gia tăng khác khi trở thành nhà cung cấp hàng công nghệ cao lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Với tốc độ tăng trưởng sản xuất như hiện nay, dự báo khối lượng thương mại container giữa Việt Nam và châu Âu có thể tăng gấp đôi vào năm 2050.
Theo vị chuyên gia này, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam là nguyên liệu, năng lượng, quy mô thị trường, lao động và chuyên môn, môi trường kinh doanh, sự tích hợp của chuỗi cung ứng và hạ tầng. Việt Nam cần nỗ lực cải thiện hạ tầng, tích hợp hoạt động cảng quy mô lớn, kết hợp với các khu, cụm công nghiệp để tối đa hiệu suất và cắt giảm chi phí logistics.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ thông tin, trước dịch COVID-19, hoạt động logistics của EU phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau COVID-19, nhiều cảng biển rơi vào tình thế thiếu nhân lực trầm trọng. Xung đột Nga-Ukraine khiến nhiều cảng, chuyến vận tải biển tại Nga, Ukraina bị hạn chế hoạt động, cả vận tải đường sắt liên vận cũng bị gián đoạn. Căng thẳng Biển Đỏ càng làm cho hoạt động vận chuyển hàng hóa đến và đi từ EU gặp khó khăn.
Giá cước vận tải đường biển từ Việt Nam sang EU đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm 2024, nhiều container sản phẩm có giá trị thấp hơn cả giá cước vận chuyển khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó, EU tiếp tục yêu cầu chuyển đổi trong hệ thống logistics, nổi bật nhất là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm giảm nhu cầu nhân lực; hợp tác và đổi mới tạo ra hiệu quả và cắt giảm chi phí. Ngoài Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú ý việc EU yêu cầu kiểm soát phát thải đối với vận tải hàng hải, điều này có thể làm gia tăng chi phí logistics quốc tế.
Các chuyên gia chia sẻ thông tin về hệ thống logistics tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
|
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ, thách thức của các doanh nghiệp cảng Việt Nam hiện nay là cơ sở hạ tầng hạn chế, chỉ tiếp nhận được tàu có tải trọng từ 14.000 Teu trở xuống, trong khi đó các tàu biển của các hãng tàu lớn, đi từ EU thường có tải trọng từ 24.000 Teu.
Thêm vào đó, khoảng 2-3 trở lại đây, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường giảm khiến lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng cũng sụt giảm đáng kể. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa kỳ, EU biến động liên tục lúc tăng nhanh, lúc sụt giảm. Biến động giá cước cũng ảnh hưởng đến hoạt động của cảng.
Trong bối cảnh EU nói riêng, các thị trường phát triển đòi hỏi tiêu chuẩn xanh về chuỗi cung ứng, hệ thống cảng của Tân Cảng Sài Gòn đã chủ động chuyển đổi sang hệ thống năng lượng mặt trời; ứng dụng tự động hóa nhằm tối ưu quy trình giao nhận hàng hóa; chuyển phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Đến nay Tân Cảng đã có 2 cảng là Cát Lái tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cái Mép tại Bà Rịa-Vũng Tàu đạt tiêu chuẩn cảng xanh châu Á. Tân Cảng Sài Gòn cũng tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác với các hãng tàu, cảng quốc tế trong việc xanh hóa chuỗi logistics để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU./.
Xuân Anh