Theo Ambar Warrick
Investing.com -- Dữ liệu vào thứ Ba cho thấy lạm phát tiêu dùng tại thủ đô của Nhật Bản đã tăng hơn dự kiến vào tháng 12, cho thấy áp lực giá cả trên toàn quốc cũng gia tăng tương tự khi nước này phải vật lộn với chi phí nguyên vật liệu cao và đồng yên yếu.
Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Tokyo (CPI) đã tăng 4% trong tháng 12, cao hơn kỳ vọng về mức tăng trưởng hàng năm là 3,8% và mức 3,6% của tháng trước. Số liệu này hiện ở mức cao nhất kể từ giữa năm 1982, theo số liệu từ Cục Thống kê.
Lạm phát chung ở Tokyo đã tăng 4% trong tháng 12, so với mức 3,8% của tháng trước. Con số này cũng ở mức cao nhất trong 40 năm.
Lạm phát ở thủ đô của Nhật Bản - thành phố lớn nhất trong nước - thường đóng vai trò là chỉ báo cho xu hướng lạm phát rộng hơn, với kết quả mới nhất cho thấy áp lực giá sẽ còn rất lâu nữa mới quay về trong phạm vi 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Lạm phát trên toàn quốc cũng tăng lên mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 11 và dự kiến sẽ có xu hướng cao hơn trong những tháng tới.
Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng đột biến từ năm 2022, chủ yếu là do đồng yên mất giá mạnh khi chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế ngày càng lớn.
Giá hàng hóa cao - đặc biệt là năng lượng nhập khẩu - cũng làm tăng lạm phát trong nước, đặc biệt là sau khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ukraine.
Tỷ lệ lạm phát cao đã làm dấy lên kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhật Bản cuối cùng sẽ thắt chặt chính sách cực kỳ nới lỏng trong năm nay để ngăn chặn áp lực tăng giá hơn nữa, đặc biệt là khi tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đang bị ảnh hưởng bởi đà tăng giá.
Ngân hàng trung ương đã bất ngờ có quan điểm thắt chặt trong cuộc họp tháng 12 sau khi mở rộng phạm vi cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ dao động.
Điều này đã kích hoạt một đợt tăng giá mạnh của đồng yên và thúc đẩy kì vọng rằng cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa. Tuy nhiên, ngân hàng không đưa ra tín hiệu nào cho thấy họ sẽ thực hiện thêm các động thái như vậy.
Nhật Bản đã áp dụng chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng trong gần một thập kỷ, mặc dù tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong những năm gần đây.