Vietstock - Trọng cung hay trọng cầu?
Trọng cung hay trọng cầu? Câu trả lời phải dựa trên kết quả cân đối hài hòa giữa tiêu dùng trong nước, dự trữ và xuất khẩu gạo.
Ảnh minh họa
|
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang diễn ra ở các quốc gia do tác động của thiên tai, dịch bệnh, xung đột vũ trang và giá cả lương thực leo thang... thì câu chuyện tăng hay giảm, thậm chí hạn chế xuất khẩu gạo Việt lại trở nên nóng như đã từng xảy ra vào năm 2008 (khi ĐBSCL gặp trận hạn mặn lịch sử) và năm 2020 (do tác động của dịch Covid-19).
Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 gây chú ý khi nêu ra “3 vòng xoáy đi xuống” của vùng đất giàu tiềm năng nhưng nhiều thách thức này. Nếu như 2 vòng xoáy ngân sách và lao động được nhận diện với sự đồng thuận cao, thì dòng xoáy thứ ba về “cơ cấu kinh tế vùng” liên quan đến vai trò, vị trí và cách ứng xử với cây lúa, hạt gạo đồng bằng sắp tới có sự tranh luận sôi nổi, cần thống nhất nhận thức và hành động.
Theo đó, vòng xoáy cơ cấu kinh tế vùng được cho là bị thiên lệch trong việc thực thi sứ mệnh an ninh lương thực. Một thời gian dài, ĐBSCL phải ưu tiên giữ đất trồng lúa. Đầu tư hệ thống thủy lợi, đê bao ngăn mặn, giữ ngọt… chủ yếu phục vụ thâm canh, tăng vụ lúa. Sản lượng lúa trở thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các tỉnh, mà đúng ra phải là giá trị thay cho sản lượng hiện vật.
Ngành hàng lúa gạo cần được chuyển đổi bằng tư duy mới, cách tiếp cận mới, bằng công nghệ, linh hoạt với thị trường để tạo ra giá trị mới, chứ không phụ thuộc vào việc giảm diện tích đất trồng lúa cơ học hay mệnh lệnh hành chính cấm hoặc hạn chế xuất khẩu gạo. Việc thay đổi tư duy sản xuất và xuất khẩu gạo là đúng, đã nói đến nhiều, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa làm được và sắp tới phải làm như thế nào để nông dân được hưởng lợi nhiều hơn?
Trọng cung hay trọng cầu? Câu trả lời phải dựa trên kết quả cân đối hài hòa giữa tiêu dùng trong nước, dự trữ và xuất khẩu gạo. Cần xây dựng cơ chế điều hành xuất khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là yêu cầu đặt ra nhiều năm nay.
Nhà nước tham gia chuỗi giá trị lúa gạo với vai trò của một tác nhân quan trọng. Nhà nước hoạch định cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo sản xuất lúa, điều tiết thị trường, xuất khẩu gạo gắn với chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước đã mang lại thành tựu to lớn cho ngành lúa gạo nhưng cũng còn nhiều cơ chế, chính sách bất cập, chưa đi vào trọng tâm, không đồng bộ, chậm đi vào cuộc sống, thực hiện rời rạc, lãng phí nguồn lực.
Không thể bỏ qua yêu cầu tiếp cận an ninh lương thực theo đường cung, thể hiện qua các chính sách về đổi mới tổ chức sản xuất, đảm bảo an toàn sản xuất, cung ứng và dự trữ lương thực quốc gia. Tuy nhiên, cần phải tiếp cận an ninh lương thực gắn với vai trò của ngành hàng, trong đó có việc xuất khẩu gạo và tiêu thụ nội địa. Tiếp cận an ninh lương thực theo đường cầu thể hiện qua các chính sách về đảm bảo an toàn nhu cầu lương thực, đa dạng sinh kế, gắn với xây dựng nông thôn mới; đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho người dân, thu nhập cho người trồng lúa.
Trở lại câu hỏi sắp tới xuất khẩu gạo Việt Nam nên trọng cung hay trọng cầu? Câu trả lời không quan trọng hơn cách làm, phải trọng cầu, phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường nhưng cũng không thể bỏ qua “năng lực cung”.
Ngành lúa gạo nước ta cần vượt qua dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống để bước sang kinh tế tri thức, tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu, thích ứng linh hoạt với thị trường.
Tái cấu trúc ngành hàng và thị trường gạo đang là đòi hỏi bức bách hơn là định chỉ tiêu xuất khẩu, hay lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu gạo với “chiếc áo” đảm bảo cái ăn mơ hồ. Vai trò của các cơ quan nhà nước với các vấn đề xuyên suốt vượt ra ngoài khuôn khổ nông nghiệp truyền thống, cần bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân nhiều hơn bằng chính sách và công cụ mà chỉ Nhà nước mới có.
TS TRẦN HỮU HIỆP