Vietstock - Tranh cãi về việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Khi xăng dầu được vận hành theo thị trường thì nên bỏ quỹ bình ổn, song nếu xăng dầu vẫn chưa được vận hành theo thị trường thì nên giữ quỹ này.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó đưa ra đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, mục đích của đề xuất này là để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
Đề xuất này của Bộ Tài chính thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi giá xăng dầu tăng ở mức kỷ lục.
Quỹ bình ổn giống như “hồ điều hòa”
Theo quy định hiện hành, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Hiểu một cách đơn giản, tiền đóng góp vào quỹ là của dân, Nhà nước không bỏ nguồn lực nào vào quỹ.
Cụ thể, khi giá xăng dầu ở mức thấp, người mua trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá tăng cao, tức người dân nộp tiền trước để bình ổn cho chính mình. Các công ty xăng dầu chỉ thu hộ và giữ hộ, còn cơ quan chức năng sẽ điều tiết quỹ để giữ giá xăng dầu ổn định, tránh gây sốc cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Dự thảo sửa đổi Luật Giá đã đề xuất xóa Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá lên xuốngtheo thị trường. Ảnh: PHI HÙNG |
Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập. Thời điểm trích lập quỹ phải phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo bằng văn bản để các thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 12 kỳ tăng giá trong tổng 15 kỳ điều hành. Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và giá xăng dầu tăng cao, liên bộ Công Thương - Tài chính đã liên tục sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít tùy loại, qua đó nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước. Song có thời điểm quỹ được điều hành chưa nhịp nhàng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận: Việt Nam có lạm phát tâm lý nên khi xăng dầu tăng giá sẽ kéo theo giá nhiều mặt hàng khác tăng theo khiến người dân bị ảnh hưởng. Lúc này, Quỹ bình ổn giá xăng dầu giống như “hồ điều hòa, khi no để dành, khi đói bỏ ra dùng” nên có giá trị rất nhiều.
Bộ Tài chính cho biết số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý I-2022 âm gần 170 tỉ đồng. |
“Thời gian qua, giá thế giới tăng mạnh nhưng ở trong nước tăng thấp hơn. Song quỹ thì có mức độ, do vậy không thể lạm dụng quỹ. Bên cạnh đó, nếu bàn đến vấn đề bỏ quỹ thì cũng cần biện pháp thay thế để đảm bảo hạn chế thấp mức tăng giá tác động đến người dân và doanh nghiệp. Nếu bỏ quỹ thì giá xăng dầu có thể tăng sốc, giật cục. Lúc đó làm thế nào?” - ông Hải đặt vấn đề.
Nên bỏ quỹ khi giá xăng dầu vận hành theo thị trường
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay liên quan đến quỹ bình ổn, lâu nay có hai luồng ý kiến trái chiều là “giữ và bỏ”. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng nên bỏ quỹ này vì theo cơ chế thị trường, do thị trường tự điều tiết. Hơn nữa, quỹ này về bản chất là do người tiêu dùng tự bỏ tiền ra, trong khi nhiệm vụ bình ổn đáng lẽ là của Nhà nước. Ngược lại, cơ quan chức năng cho rằng vẫn nên giữ quỹ này, đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước còn định giá và tần suất điều chỉnh giá tương đối dài, 10-15 ngày.
“Bản thân tôi cho rằng nếu thời gian điều hành giá xăng dầu được rút xuống còn 2-3 ngày/lần thì nên bỏ quỹ bình ổn. Vì với tần suất điều hành ngắn như vậy, việc cân nhắc mức trích quỹ, xả quỹ bao nhiêu cho phù hợp cũng rất phức tạp, khó điều hành. Còn với tần suất điều hành 10 ngày/lần như hiện nay thì không nên bỏ quỹ bình ổn” - ông Long nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), cũng cho rằng khi xăng dầu được vận hành theo thị trường thì nên bỏ quỹ bình ổn, song nếu xăng dầu vẫn chưa được vận hành theo thị trường thì chưa nên bỏ quỹ bình ổn.
“Thời gian qua, quỹ bình ổn đã thể hiện khá tốt vai trò của mình. Nhưng hiện nay đã đến thời điểm chín muồi để mặt hàng xăng dầu được vận hành theo cơ chế thị trường, tôn trọng các nguyên tắc thị trường” - ông Bảo nhấn mạnh.
Về những lo lắng khi không còn quỹ bình ổn thì dư địa nào để giảm giá xăng dầu, ông Bảo cho hay: Về cơ bản ở thị trường nào cũng vậy, đều có phương thức để làm dịu bớt áp lực tăng giá xăng dầu. Có thể can thiệp bằng các công cụ thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ giá xăng dầu tăng cao.
“Một số nước như Thái Lan có quỹ dự phòng của nhà nước, còn đa số các nước chủ yếu kìm giá xăng dầu thông qua công cụ thuế và phí là chính. Như thế mới minh bạch” - lãnh đạo Vinpa cho hay.
Ở góc nhìn khác, một công ty phân phối xăng dầu lớn cho rằng có thể bỏ quỹ bình ổn cho xăng nhưng nên tiếp tục có quỹ bình ổn cho mặt hàng dầu. Vì dầu là tư liệu sản xuất của nền kinh tế. Tuy vậy, vấn đề không chỉ là quỹ bình ổn mà quan trọng hơn là cần có cơ chế hợp lý để cả hệ thống kinh doanh xăng dầu có thể vận hành tốt, minh bạch và bình đẳng.
Bộ Công Thương cân nhắc việc bỏ quỹ bình ổn Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho hay: Tính từ đầu năm đến kỳ điều hành ngày 13-6, giá bình quân mặt hàng xăng dầu thế giới đã tăng 41,36%-84,35%. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 24,42%-62,44%. Mức tăng như trên giúp kiềm chế đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng chỉ với 2,25% sau năm tháng đầu năm, trong khi các nước lân cận mức lạm phát cao hơn nhiều. Việc điều hành giá hiệu quả như vậy là nhờ có sự tham gia quan trọng từ các giải pháp vĩ mô của kinh tế Việt Nam, cũng như có vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Về việc sửa Luật Giá, nhiều chuyên gia có ý kiến đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ. Đặc biệt cần tham khảo ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đối với việc có nên bỏ quỹ này đi không trong bối cảnh thời gian qua, quỹ đã hỗ trợ hiệu quả cho việc giá xăng dầu không tăng quá sốc và tránh những cộng hưởng từ việc tăng giá” - bà Nga nói. |
AN HIỀN