Vietstock - Doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán vì than “phi mã”
Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đồng loạt tăng giá. Đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ 2 trong năm nay nhằm đảm bảo cân bằng hiệu quả sản xuất kinh doanh vì chi phí đầu vào đang tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp tăng giá xi măng
|
Hiện nay, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng tăng cao, đặc biệt là than đã làm tăng giá thành phẩm sản xuất xi măng. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, một số doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh giá bán các sản phẩm xi măng của mình từ đầu tháng 5.
Như vậy, đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ 2 của các doanh nghiệp xi măng nhằm đảm bảo cân bằng hiệu quả sản xuất kinh doanh vì chi phí đầu vào đang tăng cao và nhanh. Trong đợt điều chỉnh tăng giá hồi tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay, phần lớn các doanh nghiệp doanh nghiệp sản xuất xi măng đều có mức tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn sản phẩm.
Từ ngày 4/5 vừa qua, Ban Kinh doanh nội địa thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai đã có Tờ trình xin chủ trương tăng giá đối với các sản phẩm xi măng bao và rời do Tập đoàn The Vissai sản xuất. Mức giá mới tăng thêm 80.000 đồng/tấn kể từ ngày 10/5 để đảm bảo sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm.
Tương tự, từ ngày 6/5, Xí nghiệp Tiêu thụ Xi măng VICEM Bút Sơn thông báo sẽ tăng giá bán sản phẩm các sản phẩm xi măng. Với xi măng bao dân dụng PCB30, PCB40, MC25, C91 và xi măng bao PCB30, PCB40 sử dụng vỏ bao dán đáy công trình có mức tăng 50.000 đồng/tấn. Cùng đó, xi măng rời PCB30, PCB40 (bao gồm cả xi măng đóng bao Jumbo, vỏ bao Jumbo của khách hàng) tăng 70.000 đồng/tấn. Mức tăng này đã bao gồm cả VAT.
Các doanh nghiệp sản xuất xi măng phản ánh, tình hình thị trường vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng chưa có dấu hiệu giảm. Đặc biệt từ ngày 27/4, giá than thế giới tiếp tục tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất clinker, xi măng.
Công ty cổ phần Xi măng VICEM Bỉm Sơn (HN:BCC) tính toán, mức độ ảnh hưởng của giá than tăng lần này đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của clinker gần 85.000 đồng/tấn, bao PCB30 xấp xỉ 50.000 đồng/tấn, bao PCB40 gần 58.000 đồng/tấn, rời PCB40 công nghiệp trên 65.000 đồngtấn.
Trước tình huống khó khăn do giá than “phi mã”, VICEM Bỉm Sơn cho biết, sau khi thống nhất về lộ trình tăng giá trên các địa bàn với một số doanh nghiệp sản xuất xi măng, từ ngày 10/5, VICEM Bỉm Sơn chính thức có thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm. Theo đó, ciá bán xi măng bao, rời của thương hiệu này tăng 70.000 đồng/tấn; giá xuất khẩu xi măng và clinker tăng 95.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).
Cũng trong ngày 10/5, Công ty cổ phần xi măng VICEM Hoàng Mai cũng bắt đầu điều chỉnh giá bán với mức tăng khoảng 70.000 đồng/tấn sản phẩm tùy loại.
Lần tăng giá thứ 2 của các doanh nghiệp xi măng chỉ cách lần tăng đầu tiên trong năm chưa đầy 2 tháng và mức tăng nhẹ hơn lần trước. Trong tháng 5 sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng tiếp tục công bố tăng giá bán sản phẩm để bù đắp một phần chi phí trước sự tăng giá nhanh của các loại chi phí đầu vào. Mặt bằng giá xi măng tăng cao được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến giá xây dựng, giá bất động sản.
Công bố báo cáo tài chính quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng cho thấy kết quả không mấy khả quan. Nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng giá cùng với sự cạnh tranh trên thị trường đã khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này suy giảm.
Là thương hiệu mạnh với doanh thu quý I tăng trưởng nhưng lợi nhuận Công ty Cổ phần VICEM Hà Tiên 1 vẫn giảm gần 74% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 25 tỷ đồng. Đây là thời điểm VICEM Hà Tiên đạt mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quý I/2018 đến nay. Tương tự, Công ty Cổ phần VICEM Thạch cao Xi măng quý vừa qua cũng lỗ thêm gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 và là mức lỗ nặng nhất trong vòng 13 năm qua.
Theo VICEM Hà Tiên, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp xi măng sụt giảm mạnh do áp lực chi phí lớn. Trong quý I/2022, giá than, dầu, thạch cao và nhiều nguyên liệu khác tăng vọt dưới tác động của xung đột Nga - Ukraine. Gánh nặng này khiến VICEM Hà Tiên giảm hơn 76 tỷ đồng lợi nhuận gộp. VICEM Thạch cao Xi măng lại chịu sức ép từ chi phí vận chuyển, bốc xếp vì khoản này tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng chung khó khăn này, Công ty Cổ phần xi măng VICEM Hải Vân có doanh thu giảm hơn 17%, lợi nhuận sau thuế giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. VICEM Hoàng Mai tuy lãi sau thuế nhích nhẹ so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh lại giảm đến 93%, chỉ ở mức 19 triệu đồng. Lãi của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến gấp 3 lần.
Than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35 - 40% giá thành sản xuất xi măng. Tuy nhiên, hiện nay, gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu khiến giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than thị trường quốc tế./.
Thu Hằng