Investing.com -- Giá các mặt hàng dầu thô đồng loạt lao dốc trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại Trung Đông có dấu hiệu hạ nhiệt và tâm lý nghe ngóng của thị trường trước ngày OPEC+ họp bàn chính sách về sản lượng.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến tương đối trái chiều trong tuần giao dịch vừa qua (25/11-1/12). Đóng tuần, lực bán chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,6% xuống 2.184 điểm. Đáng chú ý, trên thị trường năng lượng, giá dầu thô đồng loạt lao dốc trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt và tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn. Đi ngược với xu hướng, nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận đà tăng mạnh, trong đó giá hai mặt hàng cà phê có tuần tăng ấn tượng.
Giá cà phê trải qua tuần tăng sốc
Khép lại tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh áp đảo trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, trong đó nổi bật nhất là hai mặt hàng cà phê.
Giá cả hai mặt hàng này có tuần tăng thứ 4 liên tiếp và xác lập thêm nhiều kỷ lục mới. Giá cà phê Arabica tăng hơn 5% lên 7.011 USD/tấn, có thời điểm chạm mức cao nhất trong 47 năm; giá cà phê Robusta đã từng vượt mốc 5.500 USD/tấn, thiết lập đỉnh lịch sử mới. Yếu tố đầu cơ kết hợp cùng lo ngại về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất chính vẫn là những nguyên nhân quan trọng hỗ trợ giá.
Yếu tố đầu cơ tiếp tục được đẩy mạnh, một phần do sự dịch chuyển dòng tiền từ các thị trường trú ẩn sang các kênh đầu tư sinh lời như cà phê, phần khác đến từ kỳ vọng nguồn cung từ các nước sản xuất cà phê lớn chưa có sự cải thiện.
Thông tin cung - cầu cà phê chuyển dịch theo hướng gia tăng lo ngại về nguồn cung tại Brazil và Việt Nam. Điều này giúp gia tăng những hỗ trợ quan trọng với giá.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (2/12) ghi nhận ở mức 129.500-130.500 đồng/kg, giảm nhẹ 200 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê hiện đã tăng hơn gấp đôi.
Giá dầu thô lao dốc khi căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt
Theo MXV, giá các mặt hàng dầu thô đồng loạt lao dốc trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại Trung Đông có dấu hiệu hạ nhiệt và tâm lý nghe ngóng của thị trường trước ngày OPEC+ họp bàn chính sách về sản lượng.
Giá dầu thô WTI giảm tới 4,55% trong tuần vừa rồi xuống còn 68 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 2,97% xuống dưới 73 USD/thùng.
Tại Trung Đông, Israel và nhóm vũ trang Hezbollah đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 27/11. Điều này giúp xoa dịu tâm lý lo ngại của thị trường về khả năng nguồn cung dầu thô từ khu vực này bị gián đoạn do chiến tranh, và đã gây áp lực lớn lên giá dầu trong tuần trước.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng giao dịch với tâm lý thận trọng, khi chờ đợi cuộc họp chính sách tháng 12 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Tuần trước, OPEC+ thông báo sẽ lùi cuộc họp chính sách sang ngày 5/12, thay vì ngày 1/12 dự kiến ban đầu.
Các nguồn tin cho biết, một số thành viên của OPEC+ đang thảo luận về việc tiếp tục trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng cho tới hết quý I/2025, do lo ngại nhu cầu tăng trưởng chậm trong khi nguồn cung dầu thô bên ngoài khối gia tăng.
Ngoài ra, dữ liệu tiêu cực về tồn kho nhiên liệu tại Mỹ cũng góp phần tác động lên giá dầu thô. Cụ thể, theo báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 22/11 đạt 428,4 triệu thùng, giảm 1,8 triệu thùng so với một tuần trước.
Tuy nhiên, mức giảm tồn kho chủ yếu do Mỹ nhập khẩu ít dầu hơn, khi nhập khẩu ròng dầu thô của nước này đạt trung bình 1,4 triệu thùng/ngày trong tuần đánh giá, giảm 1,9 triệu thùng/ngày so với tuần trước. Bên cạnh đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất trong tuần đánh giá tăng lần lượt 3,31 và 0,42 triệu thùng so với một tuần trước, cho thấy nhu cầu nhiên liệu của Mỹ có sự sụt giảm.