Vietstock - Can thiệp giảm giá xăng dầu: Sẽ kéo theo nhiều hệ lụy
Theo PGS (HN:PGS).TS, chuyên gia kinh tế Ðinh Trọng Thịnh, Việt Nam hiện điều hành giá xăng dầu theo biến động giá xăng dầu thế giới, chu kỳ 10 ngày/lần. “Việc can thiệp giảm giá xăng dầu sẽ đi ngược lại kinh tế thị trường, mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế”, ông Thịnh nói.
Chuyên gia Ðinh Trọng Thịnh |
Trách nhiệm Bộ Công Thương
Ông có thể chỉ ra nguyên nhân giá xăng dầu hiện nay ở Việt Nam tăng cao và xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung?
Từ năm 2021, nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục sau COVID-19, giá xăng dầu đã ở mức cao vì nhu cầu cao từ sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, tình hình biến động về địa chính trị ở một số nơi trên thế giới như căng thẳng Nga - Ukraine, bầu cử ở Lybia… gây tâm lý lo ngại về nguồn cung xăng dầu. Thứ ba, nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu phải sử dụng phần lớn kho dự trữ xăng dầu, khí đốt trong mùa đông, chưa phục hồi được. Trong năm 2022, xu hướng giá xăng dầu trên thế giới vẫn tiếp tục tăng.
Phải tính được nhu cầu xăng dầu của người dân, phải tính được lượng dự trữ cần thiết trong điều kiện bình thường, bất thường. Ảnh: TTXVN |
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá dầu thô trên thế giới có thể tăng lên 100 đến 150USD/thùng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở điều kiện bình thường không xảy ra các vấn đề quốc tế nghiêm trọng, giá sẽ neo 80 đến 90USD, hoặc biến động một chút. Mức giá này là hợp lý, chấp nhận được với nền sản xuất hiện tại. Nếu vượt mốc 100USD, chi phí sản xuất tăng cao, kéo theo giá xăng cũng cao khiến cho doanh nghiệp phải tính toán giảm sản xuất, giảm mua xăng dầu. Các quốc gia sản xuất xăng dầu không mong muốn điều này.
Giá xăng dầu thế giới tăng thì Việt Nam cũng sẽ tăng. Hiện Việt Nam đã tự chủ hơn về nguồn cung xăng dầu. Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn đảm bảo sản xuất, tiêu thụ trong nước khoảng 70%, còn 30% nhập khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, cả nhà máy Bình Sơn, Nghi Sơn vẫn phải nhập dầu thô từ nước ngoài về chế biến.
Từ cuối năm 2021, chúng ta chuyển trạng thái sang phục hồi kinh tế. Thời gian này, giá xăng dầu thế giới đang ở mức cao. Chính phủ đã yêu cầu sử dụng Quỹ bình ổn, giữ mức tăng giá thấp hơn mức tăng thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Thời điểm này, mức tăng giá của Việt Nam chỉ khoảng 52%, nhưng trên thế giới tăng khoảng 60%. Việc sử dụng Quỹ bình ổn cũng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn để chống sốc, chứ không thể kéo dài. Đến đầu năm 2022, trong khi giá xăng dầu thế giới tăng thì cơ quan chức năng bỏ qua một kỳ điều hành giá (vào đúng mồng 1 Tết). Đến 11/2 mới điều chỉnh, gộp 2 kỳ nên mức tăng khá cao. Khi so sánh giá mua vào và bán ra, nhiều doanh nghiệp sẽ lỗ, họ có tâm lý không bán, nên nhiều nơi thiếu nguồn cung xăng dầu. Đúng đợt này lại có chuyện nhà máy Nghi Sơn báo giảm công suất, thậm chí có tin ngừng sản xuất, nên doanh nghiệp đầu mối càng e ngại thiếu nguồn cung. Đáng lẽ Bộ Công Thương phải chỉ đạo các đầu mối nhập khẩu ngay để bù đắp, kể cả với giá cao. Nhưng kể cả có nhập khẩu gấp thì giá vẫn sẽ cao. Chính điều này làm cho các doanh nghiệp đầu mối, các cửa hàng nghĩ chắc chắn giá xăng dầu sẽ còn tăng, một số găm hàng lại.
Không thể can thiệp giảm giá
Theo ông, có thể giảm giá xăng dầu không, Nhà nước cần sử dụng biện pháp nào?
Một số chuyên gia cho rằng, nên giảm thuế, hạ cái này, cái kia để giảm giá xăng dầu, nhưng theo tôi thì không thể hạ được, bởi theo tính toán, hiện nay mức thuế trong giá xăng dầu chiếm 38 - 39% thôi, thấp hơn so với mức cuối năm 2021 (khoảng 42%). Mức thuế này hiện thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Ví dụ, thời điểm cuối năm 2021, nếu tôi không nhầm, mức thuế ở Campuchia là 49%, ở Lào là 56,5%, Trung Quốc là 52,5%, Philippines là 49,5%, Hong Kong 76%, Singapore 67%... Một điều nữa, giá xăng dầu ở Việt Nam hiện đứng thứ 70 từ thấp đến cao trong 168 quốc gia, tức là giá xăng dầu của chúng ta thấp hơn 98 quốc gia khác, và cũng thấp hơn mức bình quân của thế giới. Nếu so sánh với một số quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Philippines, giá xăng dầu của Việt Nam đều đang thấp hơn. Nếu chúng ta can thiệp hạ giá xăng dầu thì có thể phát sinh tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới, kéo theo nhiều hệ luỵ. Như vậy, rõ ràng là chúng ta không thể can thiệp để hạ giá xăng dầu như một số yêu cầu. Kể cả sử dụng Quỹ bình ổn cũng chỉ để hỗ trợ giảm sốc thời gian đầu để doanh nghiệp vực dậy sau COVID-19. Chúng ta phải điều hành giá theo thế giới.
Để giảm bớt khó khăn, doanh nghiệp có thể tính toán đưa chi phí xăng dầu vào hàng hoá, dịch vụ của mình. Tất nhiên, lúc đầu sẽ ít người mua hơn, nhưng ai cũng sẽ thông cảm vì khi tăng chi phí sản xuất thì phải tăng giá thành. Doanh nghiệp cũng nên tính toán lại về hoạt động, ví dụ doanh nghiệp vận tải làm thế nào để chạy hàng hai chiều, không để chạy xe rỗng, hoặc giảm thiểu chi phí năng lượng, chi phí logistics, chi phí kiểm định, kho tàng, sân bay… Còn với người dân, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, mọi người dân đều được hưởng và khó có thể hỗ trợ riêng liên quan đến giá xăng dầu.
Không thể nào giảm giá xăng dầu. Bởi vì “nước nổi bèo nổi”, giá thế giới thế nào mình phải điều chỉnh theo như thế. Mình không thể đi ngược lại kinh tế thị trường. Một số chuyên gia, doanh nghiệp kêu gọi Nhà nước hỗ trợ thì chỉ có quay lại thời bao cấp”. Chuyên gia Ðinh Trọng Thịnh |
Ảnh hưởng đời sống người dân
Hiện vẫn còn hiện tượng cây xăng bán nhỏ giọt. Theo ông, nên giải quyết tình trạng này thế nào?
Bộ Công Thương cần xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở từng địa bàn, địa phương, từ đó có căn cứ để yêu cầu các đầu mối cung cấp đủ nhu cầu xăng dầu, đảm bảo dự trữ theo quy định. Ví dụ, Hà Nội có khoảng 8 triệu dân, phải hạch toán được nhu cầu xăng dầu của người dân, hạch toán được lượng dự trữ cần thiết trong điều kiện bình thường, bất thường. Khi có số liệu đầy đủ thì có căn cứ để đảm bảo được, nhưng không có cơ sở dữ liệu thì điều hành rất khó. Nếu kiểm tra phát hiện tình trạng găm hàng thì phải xử lý nghiêm theo quy định. Vấn đề này cũng rút ra bài học, liên quan đến công tác điều hành, quản lý xăng dầu phải công khai, minh bạch thông tin. Ví dụ, khi nhà máy Nghi Sơn có thông tin giảm công suất, phía Bộ Công Thương phải chủ động lên tiếng về đảm bảo nguồn cung thay thế để các đầu mối, doanh nghiệp, người dân yên tâm, không xảy ra tình trạng găm hàng chờ tăng giá.
Mỗi khi giá xăng dầu tăng, nhiều mặt hàng tăng giá “té nước theo mưa”, nhưng khi giảm thì không thấy động tĩnh gì. Theo ông, làm thế nào để giá xăng dầu không ảnh hưởng đến đời sống, đặc biệt là bữa cơm của người dân?
Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đơn vị quản lý giá (Bộ Tài chính) phải thường xuyên kiểm tra giá cả để từ đó đảm bảo giá xăng dầu chỉ tác động đến giá cả các mặt hàng ở mức độ vừa phải. Vấn đề này rất khó, bởi vì xăng dầu ảnh hưởng khác nhau đến các ngành nghề và hàng hoá khác nhau. Ví dụ, khi giá xăng dầu tăng lên 10% thì ảnh hưởng đến giá hàng hoá khác khoảng 3,5% hay cụ thể bao nhiêu % thì phải nắm được và có chỉ đạo. Giá xăng dầu ảnh hưởng xác định ở mức 3% mà doanh nghiệp tăng giá hàng hoá lên 10% thì là té nước theo mưa, không được phép. Rồi khi giá xăng giảm cũng phải theo dõi đà giảm giá của hàng hoá, nếu không phải xử lý. Cơ quan chức năng, lực lượng quản lý thị trường phải kiểm soát các vấn đề này.
Cảm ơn ông.
Trường Phong