Triển vọng tăng trưởng của TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đã sụt giảm đáng kể trước lo ngại gia tăng về rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ. Trên thực tế, các thống kê quá khứ cho thấy chỉ số VNIndex có thể tiếp tục sụt giảm sâu hơn vùng giá hiện tại nếu suy thoái kinh tế Mỹ diễn ra, dưới tác động của lạm phát và động thái thắt chặt tiền tệ của FED.
Chúng tôi hạ dự phóng chỉ số VNIndex thời điểm cuối năm 2022 xuống 1,418 điểm (từ mức 1,680 đưa ra cuối quý 2), với kịch bản cơ sở suy thoái kinh tế Mỹ sẽ chưa diễn ra trong 2 quý cuối năm, dù rủi ro vẫn hiện hữu (tương đồng với tổng hợp dự báo các tổ chức tài chính trên thế giới xác suất suy thoái ở Mỹ trong 12 tháng tới là 40%). Cụ thể hơn, chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng EPS bình quân của của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX ở mức 15.1% trong khi mức P/E mục tiêu cho năm 2022 giảm mạnh xuống 14.3 lần (từ mức 16.5 lần đưa ra trong báo cáo quý 2) nhằm phản ánh rủi ro ngoại biên gia tăng (Xem thêm phần I – Triển vọng TTCK 2H 2022).
Động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm sẽ đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết. Chúng tôi kỳ vọng thị trường trong Quý 3 sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô tích cực được công bố, cũng như mùa báo cáo KQKD quý 2, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh sâu ở nhóm cổ phiếu tính chu kỳ cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các ngành liên quan. Dù vậy, kịch bản thị trường tạo đáy trung hạn thành công ngay trong quý 3 không được đánh giá cao. Thị trường chỉ thực sự có thể quay trở lại xu hướng tăng dài hạn và bền vững khi các rủi ro ngoại biên được giải toả (đặc biệt liên quan đến rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ, lạm phát và FED nâng lãi suất).
Bên cạnh các rủi ro về suy thoái kinh tế Mỹ, các yếu tố rủi ro khác có ảnh hưởng lên thị trường cần quan tâm là lạm phát (đặc biệt trong giai đoạn cuối Quý 3 đầu Quý 4), biến động tỷ giá, tăng trưởng kinh tế trong nước, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chính sách tiền tệ của SBV, dịch Covid-19 tại Trung Quốc, xung đột Nga – Ukraine, diễn biến giá dầu...
Đối với triển vọng ngành trong nửa cuối năm, bộ phận phân tích doanh nghiệp của chúng tôi đánh giá tích cực với các ngành bất động sản, điện lực, công nghệ thông tin, bán lẻ, thuỷ sản, dầu khí (xem thêm phần V. Triển vọng ngành)
TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh trong nửa đầu năm với thanh khoản sụt giảm
TTCK Việt Nam giảm điểm mạnh trong nửa đầu năm, tập trung chủ yếu vào quý 2 sau giai đoạn quý 1 lình xình đi ngang với nguyên nhân chủ yếu đến từ diễn biến tiêu cực của TTCK toàn cầu trước các lo ngại tăng dần về rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ dưới tác động của việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát tăng mạnh. Tính cho nửa đầu năm 2022, chỉ số VNIndex giảm 22.5% về điểm số, trong khi giá trị giao dịch bình quân phiên giãm 5% so với cùng kỳ.
Thị trường Việt Nam đang được định giá hấp dẫn trong tương quan so sánh với các TTCK trong khu vực
Trong tương quan so sánh về mặt định giá với các TTCK trong khu vực (Biểu đồ 2), TTCK Việt Nam có sức hấp dẫn vượt trội với P/B thấp (Biểu đồ 3- so sánh ROE và P/B), và P/E thấp (Biểu đồ 4 - trong tương quan so sánh tăng trưởng EPS bình quân 3 năm gần nhất và P/E). Điều này cũng được phản ánh qua động thái mua ròng của khối ngoại trong giai đoạn chỉ số VNIndex điều chỉnh sâu thời gian qua, trong khi đẩy mạnh bán ròng ở các thị trường trong khu vực.
Việc TTCK Việt Nam bị định giá thấp bất chấp sự lành mạnh về cả nền tảng vĩ mô lẫn vi mô doanh nghiệp là điều đã diễn ra trong 1 thời gian dài và có nguyên nhân lớn đến từ việc TTCK Việt Nam hiện vẫn đang là thị trường cận biên. Chúng tôi cho rằng khoảng cách về mặt định giá này sẽ sớm được thu hẹp nếu triển vọng nâng hạng thị trường dần rõ nét hơn (quá trình dự kiến sẽ diễn ra trong 2-3 năm tới), phản ánh triển vọng tích cực của thị trường trong dài hạn.
Xem thêm tại đây