Thị trường tiền tệ ngày 12/4/2019
Viết bởi Kathy Liên, Giám đốc điều hành Chiến lược ngoại hối Công ty quản lý tài sản BK
Cặp USD/JPY phá vỡ ngưỡng 112 vào thứ Sáu, chuẩn bị đạt mức cao nhất trong 1 tháng, Euro cũng tăng lên ngưỡng cao nhất so với USD kể từ ngày 26/3. Có một vài lần chúng tôi chứng kiến cặp USD/JPY và EUR/USD tăng liên tục, đó là khi nhà đầu tư chấp nhận rủi ro. Thị trường chứng khoán giảm vào đầu tuần trước nhưng hồi phục mạnh trong phiên ngày thứ Sáu và kết tuần không quá xa ngưỡng cao nhất trong 6 tháng. Một số nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về sự suy thoái, căng thẳng thương mại Châu Âu - Mỹ, thoả thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hướng giải quyết và đặc biệt là Brexit. Nhưng nhìn chung, nhà đầu tư vẫn khá lạc quan vì kết quả kinh doanh ngân hàng ổn định và họ tin rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu. Họ cũng thấy nhẹ nhõm hơn khi Fed không cố “xát muối" vào nhà đầu tư khi cân nhắc cẩn thận việc tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Có thể điều này là lạc quan, nhưng tất cả tín hiệu đều cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến các thị trường khác trên thế giới.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu xu hướng này có khiến cặp USD/JPY chạm ngưỡng 114 trước khi giảm xuống 100 hay không. Chúng tôi vẫn nghi ngờ về đà tăng này do tăng trưởng Mỹ chậm lại và Fed cũng khá lo lắng về điều đó. Chủ tịch Fed Bullard cho rằng tháng 3 đánh dấu việc bình thường hoá chính sách đã kết thúc và ông ủng hộ quan điểm bỏ qua từ “kiên nhẫn" trong các tuyên bố về chính sách do nó tạo ra tâm lý thắt chặt. Hợp đồng tương lai quỹ Fed cho rằng khả năng giảm lãi suất trong tháng 1 là 48% vì vậy nới lỏng là điều chắc chắn. Về mặt cơ bản, cặp USD/JPY sẽ xuống ngưỡng 110 trước khi tăng lên ngưỡng 114 nhưng về mặt kỹ thuật, cặp USD/JPY sẽ đạt mức cao trong 7 tuần và động lực vẫn khá tích cực. Ngưỡng SMA 200 tuần là ở mức 112 vì vậy nếu cặp này bứt ra khỏi ngưỡng cao 112,14, điểm dừng tiếp theo sẽ là 113.
Trong khi đó, cặp EUR/USD tăng lên trên ngưỡng 1,13 lần đầu tiên kể từ ngày 26/3 nhưng đà tăng yếu dần. Dữ liệu tốt hơn dự kiến và thặng dư thương mại ở Đức tăng, sản xuất công nghiệp giảm nhẹ nhưng những báo cáo này không khiến nhà đầu tư lạc quan hơn về Euro. Căng thẳng thương mại giữa Liên minh Châu Âu và Mỹ đang ở mức đỉnh điểm khi Tổng thống Trump đe doạ sẽ áp mức thuế 11 tỷ USD lên hàng hoá Châu Âu để trả đũa về hành động trợ cấp kinh doanh cho Airbus (PA:AIR). Châu Âu cũng đáp trả lại bằng một danh sách các khoản thuế lên đến hơn 22 tỷ USD. Tổ chức thương mại thế giới (WTO) chưa chính thức tuyên bố mức phạt dành cho EU nhưng nếu EU hoặc Mỹ nhất quyết thực hiện các quy định thuế quan, điều đó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến EU - và đặc biệt là đồng Euro. Đây là rủi ro mà ngân hàng trung ương phải thấu hiểu cặn kẽ. Khảo sát ZEW của Đức và chỉ số PMI Châu Âu dự kiến sẽ được công bố trong tuần tới và nếu dữ liệu giảm, điều này củng cố quan ngại của ngân hàng trung ương rằng cặp EUR/USD sẽ tiếp tục giảm. Chúng tôi cho rằng cặp này sẽ kiểm nghiệm ngưỡng 1,10.
Kỳ nghỉ lễ Phục sinh luôn là một tuần đầy thú vị trên thị trường ngoại hối - chúng tôi thường thấy một loạt các sự kiện xảy ra trong 3 ngày đầu tiên đi cùng giai đoạn tích luỹ. Tuy nhiên, năm nay có thể sẽ khác do có một loạt các báo cáo kinh tế quan trọng sẽ được công bố trong ngày thứ Năm, vì vậy biến động có thể sẽ kéo dài hơn. Tuy nhiên, hầu hết các thị trường đều đóng cửa vào ngày thứ Sáu và thứ Hai (thị trường Mỹ chỉ đóng cửa ngày thứ Sáu), vì vậy nhiều nhà đầu tư sẽ rời thị trường sớm để nghỉ lễ dài hơn và chốt một phần lợi nhuận ngay sau khi báo cáo doanh số bán lẻ của Mỹ được công bố.