Sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 09/02, giá dầu quay đầu giảm, kết thúc chuỗi tăng mạnh 3 phiên liên tiếp trước đó, với dầu WTI giảm 0,52% xuống 78,06 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,69% xuống 84,5 USD/thùng. Cụ thể hơn giá dầu mở cửa với lực mua và lực bán liên tục giằng co khi các nhà đầu tư không chắc chắn về kịch bản tích cực trong bức tranh nhu cầu, sau loạt cáo tháng và tuần của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy mức tồn kho tăng đáng kể. Đà giảm được thúc đẩy mạnh mẽ trong phiên tối, khi các thông tin cho thấy sức tiêu thụ trên thế giới vẫn chưa có tín hiệu bùng nổ như kỳ vọng.
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Ấn Độ trong tháng 01/2023 đã giảm sau khi chạm mức đỉnh trong tháng 12/2022 do ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh giá và hoạt động công nghiệp có xu hướng chậm lại. Theo dữ liệu từ Trung tâm Phân tích và Lập kế hoạch Dầu khí (PPAC) của Bộ Dầu khí Ấn Độ, mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ trong tháng Giêng đạt 18,7 triệu tấn, giảm 4,6% so với tháng trước đó. Trong khi đó, nguồn cung dầu từ Nga vẫn đang được đảm bảo, bất chấp các lệnh cấm vận từ các nước phương Tây, cùng đã gây sức ép lên giá dầu.
Theo nhật báo Kommersant đưa tin trong hôm thứ Năm, các nhà sản xuất dầu thô của Nga đã tăng sản lượng khoảng 1% trong tuần đầu tiên của tháng Hai, với sản lượng dầu và khí ngưng tụ tăng 0,7% lên 0,93 triệu thùng/ngày. Các số liệu phù hợp với những con số được đưa ra bởi Phó Thủ tướng Nga trong hôm thứ Tư rằng sản lượng dầu thô của Nga, không bao gồm khí ngưng tụ trong tháng này rơi vào khoảng 9,8 triệu đến 9,9 triệu thùng/ngày của tháng 1.
Điều này cũng sẽ mở ra kỳ vọng nguồn cung dầu Nga đảm bảo cho sự gia tăng nhu cầu trên thị trường Trung Quốc. Trước đó, việc tăng giá bất ngờ của Saudi Arabia đối với các chuyến hàng giao tháng 3 sang châu Á đang được thị trường coi là tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến dầu của quốc gia này kém cạnh tranh so với nguồn dầu giá rẻ từ Nga.
Mặc dù vậy, lực mua có xu hướng dần quay trở lại thị trường dầu vào cuối phiên, khi xuất khẩu dầu của Azerbaijan từ Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể được nối lại trong tuần này vì một phòng kiểm soát tại cảng Ceyhan bị ảnh hưởng thiệt hại do động đất, gây gián đoạn tới nguồn cung ngắn hạn. Ceyhan thường xử lý khoảng 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, gần 60% trong số đó từ Azerbaijan và phần còn lại từ Iraq. Chính điều này đã củng cố đà tăng giá tiếp tục của dầu trong phiên ngày hôm nay.