Vietstock - Đứt kế sinh nhai vì Covid-19
Cuộc sống của nhiều người lao động trên toàn cầu bỗng rơi vào ngõ cụt vì Covid-19 khi việc làm trong tất cả ngành nghề đều sụt giảm nghiêm trọng.
Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) dự báo GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 4,9% trong năm nay do khủng hoảng Covid-19, đồng thời cảnh báo rằng những hộ gia đình thu nhập thấp và người lao động phổ thông là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Tôi đang rơi vào trạng thái vô cùng bất an", Xavier Chergui, 44 tuổi, đến từ Pháp, người có 10 năm kinh nghiệm ở vị trí quản lý nhà hàng ở Paris, chia sẻ.
Trước dịch, Chergui kiếm được 2.000-3.000 USD mỗi tháng, thậm chí có thể lên đến hơn 4.500 USD những lúc công việc thuận lợi. Nhưng khi Pháp áp lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 lây lan, gia đình 4 người của Chergui phải sống dựa vào khoản trợ cấp hơn 1.000 USD từ chính phủ.
Jesus Yepez, hướng dẫn viên du lịch người Mexico mất việc vì Covid-19. Ảnh: AFP.
|
Ông vẫn nợ tiền thuê nhà 1.100 USD mỗi tháng kể từ tháng 3 đến nay. Hóa đơn điện cũng chưa được trả suốt ba tháng qua. Dù xoay xở trả được số tiền vay mua xe gần 290 USD mỗi tháng, gia đình Chergui giờ đây phải tạm quên đi những kỳ nghỉ.
"Chúng tôi đã mất mọi thứ", Chergui chia sẻ. Vợ ông còn đang bị trầm cảm. Chergui hy vọng công việc sẽ trở lại vào tháng 9, khi tình hình dịch bệnh tại Pháp được kiểm soát.
Với ước mơ trở thành phi công, Roger Ordonez, 26 tuổi, đến từ Colombia, vừa làm tiếp viên cho hãng hàng không Avianca từ năm 2017 vừa học để thi lấy bằng lái.
Ordonez từng có cuộc sống thoải mái, chu du khắp nơi trên thế giới. Nhưng hồi cuối tháng ba, hãng hàng không yêu cầu anh nghỉ không lương trong hai tuần. Ordonez chấp nhận. Thời gian nghỉ không lương sau đó liên tục được kéo dài thêm.
Hai tháng sau, Ordonez hay tin rằng hợp đồng của anh với hãng hàng không sẽ không được gia hạn sau khi nó kết thúc vào ngày 30/6. Trong lúc đó, hãng Avianca nộp đơn xin phá sản.
Ordonez phải từ bỏ ước mơ trở thành phi công và không còn nguồn thu nhập để phụ giúp gia đình.
"Tôi vẫn cố gắng tìm việc nhưng rất khó bởi ngành của tôi là du lịch và đây là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19", Ordonez nói. Anh đang cân nhắc học lại một chuyên ngành khác, có thể là quản trị, thương mại hay bán hàng.
Để lấp đầy tủ lạnh và nuôi con trai đang đi học, con gái cùng cháu trai, Sonia Herrera không có lựa chọn nào khác ngoài dựa vào các ngân hàng thực phẩm hỗ trợ người yếu thế.
"Tôi cảm thấy xấu hổ khi phải cầu xin giúp đỡ", người phụ nữ 52 tuổi đến từ Honduras, hiện sống ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, cho hay. "Mọi người sẽ nhìn vào bạn. Chưa kể, tôi còn cảm thấy tội lỗi vì biết đâu đấy, có những người khác cần chúng hơn tôi".
Trước dịch, nhờ nghề giúp việc gia đình, Herrera kiếm được 550 USD mỗi tháng. Nhưng chủ nhà đã sa thải bà ngay sau khi Tây Ban Nha ban bố lệnh phong tỏa vì Covid-19. Vì là một người nhập cư không có giấy tờ, Herrera không thể nhận trợ cấp từ chính phủ.
Cả gia đình sống dựa vào khoản tiền gần 700 USD trợ cấp thất nghiệp của Alejandra, con gái 32 tuổi của bà. Cô từng làm đầu bếp cho một nhà trẻ nhưng nơi Alejandra làm việc đã phải đóng cửa vì dịch bệnh. Nhờ một khoản tiền tiết kiệm nhỏ, họ đang lay lắt sống từng ngày.
"Khoảng thời gian cuối tháng còn khiến tôi sợ hơn cả virus. Rốt cuộc, dù có chuyện gì xảy ra, bạn vẫn phải ăn", Herrera nói.
Natalia Murashko, 39 tuổi, chuyên gia công nghệ thông tin người Ukraine, chuẩn bị được thăng chức sau 4 năm làm kỹ sư kiểm soát chất lượng cấp cao tại công ty lữ hành Mỹ Fareportal.
Chuyên gia công nghệ thông tin người Ukraine Natalia Murashko, 39 tuổi. Ảnh: AFP.
|
Khi dịch bệnh bùng phát, ngày 31/3, khoảng 15 nhân viên công ty bị sa thải, song Murashko tin mình sẽ được giữ lại, bởi ông chủ đã đảm bảo với cô như vậy. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, cô nhận thông báo nghỉ việc. "Tôi đã nghĩ đó là chuyện đùa ngày Cá tháng tư", Murashko cho biết. "Tôi vô cùng sốc".
Kỹ năng máy tính của Murashko đưa cô vào nhóm lao động tay nghề cao với mức lương vài nghìn USD mỗi tháng ở Ukraine. Đây là mức cao so với lương trung bình khoảng 350 USD tại nước này. Cô có đủ khả năng thuê người dọn dẹp nhà cửa, đi thẩm mỹ viện chăm sóc sắc đẹp và mua sắm quần áo mới thường xuyên.
Chỉ sau một đêm, cuộc sống của Murashko thay đổi hoàn toàn. Giờ đây, cô sống dựa vào tiền tiết kiệm và những công việc lặt vặt. Tháng trước, bà mẹ hai con đang chăm sóc mẹ già 73 tuổi, chỉ kiếm được gần 700 USD.
Nỗ lực tìm việc của Murashko không đạt kết quả và cô phải hạn chế chi tiêu đến mức tối đa.
"Một thứ tôi chưa cắt là các buổi trị liệu tâm lý", Murashko nói. Từ khi mất việc, cô hay mất ngủ và tâm trạng luôn bất an.
Marie Cedile lặng người khi nghe tin bà là một trong những nhân viên bị sa thải khỏi Andre, công ty giày của Pháp đã nộp đơn xin phá sản ngày 21/3. Theo đề nghị tiếp quản duy nhất được đưa ra, chỉ 1/2 trong 450 nhân viên được giữ lại.
Cedile sợ rằng ở tuổi 54 và chưa có kinh nghiệm làm việc ở bất kỳ nơi nào khác ngoài Andre, bà sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc mới. Sau 30 năm làm việc, lương của bà vẫn chỉ ở mức tối thiểu gần 1.500 USD/tháng, trong đó gần 1.160 USD dành để thuê một căn hộ ở khu ngoại ô Morangis, Paris. Một trong hai con gái của Cedile qua đời năm ngoái ở tuổi 29 vì ung thư não.
"Bạn phải có hai lương mới đủ trang trải cuộc sống. Chồng tôi cũng đang thất nghiệp nhưng ông ấy trẻ hơn tôi nên có lẽ sẽ tìm được việc dễ dàng hơn", bà nói. "Tôi sẽ làm mọi thứ nếu bị sa thải, thậm chí cả việc dọn dẹp nhà cửa".
Hướng dẫn viên du lịch người Mexico Jesus Yepez, 66 tuổi, đang tá túc tại một trại tị nạn dành cho người vô gia cư sau khi bị đuổi khỏi căn hộ ông thuê ở thủ đô hồi đầu tháng.
Trước dịch, ông kiếm được khoảng 500 peso (22 USD) cho mỗi lần dẫn tour khoảng một tiếng. Nhưng các viện bảo tàng và phòng trưng bày ở Mexico đã phải đóng cửa hồi cuối tháng ba, đúng vào mùa cao điểm du lịch, khiến Yepez rơi vào cảnh chật vật, như bao người khác đang làm việc trong ngành du lịch.
Ông có một khoản tiết kiệm nhưng đã tiêu hết, trong khi khách du lịch vẫn chưa trở lại. Bằng kiến trúc, quan hệ quốc tế, tiếng Anh và tiếp Pháp của ông giờ đây cũng không giúp ích gì nhiều.
"Tôi chỉ mong vượt qua được cơn khó khăn này rồi tìm một nhà dưỡng lão để sống tới cuối đời. Tôi không ốm yếu gì nhưng đã quá mệt mỏi với cuộc sống rồi", Yepez chia sẻ.
Vũ Hoàng