Vietstock - Những hệ lụy từ cuộc chiến Nga-Ukraine
Những ngày gần đây, tình hình chiến sự ở Ukraine được các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội tập trung đưa tin. Những cảnh đổ nát, thương tâm ai cũng thấy, nhưng mức độ ảnh hưởng và hậu quả của cuộc chiến chắc hẳn trầm trọng hơn những gì nhiều người dự tính. Bởi xung đột này hiện diện trong nhiều lĩnh vực quan trọng và không chỉ là chuyện của 2 quốc gia.
Xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá dầu thế giới tăng cao.
|
Chia rẽ sâu sắc về chính trị
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã có từ lâu, và lần xung đột lớn nhất là việc Nga chiếm Crimea vào năm 2014. Cũng như một số nước khác trong hệ thống Liên bang Xô viết trước đây, phần lớn người dân Ukraine muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và đi theo hướng phát triển kinh tế xã hội của phương Tây. Ukraine cũng muốn gia nhập NATO, và đây là điều tối kỵ đối với Nga. Bởi Nga không muốn ngay sát bên cạnh mình là một nước thành viên của NATO và có vị thế quan trọng như Ukraine.
Mặc dù giữ liên lạc ngoại giao, trao đổi kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, nhưng giữa phương Tây với Mỹ và Nga vẫn bất đồng các vấn đề dân chủ, tính tự do của thị trường. Chẳng hạn, việc Tổng thống Putin tại vị quá lâu và dường như độc tôn quyền lực khi sửa cả Hiến pháp để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Nga cũng là nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng phụ thuộc chủ yếu vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, không phát huy được hiệu quả của mình.
Chia rẽ sâu sắc về chính trị, khủng hoảng xã hội và nhân đạo là hệ lụy mà xung đột Nga-Ukraine mang lại. |
Khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, cuộc họp tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 2-3 đã cho thấy rõ quan điểm của các chính phủ về việc ủng hộ Nga hay Ukraine. Nghị quyết lên án Nga có 141/193 phiếu ủng hộ, 5 nước bỏ phiếu chống và 35 phiếu trắng tỏ ý trung lập. Tuy nhiên trong số các nước ủng hộ Ukraine đều có các nước phát triển, các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh.
Các xung đột về địa chính trị ngày nay thường xảy ra ở một vùng lãnh thổ nhỏ, các nước lớn sẽ gián tiếp chọn một bên để ủng hộ hoặc ủng hộ kín đáo. Tuy nhiên, qua sự kiện Ukraine cho thấy sự đối đầu căng thẳng và trực diện giữa Nga với Mỹ và EU.
Khủng hoảng thị trường hàng hóa
Chiến sự ngày càng leo thang ở Ukraine đã khiến giá cả một số hàng hóa nhảy vọt, như dầu thô, lúa mì, hạt ngũ cốc và một số kim loại phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Giá dầu thô WTI trên thị trường thế giới đã tăng gần 30% chỉ trong vòng 2 tuần khi chiến sự xảy ra, nếu tính từ đáy đầu tháng 12-2021 giá dầu đã tăng gần 80%.
Giá dầu WTI 1 năm qua
|
Nga cung cấp gas quan trọng của EU nên việc gián đoạn cung cấp gas và giá tăng sẽ gây không ít khó khăn cho các nước nhập khẩu. Cũng may mùa đông đã và đang kết thúc ở nhiều nước nên nhu cầu sưởi bằng gas cũng đã giảm đáng kể, và các nước EU phải lên chiến lược khẩn cấp về năng lượng. Như Pháp đã đẩy mạnh lại các chương trình nhà máy điện hạt nhân, Đức cũng gia hạn thời hạn sử dụng cho một số nhà máy đang hoạt động, và các nước ưu tiên hơn cho các chương trình năng lượng tái tạo.
Một số ngành sản xuất ở châu Âu bắt đầu khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu và có thể phải đóng cửa nhà máy vì những nguyên liệu này được nhập từ Nga hay Ukraine. Trong số này, phải kể đến các nguyên liệu là kim loại như quặng sắt, alumin, và một số kim loại hiếm. Báo chí Pháp mấy ngày gần đây đã đưa tin về khó khăn của ngành công nghiệp sản xuất ô tô nước này trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn từ Nga và Ukraine.
Khủng hoảng về giá hàng hóa trong lúc này, đặc biệt là dầu thô và các nguyên liệu chính - đầu vào của nhiều ngành sản xuất - như thêm dầu vào lửa của tình hình lạm phát ở nhiều nơi trên thế giới. Nếu giá cả chỉ tăng đột ngột trong ngắn hạn rồi hạ nhiệt nền kinh tế có thể chịu đựng, nhưng để kéo dài sẽ là rủi ro lớn của kinh tế thế giới. Bởi lạm phát tăng buộc các chính sách vĩ mô phải kềm hãm nền kinh tế lại, có nghĩa kinh tế sẽ trì trệ và có thể xảy ra tình trạng đình lạm.
Thị trường vốn và tài chính
Một trong các biện pháp trừng phạt kinh tế đầu tiên của Mỹ và EU đối với Nga, là hạn chế và loại các ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống SWIFT. Điều này sẽ gây khó khăn cho người sử dụng các dịch vụ của ngân hàng Nga trong các giao dịch quốc tế. Thí dụ, doanh nghiệp xuất khẩu của Nga sẽ không thể nhận thanh toán, hay du khách nước ngoài không thể rút tiền ở Nga với thẻ của mình.
Chỉ số chứng khoán Mỹ và Nga 1 năm qua
|
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây đối với Nga không chỉ khiến nước này gặp nhiều khó khăn trên thị trường tài chính quốc tế, còn tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế. |
Các biện pháp trừng phạt kinh tế càng siết chặt, thị trường tài chính của Nga bị ảnh hưởng trước tiên. Đầu tiên là thị trường chứng khoán (TTCK) và đồng rúp tuột dốc không phanh. TTCK Nga đã phải đóng cửa nhiều ngày liên tiếp, một số cổ phiếu chủ chốt lớn bị mất giá 80-90%. Và mới đây, TTCK Nga cũng bị loại khỏi danh sách các thị trường mới nổi, nghĩa là các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ không còn đầu tư vào cổ phiếu Nga. Không chỉ phản ứng trên TTCK, các tập đoàn lớn của Mỹ, EU cũng lên tiếng rút vốn đầu tư trong các dự án đang ở Nga, chấp nhận những thiệt hại phát sinh. Phần vốn đầu tư của các tập đoàn dầu khí như BP, Total ở Nga rất lớn, nếu rút các khoản lỗ có thể lên đến hàng chục tỷ USD.
Các biện pháp trừng phạt nhắm tới Nga đã làm nước này gặp nhiều khó khăn trên thị trường tài chính quốc tế, cũng là khó khăn cho các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và cá nhân đầu tư vào Nga. Cuối năm 2021, nhiều tổ chức quốc tế nhận định Nga là thị trường tiềm năng trong nhóm BRICS, khi nhận định giá dầu sẽ lên và duy trì ở mức 80USD/thùng. Giờ đây, dù giá dầu tăng nhưng các khoản đầu tư ở Nga giảm giá mạnh, dòng vốn bị kiểm soát chặt chẽ và cơ may để thu hồi lại được vốn đầu tư rất mong manh.
Thương mại quốc tế
Chỉ tính riêng quan hệ xuất nhập khẩu của EU với Nga trong năm 2021, EU xuất khẩu sang Nga 89,3 tỷ EUR và nhập về 158,5 tỷ EUR hàng hóa. Khi các lệnh cấm vận kinh tế có hiệu lực, doanh nghiệp và người dân ở các bên đều bị thiệt hại. Trước tiên, các doanh nghiệp nhập khẩu thiếu hụt nguồn hàng để cung cấp cho thị trường.
Những mặt hàng được nhập khẩu từ Nga hay Ukraine dần biến khỏi các kệ hàng ở châu Âu và ngược lại. Cùng với đó, những nhà xuất khẩu muốn xuất khẩu cũng không được, tạo ra tình trạng bên thiếu bên thừa. Một số nhà sản xuất và xuất khẩu rượu của Pháp sang Nga đã thấy ngay hệ lụy khi lệnh trừng phạt bắt đầu: các đơn hàng giảm 30-50%.
Xung đột Nga-Ukraine không chỉ là chuyện của 2 quốc gia, mà nó hiện diện trong nhiều lĩnh vực quan trọng của thế giới. |
Song người tiêu dùng bị chịu thiệt nặng nề nhất. Giá cả một số mặt hàng nhập khẩu ở Nga đã tăng gấp vài lần, cùng với tác động kép của việc đồng rúp mất giá. Người dân châu Âu cũng bắt đầu lo lắng việc tăng giá các sản phẩm khi giá lúa mì, ngũ cốc tăng. Trong khi đó, các nước châu Âu cũng đang đẩy mạnh chiến dịch truy lùng tài sản của các tỷ phú Nga có mối liên hệ gần gũi với Tổng thống Putin. Nổi bật nhất là chuyện tạm giữ các du thuyền và đang đẩy mạnh ở các tài sản giá trị khác như bất động sản, các tài khoản ngân hàng.
Làn sóng tẩy chay của doanh nghiệp châu Âu ở Nga cũng ngày càng mạnh lên, với việc đóng cửa các nhà máy, cửa hàng, hoặc rút vốn ra khỏi các liên doanh. Hầu hết lĩnh vực đều có doanh nghiệp tham gia như sản xuất ô tô, thiết bị phụ tùng, vận tải, ngân hàng, dầu khí, và bán lẻ. Ngày cuối tuần vừa, nhiều người dân Nga đã bất ngờ khi chuỗi cửa hàng Ikea đồng loạt đóng cửa trên toàn nước Nga.
Xã hội và khủng hoảng nhân đạo
Nghiêm trọng hơn các thiệt hại cơ sở hạ tầng, là số thương vong ngày một tăng và cuộc khủng hoảng xã hội mà hệ lụy chắc hẳn sẽ kéo dài khi dòng người rời khỏi Ukraine ngày càng đông. Hơn 1 triệu người dân Ukraine, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi đã rời Ukraine theo hướng Tây, qua các nước láng giềng như Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc. Nhiều nước Tây Âu đã đón dòng người tị nạn, giúp đỡ họ có nơi trú ngụ và thực phẩm thuốc men.
Cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ kết thúc nhưng những gia đình mất người thân, gia đình bị ly tán, từ bỏ quê hương và hòa nhập ở môi trường là những khó khăn hàng triệu người dân Ukraine sẽ phải trải qua trong thời gian tới. Đối với các nước tiếp nhận cũng là những thách thức về các vấn đề xã hội, khi phải huy động các nguồn lực để hỗ trợ người tị nạn sớm ổn định cuộc sống, sau đó là các vấn đề an sinh xã hội và việc làm khác, như trẻ con phải đến trường học, người lớn phải đi làm việc.
TS. Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris